Biểu hiện của kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh

0
77
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng sản xuất hormon estrogen ít hơn. Đây chính là nguyên nhân của nhiều sự thay đổi trong cơ thể phụ nữ cũng như những rối loạn về kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt được xem là biểu hiện thường thấy nhất ở thời kỳ tiền mãn kinh và có thể kéo dài trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh của người phụ nữ.

 

Nguyên nhân

 

Trong thời gian này, sự suy giảm chức năng của buồng trứng làm giảm quá trình tiết ra hai loại hormone estrogen và progesterone dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố nữ, hiện tượng rụng trứng cũng diễn ra bất thường gây lên tình trạng kinh nguyệt không đều.

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Những biểu hiện kinh nguyệt thường gặp

 

Dấu hiệu thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh là sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt cũng như tính chất của kinh nguyệt. Người phụ nữ sẽ thấy tự nhiên vòng kinh thay đổi như là kinh ít, kéo dài và thưa dần, 1 tháng rưỡi, 2 tháng hoặc 3 tháng mới có kinh một lần hay 1 tháng có kinh 2 lần. Có phụ nữ thì bị rong kinh, cường kinh . Dạng này thì thường nguy hiểm, gây rắc rối nhiều hơn dạng kinh thưa dần.

 

– Kinh thưa: Là chu kỳ kinh từ 35 ngày trở lên cho đến 3 tháng. Do ít xảy ra quá trình rụng trứng hoặc noãn bào bị thoái hóa trước khi rụng gây ra hiện tượng kinh thưa.

 

– Kinh mau: Nếu chu kỳ kinh ngắn dưới 3 tuần hoặc ngắn hơn là hiện tượng rối loạn kinh nguyệt kinh mau. Nguyên nhân là do nang noãn sớm trưởng thành, giai đoạn phát triển rút ngắn.

 

– Hiện tượng mất kinh: Là hiện tượng không có kinh từ 3 tháng trở lên do mất cân bằng, suy giảm nội tiết tố, hoạt động của buồng trứng suy giảm, tâm lý lo âu trước sự thay đổi của bản thân,… dẫn đến nhiều chu kỳ không xảy ra phóng noãn.

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

– Rong kinh: Là tình trạng chảy máu kéo dài từ buồng tử cung, kéo dài trên 7 ngày. Có hai dạng rong kinh là rong kinh thực thể và rong kinh cơ năng. Rong kinh thực thể là hành kinh kéo dài do có tổn thương ở tử cung hay ở buồng trứng như polyp tử cung, u xơ tử cung, viêm niêm mạc tử cung (những bệnh lý này thường xảy ra ở giai đoạn tiền mãn kinh). Còn trong rong kinh cơ năng là không tìm thấy tổn thương ở các cơ quan trên, nguyên nhân chính là do rối loạn nội tiết tuổi tiền mãn kinh

 

– Cường kinh: Nếu tình trạng số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày, máu kinh ra nhiều trên 200 ml là hiện tượng cường kinh. Tuổi tiền mãn kinh do có nguy cơ tổn thương thực thể ở tử cung như u xơ tử cung, polyp trong buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung làm tử cung không co bóp được tốt và chậm cầm máu. Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh có bệnh lý về tăng huyết áp và rối loạn đông máu sẽ làm gia tăng chứng cường kinh

 

Cách khắc phục

 

Lối sống

 

– Sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, giành thời gian thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng để cho tinh thần luôn cân bằng thư thái.

 

– Rèn luyện thói quen tập thể dục từ 30 – 45 phút mỗi ngày sẽ làm giảm các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh.

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

 

Chế độ ăn uống: Cần đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ và cân đối các chất. Ăn những thức ăn giàu canxi, bổ sung những thức ăn có chứa nhiều axit béo như: dầu cá, vừng, óc chó, đậu nành, hạt hướng dương, cá biển, rong biển, đậu nành, các loại rau quả họ đậu,…Không sử dụng chất kích thích.

 

Liệu pháp hormon thay thế: Phương pháp này phải được bác sĩ khám chọn lọc vì estrogen còn có thể gây ung thư lạc nội mạc tử cung và ung thư vú.

 

– Đi khám sức khỏe định kỳ từ 3- 6 tháng/ lần để phát hiện những bệnh lý ở tử cung. Khi có triệu chứng bất thường về kinh nguyệt như mất kinh trên 6 tháng, rong kinh, cường kinh cần chủ động đi khám ngay để được điều trị.

 

 

Những thất thường của chu kỳ kinh nguyệt là triệu chứng thường hay gặp ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh. Những biểu hiện đó là bình thường, tuy nhiên nếu thấy các dấu hiệu như ra máu kéo dài, đau bụng, dịch tiết có mùi khó chịu thì phụ nữ nên chủ động đi khám để loại trừ các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm.

Theo NTD

Biểu hiện của kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh

 

Theo NTD