Rau bong non – tiến triển và biến chứng

0
164
Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở ba tháng cuối của thời kỳ thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng choáng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai.
Rau bong non là gì?
 
Rau bong non là trường hợp rau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi được sổ ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau rau, khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi

 

Rau bong non hay gặp trong những trường hợp sau: ở những người đẻ con rạ, lớn tuổi (80%); Huyết áp cao, nhiễm độc thai nghén (khi có thai mới bị tăng huyết áp, trước đó chưa bao giờ bị); Do chấn thương trực tiếp vào bụng: (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, hoặc tai nạn sinh hoạt …); Do kim đâm vào lá rau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau rau làm rau bong; Do thủ thuật ngoại xoay thai không đúng kỹ thuật làm kéo dây rốn gây rau bong non…

 

Hình ảnh rau bong non

Tiến triển nhanh và nhiều biến chứng

 

Trong những thể nặng mặc dù đã được xử trí nhưng tính mạng bệnh nhân vẫn bị đe doạ nhiều vì các biến chứng choáng chảy máu, vô niệu…

 

Thông thường sau khi rau bong chuyển dạ sẽ bắt đầu khởi phát. Chuyển dạ thường diễn ra rất nhanh. Ở thể nhẹ bấm ối thể tích giảm làm tử cung co bóp được, cổ tử cung mở nhanh thai sổ ra ngay, rau và máu cục ra theo, nhưng tử cung có thể đờ và máu chảy nhiều; Có thể chuyển từ thể nhẹ sang thể nặng trong chốc lát. Nếu không xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng sau:

 

 Phụ nữ có thai cần đi khám định kỳ để phòng tránh rau bong non. 
 

Choáng mất máu:

 

Vừa là triệu chứng vừa là chẩn đoán. Choáng xảy ra nhanh nhất là sau khi thai và rau ra. Điều cần lưu ý là lượng máu ứ lại trong lòng tử cung có thể rất nhiều so với lượng máu chảy ra ngoài âm đạo.

 

Rối loạn đông máu: Do thiếu sinh sợi huyết, phát hiện sau khi sổ rau thấy máu loãng vẫn tiếp tục chảy ra ngoài âm đạo. Biến chứng này càng nặng nếu diễn biến rau bong non càng kéo dài vì vậy cần phải phát hiện sớm để có ngay hướng xử trí.

 

Vô niệu: Cần theo dõi những giờ đầu và những ngày tiếp theo sau để phát hiện những biến chứng này. Biểu hiện bệnh nhân đái ít, đau vùng hông, urê huyết tăng cao nhưng urê niệu giảm. Vô niệu phần lớn là do tình trạng choáng tụt huyết áp, chảy máu nhiều. Một số khác do hoại tử không hồi phục của lớp vỏ thận tiên lượng nặng có thể dẫn đến tử vong

 

Ngoài ra rau bong non có thể để lại các di chứng khác hết sức nguy hiểm như: suy gan thận cấp, suy tuyến thượng thận, cao huyết áp…

 

Phòng bệnh

 

Để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý khoảng cách giữa 2 lần sinh không nên kéo dài quá 7 năm; Khi có thai phải được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý;

 

Nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; Bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai…Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết, đau bụng dưới… cần kịp thời đến bệnh viện chuyên khoa sản để được khám chữa và xử trí kịp thời.     

 

 

Rau bong non là một tai biến sản khoa gây tử vong chu sinh với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Rau bong non còn khiến thai phụ dễ bị nứt vỡ tử cung đặc biệt là những thai phụ có vế mổ đẻ cũ. Rau bong non nếu xẩy ra thường để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe và tâm lý người mẹ. Vì vậy thai phụ cần phải khám thai định kỳ theo hẹn và nếu thai phụ có những yếu tố nguy cơ thì cần phải kiểm soát thai kỹ lưỡng hơn nhất là ở 3 tháng cuối thai kỳ

 

Rau bong non – tiến triển và biến chứng

 

Theo NTD