Điều trị cường giáp cho phụ nữ mang thai

0
95
Cường giáp là sự rối loạn khi tuyến giáp hoạt động quá mức làm tiết ra hormon tuyến giáp nhiều hơn bình thường. Cường giáp khi mang thai có ảnh hưởng lớn đến thai phụ, gây ra các biến chứng thai kỳ cũng như làm chậm phát triển của thai trong tử cung. Việc điều trị bệnh lý này trên phụ nữ mang thai cũng dè dặt hơn vì bác sĩ cần cân nhắc việc ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi.

 

Bệnh cường giáp là gì?

 

Cường giáp (Basedow) là một bệnh rối loạn nội tiết thường gặp, gây ra do sự mất điều chỉnh giữa hai tuyến nội tiết: Tuyến yên và Tuyến giáp trạng. Bệnh do yếu tố phản ứng tự miễn của cơ thể gây nên sự tăng tiết của tế bào tuyến giáp.

 

Các vấn đề trong việc điều trị cường giáp khi mang thai

 

Điều trị nội khoa

 

Khi bị cường giáp mà lỡ có thai thì không nhất thiết phải bỏ thai. Lúc này việc dùng thuốc ở người  có thai cần tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Nếu chỉ bị cường giáp nhẹ (các triệu chứng không rõ, chính người bệnh cũng khó nhận thấy, xét nghiệm thấy nồng độ thyroxin máu không quá cao) thì chỉ cần theo dõi chặt chẽ mà không cần dùng thuốc.

 

Trường hợp bị bệnh nặng hơn thì phải điều trị. Nếu dùng thuốc không đúng loại, không đúng liều thì thuốc thấm qua nhau thai, làm cho thai bị suy giáp. Thuốc dùng đúng là PTU (ít thấm vào thai) và chỉ dùng với liều thấp nhất có hiệu lực.Việc điều trị này nhất thiết phải có thầy thuốc chuyên khoa theo dõi. 
 
Khi cường giáp có thể dùng thuốc chẹn beta làm giảm hội chứng run tay, đánh trống ngực. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc phụ trợ này khi thật cần thiết và ở mức hạn chế vì thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai (trẻ sinh ra bị nhẹ cân).
 
Điều trị ngoại khoa
 
Nếu điều trị nội khoa không được thì có thể điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật bướu giáp. Cách này ít được áp dụng vì việc mổ liên quan đến gây mê, không có lợi cho thai. Cũng không chữa bằng iod – phóng xạ, vì iod – phóng xạ có thể vào thai, phá hủy tuyến giáp của thai gây suy giáp cho trẻ vĩnh viễn.
 
Trường hợp bất đắc dĩ cần phải bỏ thai thì cũng phải điều trị cường giáp cho đến khi bệnh tạm ổn mới bỏ thai. Nếu bỏ thai đột ngột, có thể bị cơn cường giáp cấp (bão giáp), dễ nguy hiểm tính mạng.
 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Phụ nữ mang thai dùng thuốc điều trị cường giáp có thể sinh con bình thường không?
 
Người bị bướu giáp mà lỡ có thai nếu biết điều trị tốt thì đa phần con sinh ra vẫn bình thường. Sau khi sinh, bệnh cường giáp thường trở nặng. Lúc đó, điều trị cường giáp như với người không có thai (bằng thuốc kháng giáp thông thường).
 
Ngoài bệnh cường giáp (Basedow) như nói trên, cũng có khi có các nguyên nhân gây cường giáp khác khi có thai (như với người có bướu nhân độc tuyến giáp, người có nồng độ hCG cao). Những trường hợp này hiếm gặp hơn, chỉ thoáng qua không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng cho bà mẹ và thai nhi.
 
Như vậy, phụ nữ bị cường giáp vẫn có thể sinh con bình thường miễn là biết có thai đúng lúc, khi trót có thai không đúng lúc thì cần bình tĩnh bảo vệ thai (theo chỉ dẫn của thầy thuốc).      

 

Bệnh cường giáp cần điều trị ổn định rồi mới nên mang thai. Vì trong quá trình mang thai, việc điều trị rất hạn chế bởi các thuốc điều trị thường độc với thai nghén. Nếu không may có thai ngoài ý muốn, thai phụ cần nhanh chóng đi khám để nhận sự sự vấn của bác sĩ Sản khoa. Trong trường hợp giữ thai thì thai phụ cần được theo dõi và quản lý chặt chẽ, vì biến chứng thai kỳ là rất cao.

 

Theo NTD

Điều trị cường giáp cho phụ nữ mang thai

 

Theo NTD