Thông thường quá trình chuyển dạ của thai phụ bắt đầu từ tuần thứ 40 trong thai kỳ, bao gồm nhiều hiện tượng. Lúc này thai thi đã sẵn sàng chào đời. Cơ thể bé trong bụng mẹ đã mũm mĩm, da căng hồng, các cơ quan bộ phận đã hoàn thiện hơn. Trong một số trường hợp ngoại lệ, các dấu hiệu chuyển dạ có thể đến sớm hoặc trễ hơn từ 7 đến 10 ngày.
Xuất hiện nhiều những cơn co thắt
Nếu thấy các cơn co thắt xuất hiện liên tục, đều đặn thì nhiều khả năng là bạn sắp chuyển dạ, ngoài ra, một số người còn thấy xuất hiện chứng chuột rút, ra máu…
Những cơn co thắt tử cung gây đau này mới đầu sẽ nhẹ và thưa sau đó sẽ tăng dần cả về cường độ lẫn thời gian đau và khoảng cách giữa các cơn đau.
Khi thời gian chuyển dạ thực sự đến gần, bạn sẽ thấy các cơn co thắt diễn ra thường xuyên hơn, cứ 10 – 15 phút một lần.
Thở dễ dàng hơn
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, bạn sẽ có cảm giác thai bị tụt xuống, cảm giác ở khung xương chậu nặng nề hơn, áp lực của thai lên lồng ngực cũng được giảm đáng kể. Vì vậy, nếu thấy thở dễ dàng hơn thì nghĩa là bạn nên chuẩn bị tinh thần sớm.
Cảm giác thai ‘tụt’ xuống
Khoảng thời gian cuối thai kỳ, những cú đá của bé xuất hiện nhiều ở bụng trên. Nhiều người mẹ chia sẻ, nếu quan sát bụng bầu từ phía bên trên, họ không thấy rốn nữa (giai đoạn trước, khi bé còn nằm ở bụng trên thì rối sẽ căng và như bị lồi ra). Tình trạng sa bụng có thể diễn ra trong khoảng 2-4 tuần trước ngày chuyển dạ thật.
Nhóm phụ nữ sinh con lần 2 không cảm nhận được rõ ràng giai đoạn bé bị “rơi” xuống, trừ thời điểm chuyển dạ. Nguyên nhân là vì các cơ vùng xương chậu của mẹ đã bị giãn mạnh nên cảm giác “tụt” xuống của bé khá mơ hồ.
Tăng tiết dịch âm đạo
Dịch âm đạo có màu trắng đục, giống như lòng trắng trứng gà hoặc có chất nhầy màu hồng. Dịch này chính là nút nhầy cổ tử cung bị tụt ra khi cổ tử cung bắt đầu xóa mở chuẩn bị cho cuộc sinh nở. Nút nhầy này giúp bảo vệ màng ối và thai nhi trong tử cung không bị vi khuẩn ở âm đạo tấn công.
Đau mỏi hông
Các cơn đau mỏi hông và xương chậu nhiều hơn, do dây chằng ở xương chậu và tử cung bị căng ra chuẩn bị cho cuộc sinh nở.
Ra máu
Dịch âm đạo tiết ra nhiều và thay đổi, từ loãng, quánh như keo dán giấy trở thành dày hơn, có thể lẫn máu đỏ. Khi cổ tử cung mỏng đi, những mạch máu nhỏ ở cổ tử cung bị vỡ. Vì thế, bạn có thể nhìn thấy những vệt máu màu đỏ hoặc nâu đỏ có lẫn trong dịch nhầy. Nếu dịch âm đạo có màu đỏ nhiều hơn là chất nhầy trắng, giống như dấu hiệu kinh nguyệt hoặc ra nhiều máu đỏ tươi, bạn nên nhập viện sớm. Thông thường, nếu xuất hiện dấu hiệu ra máu thì cơn chuyển dạ sẽ tới trong vòng 3-4 ngày nhưng cũng có trường hợp là 1-2 tuần.
Vỡ nước ối
Thường thì bạn sẽ thấy tử cung co thắt nhiều lần, sau đó nước ối mới bị vỡ, nhưng cũng có một số trường hợp nước ối bị vỡ bất ngờ. Nếu nước ối vỡ bất ngờ thì bạn nên nhập viện ngay.
Khi các mẹ bầu thấy một trong những dấu hiệu này thì cần nhanh chóng thu xếp để đến cơ sở y tế đã lựa chọn trước đó để chuẩn bị sinh nở. Tuy nhiên một số mẹ bầu hoàn toàn không hề có những dấu hiệu chuyển dạ khi thai đã đủ tháng, nếu không có dấu hiệu chuyển dạ có thể mẹ bầu sẽ phải sinh mổ hoặc đẻ chỉ huy tĩnh mạch (đẻ chủ động) theo y lệnh của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
Những dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần biết
Theo NTD