Bệnh quai bị và vô sinh nam.

0
159
Quai bị có kèm viêm tinh hoàn có nhiều khả năng sẽ dẫn đến vô sinh, đặc biệt nếu viêm cả 2 tinh hoàn.

 

Bệnh quai bị là một bệnh lý toàn thân, cấp tính do nhiễm virus và dễ lây lan. Bệnh thường mắc ở trẻ em, tuy nhiên, với sự phổ biến của vaccin chủng ngừa, bệnh đã được hạn chế rất nhiều. Hiện trên thế giới người ta nhận thấy khoảng 50% quai bị xuất hiện ở người trưởng thành trẻ tuổi. Những ai khi đã mắc bệnh hoặc đã được chủng ngừa, hầu hết sẽ miễn dịch đối với bệnh quai bị. Hiện nay, ở nước ta, việc chủng ngừa quai bị có thể thực hiện khá dễ dàng.

 

Biểu hiện rõ nhất của bệnh là sốt và sưng một hoặc cả hai bên tuyến mang tai. Ngoài tuyến mang tai, một số cơ quan khác cũng có thể bị viêm đồng thời như tuyến nước bọt, tụy, màng não, tuyến sinh dục (tinh hoàn hoặc buồng trứng). Nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện ở viêm tuyến mang tai (sưng hàm) và virus chỉ tấn công vào các tuyến khác.

 

 

Ngoài viêm tuyến mang tai điển hình, viêm tinh hoàn là biến chứng thường gặp nhất của bệnh quai bị ở nam giới sau tuổi dậy thì. Bệnh quai bị trước tuổi trưởng thành thường ít có biến chứng viêm tinh hoàn và ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tỷ lệ có biến chứng viêm tinh hoàn ở các trường hợp quai bị sau tuổi trưởng thành có thể từ 20-35%. Viêm tinh hoàn thường xảy ra sau khi viêm tuyến mang tai khoảng vài ngày. Khi bị viêm, tinh hoàn đau và sưng to, thường kèm với sốt. Bệnh thường tự khỏi vài ngày sau đó. Tuy nhiên, quá trình teo tinh hoàn có thể sẽ diễn tiến từ từ ở khoảng 50% những bệnh nhân này. Trong những trường hợp còn lại, quá trình sinh tinh có thể dần dần trở về bình thường. Phụ nữ bị bệnh quai bị có thể có biến chứng viêm buồng trứng, tuy nhiên, rất hiếm gặp và thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

 

Quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến trong vòng 1-6 tháng sau đợt viêm cấp tính. Quá trình sinh tinh sẽ giảm dần và có thể mất hẳn. Teo mô tinh hoàn có thể do tác động trực tiếp của virus hoặc thứ phát do thiếu máu cục bộ trong quá trình mô bị viêm, phù. Việc suy giảm quá trình sinh tinh do di chứng viêm tinh hoàn có thể phát hiện bằng các chỉ số trong tinh dịch đồ giảm dần. Nếu bị viêm cả hai bên tinh hoàn (khoảng 15%), sẽ dẫn đến vô sinh hoàn toàn. Một số trường hợp tinh hoàn teo, giảm sinh tinh, nhưng vẫn còn một số ổ sinh tinh sót lại trong tinh hoàn.

 

Một khảo sát trên 400 cặp vợ chồng đến khám vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho thấy: Trong 52 trường hợp kích thước tinh hoàn nhỏ hơn bình thường, đã có hơn phân nửa có bị bệnh quai bị sau dậy thì. Ðồng thời, trong 36 trường hợp có tiền căn quai bị sau dậy thì, có 28 trường hợp teo tinh hoàn hai bên.

Nếu nam giới sau tuổi trưởng thành bị quai bị và có biến chứng viêm tinh hoàn, để giảm thiểu tác hại của di chứng trên tinh hoàn, có thể áp dụng các biện pháp điều trị như: nghỉ ngơi tại chỗ, chườm mát tinh hoàn, sử dụng thuốc kháng viêm. Trong một số trường hợp có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng dự phòng viêm tinh hoàn do vi khuẩn. Một số nghiên cứu sử dụng Interferon trong giai đoạn viêm tinh hoàn có thể làm giảm tổn thương tinh hoàn và giảm tỷ lệ teo tinh hoàn.

 

 

Tóm lại, nam giới sau tuổi dậy thì khi bị quai bị cần chú ý đến biến chứng viêm tinh hoàn. Quai bị có kèm viêm tinh hoàn có nhiều khả năng sẽ dẫn đến vô sinh, đặc biệt nếu viêm cả 2 tinh hoàn. Nếu có biến chứng viêm tinh hoàn, cần đến các cơ sở y tế để có biện pháp điều trị thích hợp. Vì quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến từ từ sau đợt viêm cấp tính, trong trường hợp có di chứng tại tinh hoàn, để giúp duy trì khả năng sinh sản, có thể đến các trung tâm điều trị vô sinh để xin trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng tinh trùng chưa giảm nhiều. Lưu trữ tinh trùng dự phòng trong những trường hợp quai bị nên được thực hiện ở thanh niên bị quai bị có biến chứng tinh hoàn 2 bên nhưng chưa lập gia đình hoặc chưa có con.

Theo NTD

Bệnh quai bị và vô sinh nam.

 

Theo NTD