Những lưu ý với bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi

0
1307

Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người cao tuổi và các biến chứng của ĐTĐ, nhất là các biến chứng tim mạch, là những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở những người này.

Chẩn đoán và điều trị ĐTĐ ở người cao tuổi có nhiều khó khăn so với những người trẻ tuổi đòi hỏi cả thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình phải có hiểu biết rõ ràng về căn bệnh này.

Gia tăng tỷ lệ mắc

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ cũng như rối loạn dung nạp glucose như tuổi, giới, chủng tộc, quốc gia, tình trạng kinh tế xã hội, lối sống và béo phì… trong đó tuổi là 1 yếu tố rất quan trọng.

Tại Việt Nam, nghiên cứu dịch tễ bệnh ĐTĐ tại 4 thành phố lớn năm 2003 cho kết quả tỉ lệ mắc ĐTĐ ở nhóm người dưới 35 tuổi là 0,9% còn ở nhóm 45-54 tuổi là 6,5% và ở nhóm 55-64 tuổi cao tới 10,3%. Đồng thời nghiên cứu này cũng đã chứng minh tuổi cao là 1 yếu tố nguy cơ đặc biệt, có liên quan chặt chẽ với bệnh ĐTĐ.


Các nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc ĐTĐ ở những người cao tuổi là những thay đổi về chuyển hóa glucose, do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh tại ít hoạt động và do họ thường có béo phì hoặc thừa cân.

Những khuyến cáo quan trọng

Đa số các BN ĐTĐ cao tuổi là ĐTĐ týp 2 (tới trên 95%). Việc chẩn đoán được các BN này là tương đối khó khăn do các triệu chứng của bệnh thường không có hoặc không điển hình.

Một nguyên nhân khó chẩn đoán ĐTĐ nữa là người cao tuổi thường bị giảm sút trí nhớ, hoặc bệnh trầm cảm, bệnh Alzheimer… Chính vì vậy, Hội ĐTĐ Mỹ (ADA) đã đưa ra khuyến cáo là tất cả những người trên 45 tuổi nên được kiểm tra phát hiện bệnh ĐTĐ ít nhất 3 năm 1 lần, còn với những người có thêm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ khác như bị bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc gia đình có người bị ĐTĐ… thì cần phải kiểm tra thường xuyên hơn, có thể 2 lần mỗi năm.

Theo các nghiên cứu, có tới 2/3 số BN ĐTĐ trên 65 tuổi có mắc thêm các bệnh mạn tính, suy giảm trí nhớ hoặc hạn chế vận động nên không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Vì vậy rất khó áp dụng các phương pháp điều trị ĐTĐ tích cực hoặc phức tạp cho những BN này.

Tại nhiều nước trên thế giới, và ở Việt Nam đã bắt đầu có hiện tượng ngày càng nhiều người cao tuổi được đưa vào sống trong các trại dưỡng lão, sống biệt lập với gia đình và con cái.

Những người này nếu mắc bệnh ĐTĐ thì thường không được chăm sóc tốt, và do bản thân họ không có chế độ dinh dưỡng tốt, giao tiếp khó khăn… nên có nguy cơ cao bị các biến chứng như hạ đường máu, loét chân, bị mắc các bệnh nhiễm trùng…

Lưu ý khi điều trị

Ngoài những nguyên tắc điều trị ĐTĐ nói chung, khi điều trị bệnh ĐTĐ ở người cao tuổi cần lưu ý thêm những điểm sau:

– Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, tập thể dục đều đặn, phấn đấu giảm cân… cần phải được áp dụng đầu tiên và liên tục.

– Mục tiêu điều trị ĐTĐ ở người cao tuổi là nhằm làm giảm các triệu chứng của đường máu cao (như mệt, khát nước nhiều, đái nhiều…), phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng và các biến chứng cấp tính như hôn mê do đường máu quá cao.

– Mức đường máu cần đạt được ở những người già có thể cao hơn những người trẻ tuổi, cụ thể là đường máu trước bữa ăn sáng là 6 – 8 mmol/l, và đường máu sau ăn 2h là 7 – 11 mmol/l.

– Hậu quả của biến chứng hạ đường máu ở các BN cao tuổi là cực kỳ nghiêm trọng và thường để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.

– Khi mới bắt đầu điều trị bằng thuốc, các BN ĐTĐ cao tuổi phải kiểm tra đường máu thường xuyên cả trước, sau bữa ăn và có thể cả trước lúc đi ngủ… ngay cả khi BN không hề có biểu hiện bị hạ đường máu.

– Nhìn chung các BN cao tuổi có thể dùng được hầu hết các loại thuốc điều trị hạ đường máu tuy nhiên bắt buộc phải khám bệnh kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm đánh giá đầy đủ chức năng gan, thận, tim… trước khi quyết định điều trị.

Phải tuyệt đối tuân thủ những chống chỉ của các nhóm thuốc điều trị bệnh ĐTĐ. Không nên điều trị cho các BN ĐTĐ cao tuổi bằng các thuốc nhóm sulfonylurea hay gây hạ đường máu như chlopropamide hay glibenclamide.

– Trong nhiều trường hợp, việc kiểm soát đường máu ở người cao tuổi có thể rất khó khăn, phức tạp do người bệnh thường phải điều trị đồng thời một số thuốc khác như lợi tiểu thiazide như Hypothiazide (do có tăng huyết áp hoặc suy tim), nội tiết tố tuyến giáp như Levothyroxin (do có suy giáp), corticosteroid như prednisolone (do bị bệnh viêm khớp, bệnh phổi mạn tính)… là những thuốc có khả năng làm tăng đường máu.

– Khi điều trị bằng insulin thì có nhiều trường hợp chỉ cần tiêm 1 mũi/ngày là đủ, thay vì phải tiêm 2-4 mũi/ngày như các BN trẻ tuổi.

– Và cuối cùng, phải luôn cố gắng kiểm soát thật tốt các bệnh, các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá… Luôn nhớ rằng chúng ta phải điều trị bệnh ĐTĐ chứ không phải là điều trị kiểm soát đường máu đơn thuần.
Minh Anh – Theo TPO