Tôi đã nghe những người thuộc lớp trước kể về những người từ quê lên, trải chiếu trước cổng tòa soạn nhiều báo thể thao, ăn ngủ ở đấy nhiều ngày để xin báo cho đăng đính chính… tỷ lệ cá độ.
Tôi cũng đã trực tiếp nghe những cuộc điện thoại gọi từ một miền quê, khẩn thiết xin “biếu anh chút tiền cà phê” để có được lời đính chính.
Thông tin tỷ lệ cá độ xuất hiện lần đầu tiên trên các trang báo thể thao cách đây tròn 10 năm. Đó là thông tin thuần túy để tham khảo, một kênh đánh giá về độ mạnh – yếu sự chênh lệch về trình độ của các đội bóng. Nhưng nhiều bà con vin vào cái tỷ lệ ấy để… cá độ.
Thế là trong suốt nhiều năm, những người làm báo thể thao phải đối mặt với những lời van nài xin đính chính.
Hôm nay là ngày của những người làm nghề báo Việt Nam, chẳng nên kể lại những chuyện quá buồn. Kể chuyện vui vậy thôi, nhưng hẳn nhiều người cũng biết: trong nhiều trường hợp, cái việc người dân trải chiếu ra trước cổng một tòa soạn, không chỉ là bởi một tình huống hài hước như mấy cái tỷ lệ bị in sai, mà đó có thể là một vụ oan khiên, có thể là cuộc đấu tranh đòi công bằng, sự thật.
Nhưng thời của những chuyện như thế đang dần qua đi. Mạng Internet đã giúp mọi người tiếp xúc với những thông tin họ cần. Giờ đây, việc đính chính diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại: độc giả hôm nay chính là những người “chỉnh huấn” tòa soạn.
Mạng xã hội san sẻ sức mạnh truyền thông từ báo chí sang những con người bình thường nhất.
Người ta hay quan niệm rằng nghề báo nguy hiểm vì phải đối mặt với cường quyền, đối mặt với thế giới ngầm, với hòn tên mũi đạn. Nhưng thực chất, sự nguy hiểm của nghề báo phát sinh từ một thứ cơ bản: Đó là việc công bố sự thật.
Và trong tình huống những độc giả bình thường cũng nắm sức mạnh truyền thông trong tay, họ có thể bình luận ngay dưới bài viết và nó trở thành một phần trong bài báo. Họ có thể “giật” một cái status trên facebook có hàng nghìn lượt like.
Khi mà sự thật có thể được truyền bá mạnh mà không cần đến bài báo của anh, thì điều đó cũng là một kiểu “nguy hiểm” với người làm báo.
Kiểu “nguy hiểm” truyền thống thường ép người ta che giấu sự thật, hoặc nói sai sự thật. Kiểu “nguy hiểm” mới này thúc ép người làm báo phải tiến gần hơn đến sự thật.
Nếu hôm nay anh viết, chẳng hạn một thanh niên bị xử lý vì đánh người nhà nước, thì ngày mai, những người khác sẽ không cần phải trải chiếu trước cổng tòa soạn của anh để xin đính chính. Họ sẽ lên facebook viết bài phản biện hay thậm chí đưa video lên Youtube chứng minh điều ngược lại. Anh có thể bị mất việc hoặc đau đớn hơn, anh có thể đánh mất sự tin cậy.
Sức ép từ những thế lực (cường quyền, đồng tiền, sự đe dọa) có thể bắt người làm báo bẻ cong ngòi bút, bây giờ, được cân bằng bởi sức ép từ hướng ngược lại.
Và tất nhiên những người bình thường, những độc giả hướng tới sự thật thì đông hơn và “đáng sợ” hơn so với cái thiểu số muốn che giấu sự thật kia.
Ngày 21/6, có lẽ những người làm báo thay vì chúc tụng nhau cần cảm ơn độc giả. Đó là những người bây giờ “trải chiếu trước cổng tòa soạn” 24 tiếng một ngày (nhờ vào Internet) và sẵn sàng “đính chính” mọi điều anh nói sai sự thực.
Đó là những người đang thúc vào lưng anh và đẩy anh phải đến sự thật, hoặc chí ít gần hơn với sự thật. Đó là những biên tập viên khó tính nhất.
Độc giả, hôm nay, đã trở thành những người tham gia làm báo.
Cuối cùng thì, dường như, thời đại của Internet và mạng xã hội đã lấy bớt đi quyền lực của báo chí, nhưng lại cho báo chí thêm những động lực từ bên trong để: nói đúng sự thật.
Tất nhiên, tôi phải hy vọng, ai làm báo cũng nhận ra điều này.
<
Theo Đức Hoàng/ Vnexpress