Không thể đánh giá chính xác tỷ lệ sinh khó trong chuyển dạ được, bởi vì sự chẩn đoán phụ thuộc vào kết quả của cuộc sinh nhưng sinh khó chiếm 80% những chỉ định mổ lấy thai. Nguyên nhân sinh khó có thể do mẹ, động lực của cơn co tử cung, do thai nhi. Thực tế khi xác định sinh khó tùy thuộc vào nguyên nhân gây sinh khó, khả năng tay nghề của thầy thuốc và kinh nghiệm lâm sàng mà có hướng xử trí hợp lý cho sản phụ sinh ngả âm đạo hay sinh mổ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sinh khó do cơn co tử cung tăng
Cơn co tử cung trong chuyển dạ không do sản phụ điều khiển, bình thường cơn co tử cung diễn tiến nhịp nhàng, lúc co, lúc nghỉ. Nhịp độ của những cơn co cũng thay đổi qua từng giai đoạn của chuyển dạ. Hiệu quả của cơn co đưa đến sự xóa mở cổ tử cung mà cuối cùng là sự tống xuất thai nhi.
Khi cơn co tăng do chướng ngại vật cản lối ra của thai nhi, thai to, chuyển dạ kéo dài, dùng thuốc tăng gò không đúng kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến chuyển dạ; khi cơn co dồn dập làm thai xổ quá nhanh, đưa đến rách cổ tử cung, rách âm đạo, có thể vỡ tử cung. Thai nhi dễ bị suy, tổn thương não. Sau sinh dễ băng huyết.
Vấn đề chẩn đoán nguyên nhân rất quan trọng, phải xác định do nguyên nhân cơ học hay không, như khung chậu hẹp, u tiền đạo, ngôi bất thường, nếu có phải mổ lấy thai. Sau khi loại bỏ nguyên nhân cơ học sẽ điều trị bằng thuốc giảm co tử cung. Nếu điều trị thuốc không kết quả thì mổ lấy thai để tránh suy thai.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sinh khó do cơn co tử cung giảm
Biểu hiện cơn co thưa và cường độ các cơn co yếu, trương lực cơ tử cung giảm. Nguyên nhân ở sản phụ cơ địa yếu, suy nhược, thiếu máu, suy tim, lao hay sử dụng thuốc an thần, mất nước, mệt, đói. Nguyên nhân thứ phát gặp như: đa thai, đa ối, có kèm u xơ tử cung, chuyển dạ kéo dài.
Khi cơn co tử cung giảm làm cho sự xóa mở cổ tử cung chậm, suy thai, nhiễm trùng ối.
Điều trị tùy theo nguyên nhân, nếu cơn co giảm do đa ối, nên tia ối cho ra bớt ối. Sau khi tử cung trở về dung tích bình thường, tử cung sẽ co bóp đều và hiệu quả. Trường hợp do suy nhược, thể trạng sản phụ kém, cần hồi sức và cho thuốc oxytocin tăng cường co bóp tử cung. Tùy hoàn cảnh và nguyên nhân mà chúng ta có cách xử trí hiệu quả, một khi không kết quả nên mổ lấy thai, để tránh suy thai và băng huyết sau sinh.
Sinh khó do khung chậu
Khung chậu là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong sản khoa, vì ngôi thai từ trong tử cung muốn sinh ra được theo ngả âm đạo phải chui lọt qua được lòng khung chậu. Một khung chậu có đường kính giới hạn, hẹp hay khung chậu biến dạng là nguyên nhân của sinh khó, nhiều khi phải xử trí bằng mổ lấy thai. Vì vậy, đánh giá khung chậu bằng cách đo đạc, ước lượng kích thước của khung chậu là sự cần thiết để tiên lượng cuộc sinh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Khung chậu ở sản phụ được cấu tạo bởi 4 xương và chia làm hai phần đại khung ở trên và tiểu khung ở dưới, trong sản khoa phần tiểu khung đóng vai trò quan trọng hơn vì thai nhi chui qua phần tiểu khung. Do vậy, sinh khó do khung chậu thường đề cập đến phần tiểu khung. Trong sinh khó gây ra bởi khung chậu, có thể là nguyên nhân một phần của khung chậu hẹp hay toàn bộ khung chậu hẹp.
Nguyên nhân khung chậu hẹp hay biến dạng có thể do bẩm sinh hoặc do hậu quả của một quá trình phát triển bị rối loạn do yếu tố dinh dưỡng, còi xương, nhuyễn xương, bệnh ở cột sống, bệnh ở xương chậu, trật khớp háng. Ảnh hưởng của khung chậu hẹp lên thai kỳ như: thay đổi vị thế tử cung, làm ngôi thai bất thường vào giai đoạn chuyển dạ gây chuyển dạ kéo dài, cơn gò bất thường, vỡ tử cung và suy thai.
Tùy theo mối tương quan trọng lượng thai, đường kính khung chậu của người mẹ và ngôi thai mà bác sĩ chuyên khoa đánh giá, tiên lượng để quyết định cho sinh ngả âm đạo hay phải mổ lấy thai, với kết quả sau cùng an toàn mẹ và con.
Sinh khó do phần mềm của mẹ
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Các phần mềm của mẹ có thể gây sinh khó gồm: âm hộ và tầng sinh môn, âm đạo, cổ tử cung, tử cung.
Âm hộ và tầng sinh môn gây ra sinh khó là do đề kháng bất thường của màng trinh, tầng sinh môn quá rắn chắc ở sản phụ con so lớn tuổi. Trong trường hợp này không có chỉ định mổ lấy thai, mà khi giai đoạn xổ thai ta có thể cắt rộng tầng sinh môn cả hai, bên trái và bên phải. Âm hộ có khối u, nếu là u sùi mồng gà bắt buộc chỉ định mổ lấy thai, còn các loại u khác có thể sinh ngả âm đạo.
Sinh khó do âm đạo thường gặp âm đạo có sẹo vách ngăn, u âm đạo hay âm đạo hẹp do sẹo hay bẩm sinh. Tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ chuyên khoa có hướng xử trí thích hợp sinh ngả âm đạo trong các trường hợp sẹo vách ngăn, cắt vách ngăn, u nhỏ có thể bóc u. Chỉ định mổ lấy thai đối với trường hợp âm đạo hẹp, u lớn.
Sinh khó do cổ tử cung rất thường gặp trong sản khoa, xuất hiện sau các bất thường của các cơn gò tử cung, cổ tử cung cứng phù nề, ngoài ra cổ tử cung có sẹo, dính hay u cổ tử cung, tùy thuộc vào nguyên nhân mà chúng ta có cách giải quyết tốt.
Sinh khó do tử cung, gặp trong tử cung đôi, tử cung có sẹo mổ bóc nhân xơ, sẹo mổ lấy thai cũ. Trong các nguyên nhân tùy thuộc vào tình trạng thai kỳ này, ước lượng cân thai, ngôi thai mà bác sĩ chuyên khoa đánh giá cần phải mổ hay là cho sinh ngả âm đạo.
Sinh khó do thai to
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sự sinh một thai to thường khó khăn và nguy hiểm cho cả thai nhi lẫn người mẹ trong lúc chuyển dạ và xổ thai. Sinh khó do thai to có thể do thai to toàn phần hoặc to từng phần của cơ thể như trong trường hợp não úng thủy, bụng to, bụng cóc, thai phù toàn thân. Thai to toàn phần khi thai nhi cân nặng từ 4kg trở lên khi tới ngày sinh, sự to lớn này bao gồm toàn thể thai nhi. Sinh khó trong thai to có tính cách tương đối vì tùy mức độ mất cân xứng giữa thai nhi to và khung chậu của mẹ. Thai nhi to thường đường kính mỏm vai lớn hơn 12cm và sự sinh khó thường do vai thai nhi.
Xử trí, trong những trường hợp biết chắc chắn thai to, hoặc trường hợp ngôi thai bất thường như: ngôi mặt, ngôi trán hay ngôi ngang thì có chỉ định mổ lấy thai, không nên để suy thai, nhiễm trùng ối rồi mới mổ. Những trường hợp thai nhi to từng phần, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng sống được của thai nhi, tương xứng thai mà bác sĩ chuyên khoa có cách xử trí thích hợp.
Tóm lại: sinh khó là một chương trong bệnh lý sản thường gặp nhất. Quá trình chuyển dạ sinh là giai đoạn sau cùng của sự mang thai sau 9 tháng 10 ngày ở người mẹ. Việc đánh giá của từng trường hợp, đòi hỏi bác sĩ sản khoa có sự quyết đoán chính xác và xử trí kịp thời để có kết quả mong muốn mẹ khỏe con khỏe.
Sinh khó nỗi lo thường trực của thai phụ.
Theo NTD