Đừng chủ quan khi đau đầu trong thai kỳ

0
51
Đau đầu trong thai kỳ có thể liên quan đến chứng tiền sản giật. (Ảnh minh họa)
Đau đầu trong thai kỳ có thể liên quan đến chứng tiền sản giật. (Ảnh minh họa)

Đau đầu tuy không phải hiện tượng bất thường, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ nhưng nếu bạn đã thường xuyên bị đau đầu từ trước khi mang thai thì càng không thể chủ quan.

Đau đầu trong thai kỳ – do đâu?

Theo các bác sĩ, trong những tháng đầu của thai kỳ, khối lượng máu lưu thông tăng đột ngột dẫn đến các cơn đau âm ỉ, kéo dài 2 bên thái dương hoặc sau gáy. Ngoài ra, thiếu ngủ, mệt mỏi, căng thẳng, nghẹt mũi, dị ứng, trầm cảm, đói, uống ít nước, người mẹ dùng các chất kích thích như cà phê cũng là những nguyên nhân chính gây ra các cơn đau đầu.

Nếu bạn bị đau đầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, thì trong 3 tháng tiếp theo, khi các kích thích tố ổn định và cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi và phát triển của việc mang thai thì hiện tượng này có thể giảm dần hoặc biến mất.

Những triệu chứng cần biết

Hầu hết hiện tượng đau đầu trong khi mang thai đều vô hại nhưng trong một vài trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng khi xuất hiện thêm chứng đau nửa đầu, đặc biệt nếu như đây là lần đầu bạn mang thai. Theo thống kê, cứ khoảng 5 phụ nữ thì có 1 người bị mắc chứng đau nửa đầu vào lần đầu tiên mang thai và trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Chứng đau nửa đầu xuất hiện ở một bên đầu, có thể đi kèm một số triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn. Đặc biệt sẽ trở nên kéo dài và nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Đau đầu trong thai kỳ có thể liên quan đến chứng tiền sản giật. (Ảnh minh họa)
Đau đầu trong thai kỳ có thể liên quan đến chứng tiền sản giật. (Ảnh minh họa)
Đau đầu trong thai kỳ có thể liên quan đến chứng tiền sản giật. (Ảnh minh họa)

Một số phụ nữ còn bị chứng đau nửa đầu kèm ánh hào quang, cụ thể những người này gặp những triệu chứng như rối loạn thị giác, cảm giác, chẳng hạn như hay thấy ánh sáng đèn nhấp nháy hoặc các điểm mù…Ngoài ra, ở 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ, đau đầu có thể là dấu hiệu của tiền sản giật – một hội chứng thai kỳ nghiêm trọng bao gồm huyết áp cao, protein trong nước tiểu, và một số thay đổi khác.

Nếu đây là lần đầu bạn mang thai và đang ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, và có một trong những triệu chứng như đau đầu kèm những thay đổi về thị giác, đau đầu dữ dội kèm sốt, buồn nôn, tăng cân đột ngột, phù nề tay, chân, mặt… bạn cần tới bác sĩ đo huyết áp và kiểm tra nước tiểu ngay lập tức để tránh hiện tượng tiền sản giật.

Điều trị và phòng tránh chứng nhức đầu trong thời kỳ mang thai

Nhiều phụ nữ thắc mắc có nên dùng thuốc giảm đau hay không. Theo các bác sĩ, tuy acetaminophen hay những thuốc trị chứng đau đầu khác đều an toàn khi dùng đúng liều lượng nhưng không nên dùng cho phụ nữ mang thai bởi tác dụng tức thời mà thuốc mang lại có thể giúp bạn giảm cơn đau nhưng lại không có lợi cho em bé. Nếu bạn mắc chứng đau nửa đầu nghiêm trọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để trước khi tự ý dùng các loại thuốc giảm đau.

Dưới đây là một vài gợi ý có thể giúp bạn tránh khỏi đau đầu:

– Tìm ra nguyên nhân để có cách phòng tránh và điều trị: Các bác sĩ thường khuyên các bà mẹ nên ghi nhật ký mang thai để theo dõi tình trạng của bạn cũng như thai nhi trong từng thời kỳ. Bạn nên viết bất cứ điều gì, ví dụ như các hoạt động cũng như đồ ăn, chế độ dinh dưỡng như thế nào. Điều này rất có lợi, nó phần nào giúp  bác sĩ xác định được nguyên nhân cụ thể và có hướng điều trị hợp lý.

– Chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất quan trọng. Một số tác nhân gây đau nửa đầu liên quan đến các loại thực phẩm có chứa các chất như: bột ngọt (MSG); sulfite (được sử dụng như một chất bảo quản cho rau và trái cây khô); nitrit (thường gặp ở các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích); chất ngọt nhân tạo; sô cô la…

Mẹ bầu không nên uống thuốc giảm đau, bắt buộc phải có ý kiến của bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Mẹ bầu không nên uống thuốc giảm đau, bắt buộc phải có ý kiến của bác sĩ. (Ảnh minh họa)

– Tránh những nơi có tiếng ồn quá lớn, không hút thuốc lá và hạn chế những loại đồ uống có chứa cafein.

– Tắm bằng nước ấm cũng giúp làm dịu chứng đau đầu.

– Không nên để cơ thể quá khát hoặc quá đói. Để ngăn chặn lượng đường trong máu xuống thấp, hãy chia thành từng bữa ăn nhỏ để cơ thể không bị bỏ đói. Hoặc nếu quá bận rộn, hãy chuẩn bị đồ ăn nhẹ, dễ dàng mang theo bên mình như bánh quy, sữa chua… Tránh những loại đồ ăn quá ngọt dễ làm lượng đường trong máu tăng.

– Ngủ đủ giấc, hạn chế mệt mỏi, căng thẳng.

– Những liệu pháp mát xa thư giãn cũng giúp ích rất tốt cho bạn trong thời kỳ mang thai.

– Tập thể dục nhẹ nhàng: Nhiều minh chứng cho thấy, duy trì các bài tập thể dục nhẹ nhàng  giúp giảm tần suất và mức độ của bệnh. Lưu ý rằng, nếu bạn dễ bị chứng đau nửa đầu thì không nên tập nặng đột ngột, hãy tập các bài tập nhẹ và từng chút một để cơ thể làm quen dần. Ngoài ra, một số bài tập thể dục còn đặc biệt hữu ích đối với cơn đau đầu trong tam cá nguyệt thứ ba. Các bài tập như thiền, yoga… là những gợi ý hay cho bạn trong thời kỳ này.