Chăm sóc hệ tiêu hóa của trẻ đúng cách Thống kê của BV Nhi Trung ương cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa lên đến 59,2%, từ 1 đến 2 tuổi là 39,9%.
Đáng chú ý, trẻ thường chỉ được đưa đến cơ sở y tế khi những biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiêu hóa đã kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ.
Muôn mặt về chứng rối loạn tiêu hóa
Có mặt tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong những ngày giao mùa này, chúng tôi đã gặp không ít những trường hợp khóc dở, mếu dở xung quanh chứng rối loạn tiêu hóa của trẻ. Bế trên tay đứa con 17 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Nhung (Đống Đa, Hà Nội) nghẹn ngào: “Cháu nhà tôi vừa khám, bác sĩ nói bị suy dinh dưỡng. Nhà có thiếu thốn thứ gì đâu mà con thì gầy nhom. Cũng chỉ vì nó hay mắc rối loạn tiêu hóa. Cứ ăn cái gì lạ là đau bụng, trướng bụng, rồi tiêu chảy, thế là tôi không dám cho ăn đồ lạ, tanh nữa. Mỗi lần đau ốm lại dùng kháng sinh, rồi lại tiêu chảy. Dùng các men tiêu hóa chẳng ăn thua, tôi đành dùng thuốc đi ngoài.
Đến đây, bác sĩ nói cách điều trị như vậy chẳng khác nào hại con, tự ý dùng thuốc đi ngoài, kháng sinh khiến tổn thương đường ruột của trẻ, mất vi khuẩn có lợi, khiến chứng rối loạn tiêu hóa có thể tạm thời khỏi lúc đó, nhưng dễ tái phát và bị tổn thương nghiêm trọng, trẻ kém hấp thu, thậm chí suy dinh dưỡng. Đúng là nhiều khi mình chủ quan, chỉ chú ý đến dinh dưỡng mà không biết hệ tiêu hóa tốt cần thiết như thế nào, là nền tảng của mọi vấn đề”
Vì sao trẻ hay mắc vấn đề về tiêu hóa
Ruột của trẻ em dài hơn người lớn. Độ dài ruột của trẻ sơ sinh gấp 7-8 lần chiều dài cơ thể, người trưởng thành là 4 – 5 lần. Diện tích ống tiêu hóa của trẻ tương đối lớn, thành ruột rất mỏng, mạch máu nhỏ dưới niêm mạc nhiều, thẩm thấu cao, nên tỉ lệ hấp thu cao. Nhưng do thành ruột mỏng, hễ đường tiêu hóa nhiễm trùng thì chất độc dễ thông qua thành ruột xâm nhập vào máu, gây ra hiện tượng ngộ độc.
Thành đại tràng của trẻ mỏng, sự cố định giữa đại tràng lên và đại tràng xuống với thành sau bụng yếu cho nên dễ gây lồng ruột. Hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện do vậy đường ruột rất dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài, dẫn đến các rối loạn hệ tiêu hóa biểu hiện bằng các triệu chứng: phân sống, táo bón, tiêu chảy…
Vì vậy, nên bổ sung men vi sinh cho trẻ để hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn giúp ích cho sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
Men vi sinh (Probiotic) theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ những vi khuẩn có lợi kí sinh trong lòng ruột, những vi sinh vật này khi được đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ, chúng sẽ có lợi cho sức khỏe.
Những vi khuẩn có lợi này góp phần tích cực vào quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và cả trong vai trò bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của kẻ thù bên ngoài và có thể tạo ra các chất: ngăn cản các khối ung thư, bất hoạt virus, tạo ra các kháng thể và vitamin, làm giảm cholesterol.
Gia Đình Xã Hội