Các mẹ cần biết cách cho bé bú thế nào cho đúng

0
79
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn chỉnh và đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Nhưng cách nuôi con bằng sữa mẹ khoa học thì không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ

Thời gian cho trẻ bú sữa mẹ

 

Nuôi trẻ bằng sữa mẹ là cách nuôi đơn giản và có nhiều lợi ích nhất đối với trẻ sơ sinh. Với trẻ sinh thường, khỏe mạnh và không có khuyết tật gì về cơ thể, bạn nên cho trẻ bú theo nhu cầu, có nghĩa là cho trẻ bú khi cảm thấy trẻ đói, đòi ăn. Người mẹ nên thích nghi một cách mềm dẻo với nhịp của trẻ, thời gian đầu không nên đặt ra giờ giấc quá chặt chẽ vì mỗi trẻ có một nhịp khác nhau.

 

Cho trẻ bú ngay từ những giờ đầu sau sinh để tận dụng được lượng sữa non và để kích thích việc sản xuất sữa mẹ sớm.

 

Phần lớn trẻ sơ sinh trong hai tháng đầu thường có nhu cầu bú trung bình từ 6-8 lần trong ngày và một hoặc vài lần trong đêm. Như vậy, mỗi cữ bú mẹ trong hai tháng đầu có thể cách nhau từ 2 đến 3 giờ tùy từng trẻ.

 

Nhịp độ bú mẹ có thể thay đổi từ tuần thứ ba cùng lúc với việc thay đổi nhịp của giấc ngủ. Sự gần gũi với mẹ trong thời kỳ này là hết sức cần thiết vì nó tạo cho trẻ cảm giác an toàn, cảm giác an toàn này sẽ giúp cho trẻ xa mẹ dễ dàng hơn trong những giai đoạn sau này.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Trẻ dưới 3 tháng tuổi thường có các cữ bú đêm bởi trẻ không chịu đói được. Bắt đầu từ tháng thứ tư, người mẹ có thể tập cho trẻ giảm dần các cữ bú đêm. Với trẻ từ 5 tới 6 tháng tuổi, một số trẻ bỏ hẳn bú đêm và ngủ một giấc liền mạch trong khoảng 8 giờ. Tuy nhiên, một số trẻ chỉ bỏ được bú đêm vào khoảng 10 – 12 tháng. Người mẹ nên tìm cách thích ứng với trẻ chứ không nên ép buộc trẻ khiến căng thẳng, mệt mỏi cho cả gia đình. Để trẻ quen dần với việc thôi bú đêm, mẹ nên kéo dài dần khoảng thời gian giữa các cữ bú đêm chứ đừng nên đột ngột ngắt cữ bú đêm của bé.

 

Cách cho trẻ bú

 

Tư thế của mẹ khi cho trẻ bú tốt nhất là tư thế ngồi. Người mẹ có thể tìm chỗ ngồi thoải mái, lưng thẳng và có chỗ dựa vững chắc. Trong những tháng đầu, bạn nên tránh cho trẻ bú trong tư thế nằm vì tư thế nằm vừa khiến trẻ khó mút và nuốt sữa và có thể gây nguy cơ cho trẻ bị sặc. Bạn cũng không nên cho trẻ bú trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, bởi tư thế này khiến hai mẹ con không nhìn thấy mặt nhau, làm thiếu sự tương tác cần thiết trong quan hệ hai mẹ con. Trước khi cho bé bú, bạn nên dùng nước ấm và một cái khăn bằng gạc mỏng và mềm để lau rửa đầu vú thật sạch. Sau đố một tay đỡ đầu con và ấp bé vào lòng, hai chân bé để lên đùi mẹ. Mặt bé úp sát vào tí mẹ, ngực và bụng bé áp vào bụng mẹ. Miệng của bé cần ngậm kín đầu vú, thường thì bé ngậm hết phần quầng hồng ở vú mẹ. Tay còn lại của mẹ có thể dùng để nâng tí cho bé dễ bú hoặc để chặn bớt sữa nếu sữa nhiều và chảy nhanh quá, cho bé khỏi bị sặc. Tư thế này vừa giúp bé mút và nuốt sữa tốt, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ mẹ – con.

 

Trẻ bú tốt là khi

 

Trẻ nằm bú thoải mái và có vẻ thỏa mãn biểu lộ qua nét mặt thảnh thơi, mắt lim dim hoặc mở to bừng sáng trên khuôn mặt.

 

Lúc đầu trẻ mút nhanh để sữa ra, sau đó trẻ mút sâu và dài hơi, nghe có tiếng nuốt sữa. Thỉnh thoảng trẻ ngưng một chút để thở.

 

Mỗi trẻ có nhịp độ bú khác nhau (có bé bú nhanh, có bé bú chậm, có bé bú nhiều, có bé bú ít, có bé vừa bú vừa thích được mẹ ầu ơ nói chuyện, có bé thích bú trong yên lặng…) và bầu sữa của mỗi bà mẹ cũng khác nhau (về lượng sữa cũng như tốc độ chảy). Vì vậy, sau vài ngày đầu quan sát và theo dõi nhịp của con, mỗi bà mẹ đều có thể hiểu nhịp độ riêng của cả hai mẹ con để nuôi trẻ cho phù hợp.

 

Tuy nhiên, qua nhiều quan sát, người ta thấy phần lớn trẻ sơ sinh thỏa mãn được đến 90% nhu cầu bú sau 5 phút bú mẹ, hiếm thấy một đứa trẻ khỏe mạnh có nhu cầu bú mỗi bên tí mẹ quá 15 phút. Thông thường, bạn nên cho con bú một bên bầu sữa khoảng 5 phút, sau khi quan sát thấy trẻ mút chậm lại đột ngột, bạn nên cho bé bú bầu sữa bên kia trong khoảng 10 -15 phút cho đến khi trẻ lơ mơ ngủ hoặc ngừng bú hẳn thì thôi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết thúc bú sữa

 

Khi bé bú xong, bạn không nên đặt con nằm mà nên bế bé theo tư thế đứng, bụng bé áp vào ngực bạn, đầu bé dựa vào vai bạn, sau đó một tay giữ bé, lòng bàn tay kia khum lại và vỗ nhẹ lên phần trên của lưng bé đến khi thấy bé ợ hơi một hoặc vài cái. Sau khi bé ợ hơi xong, bạn nên bế bé thêm vài phút rồi mới đặt bé nằm. Khi làm như vậy, bạn giúp bé đẩy hết hơi trong dạ dày mà khi bú bé đã nuốt phải để bé đỡ bị trớ.

 

Sau khi trẻ bú xong, bạn nên vắt sạch lượng sữa còn lại trong bầu vú để kích thích nhiều sữa cho cữ bú sau. Sữa vắt ra có thể để vào tủ lạnh cho trẻ ăn lần sau.

 

Làm sao để biết bé có bú đủ hay không?

 

Nếu sau mỗi cữ bú mà trẻ ngủ yên hoặc nằm chơi yên lành trong khoảng hai tiếng, có nghĩa là trẻ đã bú no. Nếu trẻ khóc sau khi bú một lúc, bạn cũng đừng vội nghĩ bé còn đói bởi có thể bé khóc vì lý do khác. Vì vậy, bạn cần quan sát thêm xem mẹ có đủ sữa không trước khi kết luận. Bạn có thể đếm số lần mút và nuốt sữa của trẻ để dự tính xem bé có đủ không, thường trẻ mút độ 3 -4 cái rồi nuốt một lần. Nếu bạn quan sát thấy trẻ mút rất nhiều lần mới nuốt, có thể do trẻ mút yếu, hoặc có thể do lượng sữa mẹ ít. Nếu do trẻ mút yếu, sau khi bú xong, bạn có thể vắt sữa cho bé ăn thêm bằng bình hoặc thìa. Nếu do lượng sữa, bạn nên chuyển bé sang vú bên kia. Và nếu bé bú vẫn chưa đủ, bạn có thể lại chuyển ngược lại thêm một lần nữa vì trong quá trình trẻ bú, sữa mẹ sẽ tiết ra thêm một ít. Ngoài ra, bạn có thể xem số lượng nước tiểu của trẻ qua số lần đi tiểu, số tã phải thay… để xác định xem bé có bú đủ hay không. Nếu trẻ bú đủ, bé thường đi tiểu rất nhiều lần (20 – 30 phút một lần) hoặc ướt nhiều tã trong ngày.

 

 

Các mẹ cần biết cách cho bé bú thế nào cho đúng

 

Theo NTD