Đối với nhiều bà mẹ, mỗi lần cho bé ăn là một lần thử thách về tính kiên nhẫn và sức chịu đựng. Để cảm thấy dễ chịu hơn với việc cho bé ăn, các mẹ có thể tham khảo bí quyết sau!
1. Bé không chịu thử đồ ăn mới
Bạn đừng lo, hầu như bé nào cũng luôn có tâm lý sẵn sàng từ chối thức ăn mới. Để bé cảm thấy dễ dàng chấp nhận một loại thức ăn mới, bạn nên cho bé thử từng phần nhỏ và chế biến làm sao để nhìn nó giống một loại đồ ăn bé thích.
2. Cơm/ cháo rơi khắp nơi và thịt dính đầy trên tóc
Xin chúc mừng, bé của bạn đã bắt đầu chứng tỏ tính tự lập rồi đấy! Vào khoảng 9 tháng tuổi, rất nhiều bé đã bắt đầu muốn tự cầm thức ăn đưa vào miệng hay thậm chí nghịch thức ăn.
Bạn không nên khó chịu, sốt ruột hay lo lắng quá, hãy để bé tự do khám phá bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình học hỏi và phát triển của bé.
3. Trớ hoặc nôn
Việc bé trớ hay nôn chút ít là chuyện hoàn toàn bình thường, nhất là ở các bé sơ sinh, bởi hệ tiêu hóa của bé vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dần dần. Nhiều bé còn có thể bị trào ngược do thức ăn trong dạ dày tràn vào thực quản.
Để bé bớt trào ngược, bạn có thể cho bé bú chậm hơn, nới lỏng tã và giữ bé đứng thẳng sau khi ăn. Các bé từ 1 tuổi trở lên hầu như sẽ không còn bị trào ngược nữa.
4. Bé không muốn ăn
Bạn muốn cho bé ăn, còn bé thì lắc đầu, xua tay, hất thìa và thậm chí khóc toáng lên để phản đối. Có rất nhiều lý do: bé mệt, bé ốm, bé không tập trung hay đơn giản chỉ là bé chưa đói và chưa muốn ăn.
Bạn không nên ép con ăn mà hãy thử cho bé ăn lại sau đó 1 – 2 tiếng để bé thực sự đói. Nếu quá lo lắng bạn có thể xin sự tư vấn của các bác sĩ nhi để cảm thấy yên tâm hơn.
5. Các bé kén ăn
Thường thì bé sẽ chỉ kén ăn trong khoảng vài tuần hay thậm chí vài tháng chứ không kén ăn mãi được – nếu mẹ biết cách cho bé ăn hợp lý, khoa học. Khi bé cảm thấy khó chịu – ví dụ như khi bé đang mọc răng chẳng hạn – các loại đồ ăn quen thuộc sẽ khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Trong trường hợp này, bạn hãy cho bé sự lựa chọn phong phú hơn, chỉ cần nhớ không cho bé những đồ ăn kém dinh dưỡng chỉ bởi vì bé thích. Hãy kiên nhẫn chờ tới khi bé đói bụng, bé sẽ ăn hết phần ăn của mình.
6. Dị ứng thực phẩm
Có khoảng 8% trẻ bị dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng như phát ban, tiêu chảy, ói hoặc đau dạ dày có thể xuất hiện đột ngột. Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất thường là các loại hạt, hải sản và một số chế phẩm từ sữa.
Bạn cần cẩn thận khi bắt đầu cho bé tập ăn, chỉ nên cho bé thử mỗi lần 1 loại đồ ăn mới để có thể dễ dàng biết được con bị dị ứng với loại thực phẩm nào.
7. Thức ăn đóng lọ
Nhiều bà mẹ cho con dùng thức ăn đóng lọ và băn khoăn không biết đó có phải là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa của trẻ? Sẽ là có – nếu bạn cho bé ăn trực tiếp từ lọ và cất phần thừa đi để dành cho bữa sau.
Việc làm này đưa vi khuẩn từ miệng bé vào thức ăn và làm hỏng thức ăn, dẫn đến các triệu chứng như nôn, tiêu chảy… Nếu bé ăn ít, bạn cần múc riêng phần ăn của bé ra để cho ăn và cất phần còn lại chứ không bao giờ nên múc trực tiếp từ lọ.
8. Các loại thực phẩm cần tránh cho bé
Hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ nên bé không thể tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định. Mật ong có thể dẫn đến ngộ độc trẻ sơ sinh và gây tử vong. Luôn tránh xa các loại thực phẩm dạng miếng, hạt thô có thể gây nguy hiểm và nghẹt thở như bắp rang, xúc xích, nho khô…
Quang Lâm