“Có thể nói giáo dục gia đình hiện nay phần lớn không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng, chỉ có tiêu chí về “trí lực”. Gia đình nào cũng muốn con học giỏi, thành đạt chứ mấy ai quan tâm đến dạy con nên người”, ông Đỗ Văn Giảng – nhà Tâm lí học đường nói.
HSSV nói dối, quay cóp, phạm tội… ngày càng gia tăng
Trong những hội thảo gần đây nhiều nhà nghiên cứu đã công bố những con số khảo sát về học sinh phạm tội ngày càng nhiều.
TS. Nguyễn Văn Tập, Hội viên Hội Khoa học tâm lý – Giáo
dục (Hội KHTL- GD) ngành Công an đã đưa ra kết quả khảo sát thực trạng
tội phạm hình sự do vị thành niên gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội
từ năm 2007 đến năm 2011 có 2469 em phạm tội bị khởi tố bị can chiếm
5,9% tổng số người bị khởi tố hình sự.
Trong đó, tội trộm cắp tài sản là tội danh vị thành niên phạm vào
nhiều nhất, trong 2469 em bị truy tố thì đã có 648 em phạm tội trộm cắp
tài sản, chiếm 26,24% tổng số em phạm tội.
Gia đình đang đặt vấn đề tri thức quá nặng với con trẻ
mà quên đi giá trị đạo đức
Sự gia tăng đột biến của tệ nạn ma túy học đường ngày càng trở thành
vấn đề nhức nhối. Nếu như năm 2004 chỉ có 600 học sinh, sinh viên nghiện
ma túy, thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên 1.234 học sinh, sinh
viên.
Trước những con số giật mình thế này, theo Tiến sĩ Tập: “Động cơ của
các em phạm tội trộm cắp tài sản là để thoả mãn nhu cầu cá nhân – nhu
cầu “cái tôi”, độc lập đã trưởng thành “ người lớn” của mình. Trong khi
gia đình, bố mẹ vẫn coi là “trẻ con” không quan tâm đến, không tạo điều
kiện để các em khẳng định mình dẫn đến các em phải giấu diếm, lén nút
tìm cơ hội, điều kiện thoả mãn mình bằng hành vi trộm cắp tài sản. Tiếp
sau tội trộm cắp tài sản là tội cướp tài sản có 618 em, chiếm 25,03%
tổng số tội phạm vị thành niên, tội cố ý gây thương tích có 269 em,
chiếm 10,89%, tội hiếp dâm và tội hiếp dâm trẻ em có 105 em, chiếm
4,28%.
Theo một khảo sát khác của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm
Văn hóa học lý luận và ứng dụng – ĐHQG TP.HCM, ở bậc Tiểu học, đã có
tới 22% học sinh biết nói dối cha mẹ, còn ở bậc THCS và THPT thì có tới
50% và 64% học sinh “lừa cha dối mẹ”. Và ở bậc ĐH, CĐ có đến hơn 80%
sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh. Nguyên nhân tình trạng
nói dối của học sinh, theo GS Thêm là do sự thay đổi nhanh chóng của môi
trường, điều kiện sống của các em ngày càng đầy đủ hơn. Bên cạnh những
tác động tích cực đã dẫn tới những tác động tiêu cực như giá trị trong
xã hội bị đảo lộn và thâm nhập vào giới trẻ.
Quên cách… “dạy con nên người”.
TS. Nguyễn Văn Tập, Hội viên Hội KHTL-GD ngành Công an cho
biết, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của số tội phạm vị thành niên và sự
ảnh hưởng của gia đình đến hành vi phạm tội của vị thành niên chúng tôi
thấy: Có 1494 em có hoàn cảnh kinh tế gia đình nghèo, bố mẹ nghề nghiệp
không ổn định chiếm 36,9% tổng số tội phạm vị thành niên; có 1603 em
hoàn cảnh kinh tế gia đình đủ ăn, bố mẹ nghề nghiệp ổn định chiếm 39,9%
tổng số tội phạm vị thành niên; có 939 em có hoàn cảnh kinh tế gia đình
khá giả chiếm 23,2% tổng số tội phạm vị thành niên,
TS Lập cho rằng, yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ vị thành niên
phạm tội không phải là kinh tế mà là mối quan hệ gia đình. Đặc điểm tâm
lý nổi trội của tội phạm vị thành niên là mâu thuẫn với gia đình chiếm
một tỷ lệ lớn (76,5%). Mâu thuẫn trong quan hệ với người lớn là đặc
trưng của tuổi vị thành niên. Tâm lý học lứa tuổi đã chỉ ra tuổi vị
thành niên là tuổi quá độ từ trẻ con lên người lớn, “trẻ con không hẳn
là trẻ con, người lớn chưa hẳn là người lớn” hay còn gọi là tuổi “dở ông
dở thằng”. Mâu thuẫn trong quan hệ với người lớn góp phần đẩy vị thành
niên đến với nhóm bạn bè xấu. Và chính trong mối quan hệ với nhóm bạn bè
xấu (có 1766 em chiếm 71,5%), là một trong những nguyên nhân tâm lý dẫn
đến hành vi phạm tội của vị thành niên.
Nói về nguyên nhân học sinh phạm tội ngày càng nhiều, ông Đỗ Văn Giảng – Văn phòng Tâm lí học đường, Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội, trong
gia đình hiện nay, trẻ hiện nay được cha mẹ yêu thương, chăm chút chu
đáo hơn xưa rất nhiều về sức khoẻ, vật chất và đặc biệt về hình thức. Có
thể nói trẻ em bây giờ được “cưng chiều” theo đúng nghĩa “nâng trứng,
hứng hoa” vậy. Tuy nhiên, bên cạnh sự chăm sóc đó thì việc
truyền cảm xúc tình cảm cho trẻ có phần bị sao lãng hoặc thiếu hụt.
Thời gian bố mẹ sống với con cái không còn nhiều, những tiếp xúc, gần
gũi, yêu thương ấy cũng là tiếp thêm nguồn “năng lượng yêu thương” cho
trẻ. Việc đó đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ họ ít quan tâm hơn là mua
sắm quần áo, giầy dép, đồ chơi và chăm chút ăn uống cho con cái.
Ông Đỗ Văn Giảng cho rằng: “Cách nuôi dậy con cái trong gia đình hiện
nay thường nuôi dưỡng những “thú tính” của trẻ đó là thói tham lam, ích
kỉ, lười biếng và ỷ lại; những thói xấu đó nhiễm dần vào chúng và sẽ
trở nên khó gạt bỏ nên đã trở thành thói quen. Trẻ bây giờ ít có những
khả năng tự lập tự làm chủ nên thường hay rụt rè, e ngại, thiếu năng
động; hoặc dễ bị kích động trở nên liều lĩnh, dễ bị lừa gạt, hoặc a dua
theo đám đông, không ý thức được việc làm của mình.
Tất cả những đặc điểm trên hầu như đều do cách nuôi dạy nuông chiều,
che chở bao bọc cho con cái quá cẩn thận và chu đáo, khiến trẻ dần trở
nên thụ động thiếu tự tin, thiếu những kĩ năng úng xử thích hợp cùng với
sự phát triển thể chất của trẻ. Có thể nói giáo dục gia đình hiện nay
không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng nữa, chỉ có tiêu chí về “trí lực”!
Gia đình nào cũng muốn con cái học giỏi và “thành đạt” chứ mấy ai quan
tâm đến “dạy con nên người” – ông Giảng chia sẻ.
Nhận định về sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, GS.TSKH.
Thái Duy Tuyên cho rằng: “Tuy đã có thực hiện trong nhiều năm,
nhưng chất lượng còn thấp. Chỉ trừ một số địa phương, nói
chung, mối quan hệ này còn lỏng lẻo. Ngay các cơ quan trung ương
như Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ văn hóa thông tin, Đài phát
thanh và Truyền hình Trung ương… đều làm một nhiệm vụ là
giáo dục những người công dân tốt, nhưng cũng chưa có sự phối hợp cần thiết, làm giảm hiệu quả giáo dục”.
Hồng Hạnh