Các nhóm xét nghiệm chức năng gan
Người ta có thể xếp một số xét nghiệm chức năng gan thành các nhóm như sau:
– Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng bài tiết và khử độc.
– Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng tổng hợp.
– Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử gan.
– Các xét nghiệm khác.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử tế bào gan
Transaminase hay aminotransferase là những enzym nội bào.Sự tăng của các enzym này phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan.
AST (Aspartate aminotransferase) hay SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase)
– Hiện diện trong bào tương và ty thể của tế bào. AST hiện diện ở cơ tim và cơ vân nhiều hơn ở gan. Ngoài ra, AST còn có ở thận, não, tụy, phổi, bạch cầu và hồng cầu.
– Bình thường AST < 40 UI/L.
ALT (Alanine aminotransferase) hay SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase)
– Hiện diện chủ yếu ở bào tương của tế bào gan cho nên sự tăng ALT nhạy và đặc hiệu hơn AST trong các bệnh gan. Bình thường ALT < 40 UI/L.
– Ở người lớn, nồng độ của AST và ALT ở nam cao hơn nữ và cũng thay đổi theo tuổi và cân nặng. Gần đây, người ta đề nghị giá trị bình thường của ALT ở mức thấp hơn với nam < 33 UI/L và nữ < 19 UI/L.
– Các men này được phóng thích vào máu khi có tổn thương màng tế bào làm tăng tính thấm. Tuy nhiên, sự tăng men gan không tương quan hoàn toàn với tình trạng hoại tử tế bào gan.
– Nguồn gốc và cơ chế đào thải AST và ALT vào trong máu vẫn chưa được biết rõ. Các transaminase tăng trong hầu hết các bệnh về gan nhưng không hoàn toàn đặc hiệu cho gan vì còn tăng trong các bệnh khác như nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ vân (viêm cơ, loạn dưỡng cơ), cường giáp hoặc nhược giáp, bệnh celiac… Ngược lại, các enzyme này có thể bị giảm giả tạo khi có tăng urê máu. Sự tăng đơn thuần AST có thể gặp trong trường hợp macro-AST (AST được bám vào một globulin miễn dịch).
Sử dụng các chất kích thích có thể làm tăng men gan: Nguồn internet
Các mức tăng transaminase có liên quan đến một số bệnh gan như sau:
– Tăng cao (> 3000 UI/L) có thể gặp trong các trường hợp hoại tử tế bào gan như viêm gan virút cấp hoặc mạn tính, tổn thương gan do thuốc, độc chất, trụy mạch kéo dài. Mức độ tăng transaminase có tương quan kém với mức độ tổn thương tế bào gan và không có ý nghĩa nhiều về mặt tiên lượng (ví dụ khi hoại tử tế bào gan rất nặng, men gan tăng cao trong 24 – 48 giờ đầu nhưng sau 3 – 5 ngày, men giảm nhanh)
– Tăng vừa (< 300 UI/L) gặp trong viêm gan do rượu. Transaminase tăng chủ yếu là AST nhưng trị số không quá 2-10 lần giới hạn trên mức bình thường. Trong khi đó, ALT có thể bình thường hoặc thấp là do thiếu pyridoxal 5-phosphate (vitamin B6), là cofactor để tổng hợp ALT ở gan.
– Tăng nhẹ (< 100 UI/L) có thể gặp trong viêm gan virus cấp, nhẹ và bệnh gan mạn tính khu trú hay lan tỏa (xơ gan, viêm gan mạn, di căn gan) hoặc tình trạng tắc mật. Gần đây, người ta nhận thấy các trường hợp tăng nhẹ men gan thường gặp trong gan nhiễm mỡ. Đối với vàng da tắc mật, đặc biệt là trường hợp sỏi di chuyển vào ống mật chủ, ALT thường tăng < 500 UI/L (trong viêm túi mật cấp), hiếm khi ALT tăng đến 3.000 UI/L nhưng sau đó giảm nhanh trở về bình thường.
– Tỷ số De Ritis = SGOT/SGPT (O/P). Tỷ số này > 1 gặp trong các tổn thương gan mạn tính như xơ gan hoặc nếu O/P > 2 rất gợi ý đến tổn thương gan do rượu vì lúc đó ALT thường thấp. Khi O/P > 4 gợi ý đến viêm gan bùng phát do bệnh Wilson. Khi tỷ số này < 1 thường gặp trong hoại tử tế bào gan cấp như trong viêm gan virus cấp.
Hình ảnh gan bị xơ: Nguồn internet
Lactat dehydrogenase (LDH)
– Là xét nghiệm không chuyên biệt cho gan vì men này có ở khắp các mô trong cơ thể (tim, cơ, xương, thận, hồng cầu, tiểu cầu, hạch bạch huyết). Ngay cả men LDH5 tương đối đặc hiệu cho gan nhưng cũng ít có giá trị trong việc xác định các bệnh gan-mật. LDH tăng cao và thoáng qua gặp trong hoại tử tế bào gan, sốc gan. Tăng LDH kéo dài kèm tăng ALP gợi ý đến các tổn thương thâm nhiễm ác tính ở gan.
– Bình thường, LDH5 5 – 30 UI/L. Tỷ số ALT/LDH có thể giúp phân biệt viêm gan virus cấp (ALT/LDH >1,5) với tình trạng sốc gan hoặc ngộ độc acetaminophen (ALT/LDH <1,5).
– Nhiều men khác như isocitrat dehydrogenase, sorbitol dehydrogenase, glutamat dehydrogenase cũng không đặc hiệu. Tăng ornithin carbamyl transferase (OCT) khi có rối loạn ở chu trình urê.
Các xét nghiệm nói trên có khi không phản ánh đúng hoàn toàn tình trạng bệnh vì có một số trường hợp kết quả có thể bình thường mặc dù bệnh gan đã nặng và có thể bất thường ở những bệnh không ảnh hưởng đến gan. Những bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C nên theo dõi xét nghiệm định kỳ từ 3- 6 tháng, đánh giá tình trạng hoại tử tế bào gan để từ đó biết được sự hoạt động của virus và định hướng điều trị.
Xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử tế bào gan
Theo NTD