Xét nghiệm nội tiết nam

0
98
Xét nghiệm nội tiết nam tuy không thông dụng và được quan tâm như xét nghiệm nội tiết nữ. Tuy nhiên đối với những trường hợp được chẩn đoán vô sinh nam thì đây là một xét nghiệm quan trọng đánh giá các bệnh liên quan đến chức năng sinh sản của nam giới. Khi số lượng tinh trùng nhỏ hơn 10 triệu/ ml, hoặc khi khám lâm sàng nghĩ đến có bất thường về nội tiết thì việc định lượng nồng độ FSH, LH, Testosterone cần phải được thực hiện.

 

Tổng quan

 

– Các xét nghiệm nội tiết ở nam không cần được thực hiện thường xuyên như ở nữ. Chỉ cần xét nghiệm ở những bệnh nhân thiểu tinh nặng hoặc vô tinh để xem quá trình sinh tinh bị suy yếu tại tinh hoàn hay là do rối loạn trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn, do suy hạ đồi, tuyến yên.

 

– Ngoài ra, nên được thực hiện ở những bệnh nhân bị suy yếu khả năng tình dục, hoặc khi khám lâm sàng nghĩ đến có bất thường về nội tiết.
 

– Về các xét nghiệm nội tiết thì 2  xét nghiệm đầu tiên phải làm là đo nồng độ FSH , LH và Testosterone.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 

Ý nghĩa các giá trị xét nghiệm nội tiết nam

FSH: Do tuyến yên tiết ra, được tiết ra theo từng nhịp trong ngày. Thời gian bán thải của FSH từ 3-5 giờ. Vì vậy nồng độ của FSH ít thay đổi trong ngày. FSH có tác dụng kích thích tế bào Sertoli sản sinh tinh trùng. Bình thường FSH trong giới hạn từ 2 – 12 mIU/ ml.

–    FSH cao chứng tỏ tinh hoàn không còn đáp ứng với kích thích của nội tiết hướng sinh dục. Điều này cho thấy quá trình sinh tinh bị tổn thương và tinh hoàn không còn sinh tinh được nữa và không có điều trị nào có hiệu quả.

–    FSH thấp gợi ý suy hạ đồi, tuyến yên. Có thể điều trị bằng hCG/ hMG kèm theo bromocryptine nếu có kèm prolactin cao.

LH: Cũng do tuyến yên tiết ra, LH được tiết ra theo từng nhịp phóng thích trong ngày. Thời gian bán thải của LH chỉ 50 phút. Vì vậy nồng độ của nó luôn thay đổi trong ngày. LH có tác dụng kích thích tế bào Leydig sản xuất Testosterone. Bình thường LH trong giới hạn từ 2 – 12 mIU/ ml.

–    Nếu LH tăng cao quá mức có thể là kết quả của suy tinh hoàn nguyên phát, hội chứng Klinefelter, suy tế bào Sertoli và suy sinh dục nguyên phát.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Testosterone:

 

– Testosteron chịu trách nhiệm phát triển cơ thể trong thời kỳ kỳ dậy thì, đặc biệt là phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát. Bao gồm: Phát triển dương vật, tinh hoàn, mọc râu và lông của cơ thể, phát triển tiền liệt tuyến và phát triển cơ và xương. Ngoài ra, testosteron cùng với FSH còn có tác động lên các ống sinh tinh nằm bên trong tinh hoàn, để kích thích các ống này sản xuất tinh trùng.

 

– Testosteron do tế bào Leydig ở tinh hoàn tiết ra, có tác dụng kích thích tế bào Sertoli sản xuất tinh trùng và hình thành các đặc điểm giới tính phụ.

 

– Ở nam giới trưởng thành có giá trị bình thường trong khoảng 3 – 10 ng/ml. Nếu testosterone thấp sẽ gây nên giảm phát triển lông, giảm ham muốn tình dục, liệt dương.

 

– Tuy nhiên, do testosteron có nhịp độ dao động rất lớn trong ngày nên nồng độ testosteron đo vào buổi sáng sẽ cao hơn buổi chiều khoảng 20-30%. Việc định lượng testosteron có chỉ định khi có nghi ngờ hội chứng suy sinh dục, hay dùng để theo dõi và điều chỉnh liều trong quá trình điều trị.

 

Androgen:

 

– Androgen được sản xuất tại các tuyến thượng thận và tuyến sinh dục nam (tinh  hoàn) như một bước trung gian trong con đường sinh tổng hợp để sản xuất hormon sinh dục nam (testosteron)

 

– Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

 

– Xét nghiệm cần được làm trước hay sau khi hành kinh 1 tuần. Nên lấy mẫu máu để xét nghiệm vào thời điểm nồng độ androstenedion huyết tương đạt giá trị đỉnh (vào khoảng 7h sáng).

 

– Hàm lượng androgen được mô tả trong bảng sau:

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

– Tăng nồng độ androgen trong máu thường gặp là: Khối u thượng thận, tăng  sản tế  bào  tuyến thượng  thận  bẩm  sinh  (congenital  adrenal hyperplasia), hội chứng Cushing, khối u sản xuất ACTH (hormon tuyến yên) lạc chỗ, khối u tinh hoàn.

 

– Giảm nồng độ androstenedion máu thường gặp là: Giảm chức năng tuyến sinh dục hay giảm hormon sinh dục (hypogonadism), bệnh Addison.

 

 

Xét nghiệm nội tiết ở nam giới được thực hiện khi có bất thường về kết quả tinh dịch đồ hoặc các bất thường trong đời sống tình dục. Xét nghiệm nội tiết nam giúp đánh giá chức năng sinh sản, các bệnh lý liên quan cũng như đặt ra các hướng điều trị cho nam giới.

Theo NTD

Xét nghiệm nội tiết nam

 

Theo NTD