Phơi nhiễm HIV là gì?
Phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da không nguyên vẹn với máu, mô hay các dịch cơ thể khác có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Các trường hợp của phơi nhiễm HIV
– Bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm. Vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn đã dùng cho người nhiễm HIV/AIDS chọc, đâm vào gây chảy máu.
– Bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào. Máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…
– Quan hệ tình dục với người có HIV mà không sử dụng bao cao su, bao cao su bị rách, bị cưỡng dâm. Sử dụng chung kim tiêm đối với người nghiện chích ma tuý(chỉ một lần).
Điều trị dự phòng phơi nhiễm
– Đối với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV. Người bị phơi nhiễm cần đến Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống AIDS và các phòng tư vấn và xét nghiệm HIV cấp huyện để được tư vấn và điều trị dự phòng bằng thuốc.
– Việc điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm từ 2 – 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần. Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ, chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng phải mua thuốc.
– Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV. Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV cho người khác vì vẫn có khả năng lây truyền HIV nếu điều trị phơi nhiễm thất bại.
Cơ chế hoạt động của thuốc chống phơi nhiễm HIV
– Thuốc kháng virus (ARV) có tác dụng ức chế virus HIV là sẽ làm giảm số lượng virus trong cơ thể, giảm sự xâm nhập, phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể.
– Giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể dần hồi phục, có khả năng chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Theo dõi và tư vấn hỗ trợ
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Hướng dẫn kế hoạch theo dõi và làm xét nghiệm lại sau 1, 3, 6 tháng, tư vấn tuân thủ trong quá trình điều trị dự phòng ARV.
– Tư vấn về việc không đuợc cho máu, phải có quan hệ tình dục an toàn, thực hành tiêm chích an toàn, và không cho con bú cho đến khi xác định hoặc loại trừ được tình trạng nhiễm HIV
– Tư vấn để tiêm vắc- xin viêm gan B nếu cá nhân đó chưa bị nhiễm Viêm gan B, chưa được tiêm chủng, hoặc chưa có kháng thể với viêm gan B.
– Tư vấn về tránh nguy cơ phơi nhiễm tiếp tục với HIV.
Việc dự phòng thuốc chống phơi nhiễm HIV khi gặp tình huống rủi ro có sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch tiết từ cơ thể người có HIV là rất quan trọng và rõ ràng là giúp người bị phơi nhiễm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mỗi lần điều trị phơi nhiễm thường kéo dài và có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, kinh tế, tâm lý… chính vì vậy, không coi điều trị phơi nhiễm là biện pháp bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV mà cần chủ động phòng tránh lây nhiễm HIV bằng các biện pháp tích cực, chủ động hơn trong việc dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV.
Chống phơi nhiễm HIV- thuốc điều trị và cơ chế hoạt động
Theo NTD