Những nguyên nhân gây ra vỡ tử cung
Biến chứng vỡ tử cung có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhất là có mổ sinh cũ, vết mổ bị nứt ra và đó là điều khó tránh khỏi.
Nứt vết mổ cũ có thể xảy ra từ rất sớm hay lúc gần chuyển dạ, chuyển dạ vì sẹo mổ là chủ yếu của tử cung. Vết mổ mỏng đi so với trước mổ và tổ chức quanh vết mổ là tổ chức liên kết xơ hóa, không co dãn được là 2 yếu tố đưa đến nứt vết mổ (vỡ tử cung) khi tử cung co bóp. Có lẽ vì vậy mổ lấy thai bằng cách rạch ở đoạn dưới tử cung thay vì rạch dọc thân tử cung như cổ điển sẽ hạn chế được vỡ tử cung ở bệnh nhân mổ sinh cũ.
Những phụ nữ mang thai mà không có mổ đẻ cũ hay sẹo cũ ở tử cung nhưng trọng lượng thai nhi lớn, chuyển dạ lâu có dấu hiệu cường các cơn co cũng có thể gây nứt vỡ tử cung.
Hay những can thiệp thô bạo trong quá trình giúp thai sổ của nhân viên y tế cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai biến nghiêm trọng này.
Dấu hiệu lâm sàng
Sau một thời gian chờ đợi, khám âm đạo thấy ngôi thai (thường là đầu) bị đẩy lên cao, tiểu khung rỗng, nắn ngoài thành bụng sờ thấy thai nhi dễ dàng qua thành bụng, chứng tỏ thai đã đi vào trong ổ bụng. Sờ lên cao trong tử cung thấy vết rách và còn có thể thấy quai ruột non song có thể không thấy gì, điều này không có nghĩa là tử cung không bị vỡ. Bệnh nhân rơi vào trụy tim mạch: mạch nhanh nhỏ, khó bắt, tiếng tim thai mờ nhanh rồi mất hẳn nếu thai chết. Máu trong ổ bụng và ra ngoài âm đạo nhiều, người lạnh tím tái.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Triệu chứng này không nhất thiết phải xảy ra vì đứa trẻ có thể một phần còn nằm trong tử cung do vỡ không hoàn toàn. Có thể tử cung giảm co cứng, mẹ chưa rơi vào shock nên thông tiểu để giúp thêm chẩn đoán.
Vỡ tử cung không hoàn toàn nhiều khi dấu hiệu lâm sàng rất mờ nhạt nên dễ bị bỏ qua và có thể dẫn đến tử vong của bệnh nhân. Có khi sự việc xảy ra lúc bệnh nhân ngủ do gây mê nên các triệu chứng như đau bụng, shock không rõ như vỡ hoàn toàn và bệnh nhân rơi vào trụy tim mạch, nhìn mờ không rõ và mất tri giác.
Nguy cơ cho mẹ và cho thai nhi rất cao do mất máu, thai nhi chết do thiếu oxy huyết, mặc dù có phương tiện đầy đủ, máu, hồi sức gây mê.
Điều trị và dự phòng
Tốt nhất ở các cơ sở sản khoa nên theo dõi (theo quy ước) thai bằng một sản đồ (fartogiaphe). Tùy giai đoạn lúc nào phải mổ, lúc nào phải chuyển bệnh nhân về tuyến cao hơn kèm theo hồ sơ theo dõi chuyển dạ. Nói chung nên chú ý cảnh giác cao với những thai phụ có tiền sử sinh mổ trước đó. Người mẹ lớn tuổi (>35 tuổi) sinh nhiều lần (>3 lần) hay nghi thai to toàn phần hay từng phần. Nếu có điều kiện chụp một phim X-quang để xác định.
Cách xử trí: tùy thuộc vào tổn thương ở tử cung. Nếu rách phức tạp, đã lâu nên cắt tử cung. Chỉ khâu lại vết rách khi tổn thương gọn rõ ràng, nhất là người mẹ còn muốn sinh tiếp. Có trường hợp sản phụ bị shock nặng, kéo dài vẫn nên mổ bụng để cầm máu, truyền máu tươi, dịch truyền khác. Đây là điều kiện mà nhiều bệnh viện có thể thực hiện được ở ta hiện nay.
Hiện nay, tai biến sản khoa này ít gặp hơn nhưng những phụ nữ có nguy cơ lại cao hơn vì các thai phụ ngày nay thường hay lựa chọn biện pháp sinh mổ ngay cả khi có thể sinh thường được. Tai biến sản khoa này có tỷ lệ tử cung mẹ và thai nhi rất cao nên những phụ nữ đã sinh mổ 1 hoặc 2 lần rồi thì nên cân nhắc cho lần mang thai tiếp theo, và nếu có mang thai thì 3 tháng cuối thai kỳ cần phải khám thai thường xuyên để bác sĩ tiên lượng những tình huống bất thường sớm nhất có thể để tránh tai biến.
Vỡ tử cung tai biến gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
Theo NTD