Chuyển dạ là quá trình giúp tống thai và nhau ra khỏi tử cung và bắt đầu một cuộc sống mới bên ngoài tử cung của bé. Đôi khi, chuyển dạ không tự khởi phát được, trong trường hợp này các bác sĩ phải sử dụng thuốc giúp khởi động quá trình chuyển dạ để người mẹ có thể sinh ngả âm đạo. Quá trình này được gọi là gây chuyển dạ chủ động.
Chuyển dạ chủ động được thực hiện ở những trường hợp nào?
– Ối đã vỡ nhưng chưa chuyển dạ, màng ối vỡ nhưng chưa có cơn co tử cung hoặc cơn co yếu, cạn ối.
– Thai quá ngày sinh.
– Bệnh lý của mẹ như: tăng huyết áp, tiền sản giật, ung thư cần đình chỉ thai nghén, bệnh tim nhưng chưa suy tim mà ối bị vỡ non, bệnh chất tạo keo.
– Nhiễm khuẩn ối.
– Thai có dị tật bẩm sinh nặng có chỉ định đình chỉ thai nghén.
– Thai chết lưu trong tử cung.
– Thai chậm phát triển trong tử cung
Những trường hợp chống chỉ định với các biện pháp gây chuyển dạ chủ động
– Test không đả kích và đả kích có biểu hiện bệnh lý.
– Bất tương xứng thai – khung chậu.
– Ngôi bất thường không có chỉ định đẻ đường dưới.
– Rau tiền đạo.
– Sẹo mổ cũ trên tử cung.
– Sa dây rốn (thai sống).
– Herpes sinh dục.
– Các bệnh lý mạn tính nghiêm trọng của mẹ như suy tim, tiền sản giật nặng, sản giật… có thể chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Các phương pháp gây chuyển dạ chủ động
Có nhiều cách để khởi phát chuyển dạ. Sau đây là 5 phương pháp gây chuyển dạ chủ động có thể linh động cho từng trường hợp sản phụ cụ thể.
Bóc tách màng ối.
– Khám âm đạo, đưa ngón tay vào giữa màng ối và cổ tử cung, đầu ngón tay phải áp sát cổ tử cung để tách màng ối ra khỏi thành cổ tử cung và đoạn dưới tử cung.
Bấm ối.
– Bấm ối chỉ thực hiện được khi cổ tử cung đã mở, bằng cách dùng 1 kim chọc dò dài hoặc 1 cành Kocher để gây thủng màng ối, sau đó dùng ngón tay xé rộng màng ối. Có thể bấm ối đơn thuần hoặc kết hợp với truyền oxytocin.
– Đánh giá số lượng và màu sắc dịch ối.
– Theo dõi nhịp tim thai trước và ngay sau khi bấm ối.
Bóng Foley.
– Đưa một thông Foley qua lỗ trong cổ tử cung. Bơm 10 ml huyết thanh mặn 0,9% làm phồng bóng cao su tạo áp lực giúp cho cổ tử cung xóa và mở. Khi cổ tử cung mở được 3 cm, thông sẽ tự tuột ra ngoài và cuộc chuyển dạ được khởi phát. Có thể kết hợp với truyền tĩnh mạch oxytocin nếu cần.
Prostaglandin (chỉ được tiến hành tại cơ sở có phẫu thuật.)
– Prostaglandin giúp cổ tử cung chín muồi và mềm.
– Thuốc thường được dùng hiện nay là misoprostol.
– Đặt vào túi cùng sau âm đạo với liều 50 mcg, cứ 3 giờ/lần, tối đa là 6 liều hoặc 25 mcg cứ 3 giờ/lần, tối đa 8 liều hoặc bằng đường uống 50 mcg cứ 4 giờ/lần.
Bấm ối kết hợp với truyền oxytocin (chỉ được tiến hành tại cơ sở có phẫu thuật.)
– Cho 5 đv oxytocin pha vào 500 ml dung dịch glucose 5 %, truyền nhỏ giọt tĩnh mạch chậm, liều lượng lúc đầu 5 – 8 giọt/phút cho đến khi xuất hiện cơn co tử cung.
– Bấm ối, xé rộng màng ối.
– Theo dõi và điều chỉnh số giọt để đạt được số cơn co phù hợp với sự tiến triển của chuyển dạ.
– Ngoài ra, tùy tình hình của cuộc đẻ chỉ huy nếu cơn co mau cho oxytocin chảy chậm hoặc có thể phối hợp với những thuốc giảm co có tác dụng làm mềm cổ tử cung.
– Cuộc đẻ chỉ huy được coi là có kết quả khi cơn co đều đặn, tim thai tốt, ngôi lọt và cổ tử cung mở hết, có thể cho đẻ đường dưới và lấy ra một thai nhi khỏe mạnh.
Những tai biến và cách xử trí
Một trong những nguy cơ của khởi phát chuyển dạ là thuốc không hiệu quả. Nếu sau khi dùng thuốc mà bạn vẫn không chuyển dạ, bạn có thể phải sinh mổ. Ngược lại, thuốc có thể làm cho cơn co tử cung của bạn quá mạnh. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ ngưng thuốc và đợi một thời gian, hoặc mổ lấy thai. Nếu bạn được chỉ định khởi phát chuyển dạ do các bệnh lý nội khoa, có thể còn có những nguy cơ khác nữa.
– Nếu thai suy, phải ngừng đẻ chỉ huy, phẫu thuật để cứu thai.
– Nếu cơn co tử cung quá thưa, nhẹ, tăng số giọt truyền. Nếu quá mạnh, mau thì giảm lưu lượng truyền và có thể sử dụng giảm co tử cung.
– Nếu cuộc đẻ chỉ huy kéo dài quá 6 giờ mà không tiến triển tốt thì phải phẫu thuật lấy thai.
– Tai biến có thể gặp là thai suy hoặc tử vong do theo dõi không tốt, can thiệp muộn.
Có thể vỡ tử cung do truyền oxytocin gây cơn co mau, mạnh: phải phẫu thuật để cứu mẹ và con.
Sản phụ cần phối hợp với bác sĩ như thế nào?
Đôi lúc quá trình khởi phát chuyển dạ cần từ 2-3 ngày, nhưng thường thì cần ít thời gian hơn. Nó có thể mất nhiều thời gian hơn nếu bạn được khởi phát chuyển dạ sớm hoặc đây là con đầu lòng của bạn. Đừng ăn quá nhiều trước khi đến bệnh viện. Cần nhớ rằng các thuốc trong quá trình khởi phát chuyển dạ có thể gây nên những cơn co rất mạnh và có thể làm rối loạn dạ dày. Báo với bác sĩ nếu bạn cảm thấy quá đau. Thường thì quá trình khởi phát chuyển dạ diễn ra êm đẹp và bạn có thể sinh ngả âm đạo.
Các mẹ bầu đã tìm hiểu về “đẻ chủ động” chưa?
Theo NTD