Sản giật sau đẻ
Sản giật sau đẻ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ. Sản giật sau đẻ thường có các triệu chứng giật, đau đầu, huyết áp tăng, mờ mắt, lơ mơ, hoặc hôn mê. Nếu có một trong các dấu hiệu trên, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.
Sốt và ra máu âm đạo kéo dài
Sau khi đẻ 2 – 3 ngày, sản phụ bắt đầu sốt trên 38 độ và sợ lạnh. Khi bị nặng, trạng thái thân thể của sản phụ có thể chuyển biến xấu, dẫn đến nhiễm trùng máu. Trong trường hợp này phải đến ngay cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân và xử trí cụ thể.
Thường sốt và ra máu kéo dài sau đẻ là do sót rau hoặc viêm niêm mạc tử cung. Nếu không xử trí kịp sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của bà mẹ.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Đau vùng tầng sinh môn
Vùng này thường bị tổn thương do cắt nới khi đẻ nhưng lại dễ liền do được tưới máu dồi dào. Trong vài ngày đầu, sản phụ cảm thấy khó chịu và khó khăn khi di chuyển.
Tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Khi thấy đau tức, có cảm giác bị cắn rứt, phù nề hoặc có mủ, phải báo ngay cho bác sĩ để được cắt chỉ sớm, rửa bằng thuốc sát khuẩn tại chỗ và băng sạch. Nếu viêm nhiễm rộng hoặc nặng thì nên đi bệnh viện ngay.
Đau bụng dưới và tử cung co hồi kém
Trong thời kì đầu nằm cữ, sản phụ có lúc cảm thấy hơi đau bụng dưới, tuy nhiên cảm giác đau sẽ hết trong vòng 2-3 ngày. Nếu thấy bụng dưới đau nhiều, kéo dài thì phải khám xem có viêm nhiễm không. Các chứng nhiễm trùng ở tử cung, phần phụ, ruột thừa, đại tràng đều có thể gây đau bụng dưới.
Thường trong 10 ngày đầu sau đẻ, tử cung co hồi tốt, mỗi ngày co hồi khoảng 1cm, để tống sản dịch ra ngoài. Nếu tử cung co hồi kém, sản dịch sẽ bị ứ đọng trong tử cung sẽ gây nhiễm trùng tử cung, thường do sót rau. Lúc này sản phụ cần đến bác sĩ ngay, nếu không, bệnh sẽ rất nhanh chóng chuyển biến thành thể nặng.
Tắc tia sữa và áp-xe vú
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Những dấu hiệu này rất hay gặp. Tắc tia sữa nếu không xử trí tốt, sữa không thông dẫn đến viêm và áp -xe vú. Khi phát hiện tắc tia sữa thì phải thông tia sữa bằng các biện pháp dân gian như vắt hết sữa bị tắc, chườm nóng cho đến khi thông. Để tránh bị tắc tia sữa, mỗi lần cho con bú các bà mẹ nên cho con bú hết từng bên rồi mới chuyển sang bên kia. Nếu không bú hết thì phải vắt hết sữa. Khi có dấu hiệu viêm ở vú như sốt, sưng đỏ, đau… thì đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.
Bí tiểu kéo dài
Bí tiểu sau đẻ do mất trương lực cơ. Nhưng nếu kéo dài, khoảng 1 ngày, có cảm giác buồn tiểu nhưng không đi được, thì nên hỏi cán bộ y tế để có cách xử trí cụ thể. Để tránh bí tiểu sau đẻ, bà mẹ nên vận động sớm.
Táo bón kéo dài
Táo bón kéo dài gây khó chịu cho người mẹ, ảnh hưởng đến ăn uống và tiết sữa, thậm chí có thể gây bệnh trĩ. Để tránh táo bón, bà mẹ nên ăn nhiều loại rau, hoa quả và uống nhiều nước. Nếu táo bón kéo dài, bà mẹ cần gặp bác sỹ để được chỉ định dùng thuốc chống táo bón.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau đẻ
Nguyên nhân có thể do tổn thương đường tiết niệu trong khi đẻ, hoặc do vệ sinh bộ phận sinh dục sau đẻ không sạch sẽ. Triệu chứng là đái buốt, đái rắt. Trường hợp này phải sản phụ phải được khám và điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Hoa mắt, chóng mặt sau đẻ
Nhiều bà mẹ sau đẻ, do mệt mỏi và thiếu máu có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy, sau đẻ các bà mẹ không nên kiêng khem, ăn uống và nghỉ ngơi đủ, có thể dùng thêm các vitamin tổng hợp để cơ thể nhanh chóng hồi phục. Cải thiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi mà tình trạng này không giảm sản phụ cần phải được khám tại cơ sở y tế, đề phòng sản giật sau sinh.
Trầm cảm sau sinh
Hành vi buồn vui thất thường, mất ngủ và lo âu nghiêm trọng. Sau sinh, không ít người mẹ phải đối mặt với sự thay đổi đột ngột của cảm xúc và tinh thần. Nếu những triệu chứng như mệt mỏi, khóc không rõ lý do, dễ bị kích động, không có cảm giác vui khi làm mẹ… có thể là những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Lúc này cần phải có sự giúp sức và động viên tinh thần từ phía chồng và người thân, tình trạng nghiêm trọng cần phải được thăm khám bác sỹ và sử dụng thuốc.
Các dấu hiệu bất thường sau đẻ thường xảy ra trong thời gian từ sau khi sinh đến khi bà mẹ có kinh nguyệt đầu tiên. Thường giai đoạn này kéo dài khoảng 1-2 tháng sau đẻ, ta gọi là hậu sản. Những bất thường trên nếu được phát hiện sớm và kịp thời điều trị sẽ không có vấn đề gì, nếu không chú ý có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và bé.
Những dấu hiệu bất thường sau sinh cần chú ý.
Theo NTD