Tô đau đáu nhìn vào làn khói trắng mê hoặc đang toả ra từ mồm thằng Phát Mặt Sẹo, nó nuốt nước bọt liên tục. Cái cảm giác mà người ta thèm ăn một thứ gì đó nhưng lại quá xa vời để có được trông thật đáng thương. Tô lại càng đáng thương hơn, thứ mà nó đang thèm là thuốc phiện.
***
Nó gãi cổ như cách mà một con nghiện vẫn làm khi lên cơn thèm thuốc, nó thấy ngứa, ngứa khắp người, càng ngứa càng gãi, càng gãi càng ngứa. Cổ họng nó đau rát như muốn rách toác, mồ hôi nó vã ra từng hột. Thằng Phát Mặt Sẹo vẫn không mảy may, làn khói trắng vẫn phả ra đều đều. Tô lăn lộn, nó cào cấu, nó lấy tay bịt chặt cái mồm đang trào bọt mép, nó gồng mình lên, rồi lại co quắp dưới đất.
Ranh giới là đây. Nó là thằng đang cai nghiện.
Thằng Phát Mặt Sẹo ngừng hít, hắn lim dim đôi mắt liếc xuống nền đất, nhếch cái môi tím tái, nhìn Tô cười khẩy. Hắn thọc tay vào túi quần moi một mẩu giấy nhỏ, chậm rãi dỡ mẩu giấy trong khi đôi mắt nửa xảo quyệt, nửa đang say thuốc của hắn he hé nhìn Tô. Hắn loạng choạng bước xuống, đá những bước chân xiêu vẹo tiến về phía Tô. Tuy hắn- thằng Phát Mặt Sẹo- vẫn còn đang trong cơn say thuốc nhưng hắn vẫn có thừa tỉnh táo để nhận thức rằng việc của hắn bây giờ là phải cho cái thằng đang lăn lộn dưới đất kia ngửi cái mảnh giấy chứa chất bột trắng này, hơn ai hết hắn hiểu cái cảm giác cai nghiện khi lên cơn thèm thuốc như thế nào, sức mạnh của cái chết trắng không gì cưỡng được, lúc này với một thằng đầu xỏ chuyên bán thuốc phiện như hắn thì đây là cơ hội quý để lôi kéo thằng Tô trở về.
Hắn cúi xuống, thì thầm bên tai thằng Tô, vết sẹo to tướng dọc từ bên má xuống cổ, giần giật theo nhịp nói:
– Mày quay lại với anh em là tốt rồi. Bây giờ bọn đàn em đi buôn thuốc hết, chỉ có tao, chỗ anh em tao cho, thử đi.
Vừa nói Phát Mặt Sẹo vừa chìa miếng giấy ra trước mặt thằng Tô. Tô thở hổn hển, những ngón tay run run chỉ chực giành lấy mẩu giấy mà rít cho thoả thích cơn thèm thuốc đang cào xé cơ thể nó. Nó lấy tay vả vào mặt đen đét, cái vả khiến mắt nó tối sầm, hình ảnh về những sợi dây thừng, những miếng giẻ đầy dớt dãi, rồi hình ảnh ông Sáu với cái lắc đầu quen thuộc lờ mờ ẩn hiện trong tâm trí nó. Nó cố phớt lờ miếng giấy trên tay thằng Phát, cố lết mình ra ngoài cửa.
Chỉ chờ có thế, Phát Mặt Sẹo lấy bật lửa, hơ đều đều trên mẩu giấy. Hương thuốc toả ra quấn lấy đầu mũi Tô, nó ngừng bò, thở dốc.
Y như thằng Phát nghĩ, đúng là Tô không thể cưỡng lại được nữa, nó cuống cuồng quay lại chỗ thằng Phát, giằng lấy cái bật lửa và mẩu giấy. Như một con thú đói chộp được con mồi béo bở, nó hít. Và đây là lần thứ hai Tô dùng ma tuý kể từ lúc nó cai nghiện.
…
Xế chiều, những tia nắng cuối cùng cố len lỏi xiên qua căn nhà hoang thấp thoáng sau luỹ tre dày đặc. Một vài tiếng quạ kêu nghe đến rợn tóc gáy trong cái ngõ địa bàn của bọn nghiện ấy.
Trong căn nhà cũ nát toàn phân chuột và mạng nhện, Tô lờ mờ tỉnh sau cơn say thuốc. Nó lồm cồm bò dậy. Cái ổ nghiện không một bóng người, ngay cả đại ca Phát Mặt Sẹo của nó thường túc trực đưa thuốc ở đây cũng không thấy đâu. Có lẽ giờ này Phát Mặt Sẹo và bọn đàn em đã ra ngoài đưa hàng nốt mẻ cuối.
Trong giây lát, Tô nhớ ra là nó vừa rít thuốc lại. Khuôn mặt đen đúa của nó thoáng tối sầm, nó bặm chặt môi. Cái nét mặt ăn năn của nó liếc qua mà thấy tội nghiệp. Đôi mắt hình như có bụi, bỗng chốc thấy nhập nhoè. Tô ơi là Tô, có phải mày vừa hút lại đấy không? Chua xót làm sao, nhục nhã làm sao, rốt cuộc thì đến bao giờ mày mới có thể thoát ra ngoài cái vòng luẩn quẩn này được đây. Nghiện- cai – nghiện lại rồi lại cai.
Tô thất thểu ra khỏi căn nhà hoang ẩm mốc. Không, đây sẽ là lần cuối cùng nó hít. Tô hứa. Nhất định đây sẽ là lần cuối cùng. Nhất định sẽ là như thế.
***
Tô kéo nhẹ tấm phên trước cửa, trong nhà tối om. Nó đưa mắt đảo quanh cái quán một lượt, ông Sáu không có nhà. Chắc ông già đi xem thông tin vụ án mới phá của công an xóm trên, sáng nay trong lúc chuẩn bị đi phụ xây Tô có loáng thoáng nghe ông Sáu kể vậy. Cũng chính vì biết ông Sáu sẽ về muộn nên nó mới đánh liều vào chỗ bọn Phát Mặt Sẹo xin rút ra khỏi băng nhóm, nào ngờ việc chẳng xong mà còn hít lại. Nó rùng mình, cảm giác như khói thuốc vẫn đang lởn vởn quanh người,
Tô cởi áo, vớ lấy cái xô ra sân giếng, dội nước ào ào.
—
Trời đã nhá nhem tối, bữa cơm hôm nay có đĩa rau muống luộc với mấy con cá rô rán hôm trước Tô bắt ở ven sông, nó ngó qua mâm cơm mà ông Sáu chuẩn bị từ chiều, đợi ông Sáu về ăn một thể vậy. Tô vác cái chõng tre ra trước sân, gối đầu lên tay, hướng tầm mắt ra xa.
Con sông trước nhà đang vào mùa nước lũ, nước sông đục ngầu tràn đầy lên con đường mòn, ngấp nghé đầu cửa, những cây lục bình trôi theo dòng nước mắc cạn đầy trên sân. Căn nhà nó ở lụp xụp cạnh khóm tre cuối làng, căn nhà mà thực chất là cái quán nước nhỏ lợp tạp bợ bằng 4 tấm phên nứa, kê được cái giường với cái tủ gỗ, nằm im lìm cạnh con đò cuối xóm. Trước nhà có cái bạt căng gọi là cái quán. Cái quán nhỏ kê vừa vặn được cái bàn cọt kẹt, trên bày cái tủ nhỏ đựng vài bao thuốc lá, mấy gói chè và một cái ấm đã hoen ố, dăm ba cái cốc. Cái quán này là của ông Sáu, Tô ở đây tính ra cũng được gần ba tuần. Ngẫm lại thì việc Tô đến đây ở với ông Sáu âu cũng là cái duyên giữa hai mảnh đời chênh lệch.
….
Nhớ hồi đó Tô là một thằng cù bất cù bơ, lang thang hết đầu đường xó trợ. Quê nó mãi mạn Thanh Hoá, chỗ nó cái nghèo len lỏi trong từng ngóc ngách. Cả nhà Tô có 4 người trông chờ hết vào ba sào ruộng, vụ được mùa còn đói mòn mắt chứ chưa nói gì đến những tháng ngày lũ về. Cũng vì cái đói cái nghèo mà nó lang thang lên thành phố kiếm sống. Với một đứa 15 tuổi như Tô lẽ ra cũng có thể xin được chân rửa bát thuê trong cái nhà hàng nào đó, khổ cái là Tô gầy, 15 tuổi mà có chừng 22 cân rưỡi. Thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu mặc. Tô tặc lưỡi, nghĩ thoáng. Thôi thì cứ đi kiếm ăn để tăng cân rồi kiếm cái nghề sau. Vậy là ban ngày nó lang thang trong thành phố xin ăn, xin được gì thì ăn cái đó. Tối đến thì vạ đâu ngả lưng được thì nó đặt mình xuống. Khi thì trong ghế đá công viên, lúc thì dưới gầm cầu, hay thậm chí là dưới một cái gốc cây vệ đường.
Một năm cuốc bộ về nhà được hai, ba bận. Nhìn đứa em gái 8 tuổi ốm suốt mà nó chẳng lỡ đi. Nhưng ở nhà thì thì cũng chết, đã không kiếm được cái ăn thì chớ lại còn khiến cái mâm cơm vốn chẳng đủ bữa thêm một cái bát. Mẹ nó vẫn khóc rưng rức, bố nó cũng chỉ biết thở dài thườn thượt. Thôi thì bố mẹ nghèo, con lên thành phố mà cũng chẳng có đồng nào cho con gọi là làm tiền đi đường. Gắng sao kiếm được công việc lao động mà có đủ cái cho vào mồm là bố mẹ mừng.
Tô quen với thằng Phát Mặt Sẹo trong một lần đang bới tung mù cái thùng rác cạnh một nhà hàng. Thằng Phát là đứa chuyên bán thuốc phiện cho mấy con nghiện trong thành phố. Tô theo chân thằng Phát tính tháng trên đầu ngón tay cũng xấp xỉ gần 2 ngón. Tô ban đầu làm chân tay sai đưa hàng, chẳng ai có thể nghĩ một thằng gầy gò như nó mà lại đang mang theo thứ hàng chết người nên đã làm hơn tháng ròng mà nó vẫn chưa bị phát hiện. Cuối tháng đó nó gửi về cho gia đình được hơn triệu mà nước mắt ứa ra như suối. Những đồng tiền nó cầm trên tay là những đồng tiền bẩn và cái nghề nó kiếm ra tiền thì chắc chắn khiến người ta dè bỉu. Nhưng Tô mặc, Tô không quan tâm, nó làm gì có cơ hội để chạm tay vào những đồng tiền mà người ta gọi là sạch. Tiền sạch hay bẩn với nó chẳng có ranh giới. Nghèo mà muốn có nhiều tiền sạch chỉ là giấc mộng phù du.
Nó chẳng bao giờ nghĩ mình là một đứa nghiện ma tuý cho đến một ngày Phát Mặt Sẹo đưa cho nó hai gói trắng nhỏ gọi là quà cho thêm sau lần nó đi giao hàng mãi Lai Châu. Ban đầu Tô giãy nảy từ chối , nhưng rồi cũng phải im ỉm nhận khi thằng Phát gắt. Có người nói rằng : Cái tính tò mò thường hay làm hại con người ta hơn là có lợi. Tô ngẫm cũng đúng. Ngày đó cũng vì tò mò muốn nếm thử hương vị của cái chất bột trắng mà bao nhiêu đứa liều chết để có như thế nào nên nó đánh liều rít thử trước tiếng reo hò cổ vũ của những con nghiện và đại ca Phát Mặt Sẹo của nó. Cảm giác lâng lâng, khó tả, đúng là như lạc vào thế giới thần tiên khoái lạc.
Lần đầu rồi sẽ có lần thứ hai và sẽ đến lần thứ ba thứ tư… dần rà nó thành một đứa nghiện. Một con nghiện ngoài đưa hàng ra thì hễ có cơ hội nó lại triền miên vào hút hít.
Việc nó gặp và đến ở với ông Sáu thì có lẽ là điều may mắn mà thượng đế cứu vớt nó – Tô vẫn luôn nhủ như vậy. Ông Sáu có cuộc đời chông chênh không kém. Vợ ông mất 2 năm trước, ông có 3 đứa con trai. Ngoài 60, phân nửa cuộc đời, ông xách túi ra ngoài kiếm việc làm vì không thể chịu đựng được cái cảnh con trai, con dâu suốt ngày chí choé cãi vã nhau vì chuyện ai sẽ phải nuôi bố. Ông đến xóm chợ này cũng đã ngót bốn tháng.
Vẫn nhớ cái ngày đó ở cái quán nước này, nó và một thằng mấp mé bằng tuổi trong xóm chợ đánh nhau cũng chỉ vì tranh giành nhau cái ghế. Khổ cái là nhà ông Sáu có đúng 4 cái ghế chưa kể cái ghế gẫy vứt xó cửa. Hai thằng đánh nhau nghe chừng hăng lắm, ông Sáu và mọi người trong quán phải hô hoán sẽ báo công an thì Tô mới thả thằng kia ra. Với một thằng nghiện như nó thì điều sợ hơn cả việc trời có sập là nhắc tới công an. Thằng Tô bị đánh cũng đau cái môi bầm dập, hai con mắt tím bầm.
Cuộc đời đúng là như trò chơi và thế giới đúng là tròn. Chẳng thế mà sau vụ đánh nhau với lí do như của mấy thằng trẻ con vắt mũi chưa sạch ấy, Tô với thằng đó lại là chỗ quen biết. Hai đứa hay lui tới chỗ ông Sáu tán dóc mấy chuyện trên đời dưới biển. Hai thằng ất ương với một ông già biết nhau từ đó.
Mới tháng trước xong, thằng bạn đó của Tô bị công an tóm khi đang chuyển hàng. Ông Sáu nghe tin mà thẫn thờ, cái thằng mặt hiền lành như thế mà hoá ra lại là thằng buôn thuốc phiện. Tô chột dạ, chẳng hiểu do ma xui quỷ khiến gì mà nó lại thú nhận với ông Sáu, nó là một thằng nghiện. Nghĩ cũng tợn, nó luống cuống đứng dậy trước khi thấy ánh mắt của ông Sáu. Nhưng điều mà nó không ngờ tới là ông Sáu không những không trách nó mà còn có ý giúp nó cai nghiên. Nói là lời răn dạy của người già như một liều thuốc tiên cũng đúng. Ngồi nghe ông Sáu nói mà cái đầu của Tô gật gù liên tục. Nó quyết chí thay đổi cuộc đời của mình. Nó phải cai nghiện.
Tính từ lúc đó đến giờ thì cũng ngót 3 tuần nó cai được thuốc. Nếu như không có cái lần gọi là ” trót dại” vừa rồi.
Tô thở dài liên tục, hết ngẫm nghĩ về cuộc đời mình nó lại nghĩ tới cái gia đình nghèo đói ở quê. Không biết đứa em gái ở quê như thế nào rồi. Nó có còn ốm không? Còn bố mẹ nó nữa, mùa màng tới nơi rồi chắc bố mẹ nó bận lắm. Từ ngày dọn về với ông Sáu nó xin được chân phụ hồ, tháng chỉ đủ ăn, chắt bóp ra được có lẽ sẽ dư dả ra đôi ba trăm. Bỗng dưng Tô thấy nhớ da diết cái căn nhà nhỏ xơ xác ấy.
…
– Tô, Tô tao có cái tin này hay lắm!
Tiếng gọi khàn khàn của ông Sáu làm Tô giật mình. Nó nhổm dậy. Ánh đèn chập choạng từ chiếc đèn pin của ông Sáu cho thấy ông đã đi đến đầu ngõ. Tô vươn vai, uể oải đứng dậy, nó vừa ngáp vừa hỏi ông Sáu.
– Chắc lại tin về mấy vụ phá án làng bên hả ông?
Ông Sáu gỡ đôi dép đập phành phạch vào nhau giũ bụi, cười móm mém. Ông ngồi phịch xuống cái ghế, nhấp một ngụm nước chè đặc, nhìn Tô hớn hở.
– Mày khoan mang mâm cơm . Ngồi xuống đây tao kể cho.
Tô lững thững quay lại, ngồi vào cái ghế đối diện, chăm chăm nhìn ông Sáu. Thật tình thì nó chẳng muốn nghe ông Sáu kể chuyện chút nào, nó không khoái những tin có dính líu đến hai chữ công an.
– Mày biết thằng Kết xóm bên không?
– Không, cháu cũng ít sang xóm đấy nên không biết.- Tô vừa phát con muỗi ở chân vừa trả lời.
– Cái thằng chuyên rao thuốc phiện cho bọn thằng Phát Mặt Sẹo ở xóm này đấy?
Tô chột dạ, cái thằng Kết xóm bên? Cái tên Kết không gợi cho nó mảy may thông tin gì, nhưng cái tên Phát Mặt Sẹo làm nó hoang mang. Hay là thằng Kết cũng thuộc đường dây bán ma tuý của bọn thằng Phát? Tô liếc nhìn ông Sáu, dò hỏi.
– Thế thằng Kết bị công an bắt hả ông?
Ông Sáu nhíu mày, những nếp nhăn trên mặt xô lại.
– Mày đúng là, có cái phần hay nhất lại đoán ngay ra.- ông Sáu nhấp một ngụm nước chè, kể tiếp – Chiều nay đấy, nó đang giao hàng thì công an ập tới, tóm gọn luôn. Tao đoán không sai, sớm muộn gì nó cũng bị bắt. Mà công an bây giờ giỏi thật mày à, cái gì cũng biết.
Thế chẳng nào. Chiều nay, lúc Tô lan man tỉnh ở chỗ tụ tập của bọn thằng Phát Mặt Sẹo thì không thấy bóng dáng đứa nào, ban đầu Tô nghĩ bọn nó đi giao hàng, ra là không phải. Thì ra chúng nó đi trốn công an. May mà công an chưa tìm ra chỗ hút hít của bọn thằng Phát nếu không thì… Tô rùng mình khi nghĩ tới điều đó..
– Mày làm sao mà cứ ngây người ra thế Tô? May cho mày là mày cai nghiện rồi chứ không á…công an lần này làm căng là cũng cho vào trại hết.
Tô gượng gạo cười, nó đánh trống lảng:
– Thế ông đói chưa để cháu mang cơm ra. Cháu cũng chưa ăn, giờ đói quá.
Ông Sáu trợn mắt.
– Mày làm gì mà chưa ăn, tao đã bảo ăn trước rồi cơ mà. Đói thì mang cơm ra đi. Đúng là…
Trong bữa cơm tối, ông Sáu vẫn say sưa kể chuyện về việc công an bắt thằng Kết. Thằng Tô thì không nói gì, nó cắm cúi ăn cho qua bữa, thỉnh thoảng ậm ừ vài câu phụ hoạ. Sự mất tích của bọn Phát Mặt Sẹo làm Tô hoang mang. Chúng nó có thể lẩn trốn ở đâu trong cái xóm chợ nhỏ bé này? Khi nào thì Phát Mặt Sẹo và đồng bọn quay lại chỗ tụ tập cũ?
Màn đêm đã buông xuống, cả khu xóm chợ tối om, chỉ còn nghe thấy tiếng ếch nhái gọi bầy nháo nhác. Những con đom đóm từ sông bay đầy trước hiên cửa. Trong căn nhà lụp xụp, tiếng mọt ăn gỗ nghe thật não nề. Trên cái chõng, tiếng ngáy của ông Sáu đã đều đều. Còn thằng Tô nằm trên tấm áo mưa trải dưới nền đất trằn trọc mãi không ngủ được. Nó hết trở mình lại im lìm lắng nghe tiếng ngáy của ông Sáu.
Có vẻ hơi điên rồ, nhưng với Tô tiếng ngáy này là âm thanh mang lại cho nó cảm giác thân quen mỗi khi màn đêm buông xuống với nỗi nhớ nhà lúc nào cũng khắc khoải trong tim gan. Tô gối đầu lên tay, nhìn chăm chăm vào tấm phên đầy mạng nhện trên nhà. Nó trăn trở với cả đống câu hỏi thi nhau hiện hữu trong đầu. Vậy có nên nói với ông Sáu về việc nó đã rít thuốc vào sáng nay không? Còn chuyện băng đảng thằng Phát Mặt Sẹo nữa, sẽ phải giải quyết như thế nào? Luật giang hồ không giống như bất cứ một thứ luật nào, nó dã man hơn tất cả.
Tô tham gia băng nhóm của thằng Phát Mặt Sẹo và cũng là một thành viên của cái luật đó. Băng đảng đâu phải thích vào là vào, thích ra là ra, nó phải có luật. Chiều nay Tô đến gặp thằng Phát Mặt Sẹo kì thực cũng là về việc nó muốn ra khỏi băng đảng đó. Nó muốn yên phận là một thằng đi phụ xây, nó muốn rửa sạch vết nhơ quá khứ. Và đơn giản nó chỉ muốn là một thằng không nghiện. Chỉ có vậy.
…
Nắng sáng tháng 8 vàng óng. Nắng trải dài cả khu xóm chợ, lấp lánh đến chói mắt trong lòng con sông trước quán. Nắng chiếu xiên qua những tấm phên thành những đốm tròn trải đều xung quanh nhà. Dưới nền đất, thằng Tô khẽ cựa mình, nó bị đánh thức bởi tiếng nói chuyện râm ran ngoài quán. Mãi tảng sáng nó mới ngủ được, những vết thâm dưới con mắt đỏ ngầu khiến cho khuôn mặt vốn dĩ đã đen nhẻm trông lại càng xám xịt. Tô vỗ từng vụm nước lên mặt, ngáp ngắn ngáp dài chuẩn bị đi làm.
Cái quán hôm nay đông hơn mọi ngày, cả hàng ghế đều có khách chưa kể còn mấy bà chít khăn kín mít ngồi trên đôi quang gánh cạnh gốc tre. Trên hai cái ghế đầu là hai tay xe ôm trong xóm, ngày nào cũng ngồi ở đây đợi khách qua đò. Kế bên là người đàn ông đội cái mũ lá to bành, bà ngồi bên cạnh cầm cái nón đang phe phẩy quạt. Nhác qua cũng biết, bọn họ đều là những người đi buôn. Tiếng mấy bà chợ búa nghe thấy rõ.
Trông thấy Tô, ông Sáu tươi cười:
– Mày dậy rồi đấy à? Thế hôm nay có ăn cơm ở nhà không để tao biết đường nấu cơm.
Theo sau giọng của ông Sáu là từng ấy cái nhìn của từng ấy con người trong quán quay sang nhòm Tô, từ chân đến đầu. Tô cười ngượng, nó đảo con mắt quanh một lượt ý như chào hỏi.
– Hôm nay cháu đi cả ngày, tối mới về. Ông cứ ăn cơm trưa không phải phần cháu.
Người đàn bà trung tuổi cạnh mấy ông xe ôm tò mò.
– Cháu ông à? Sao giờ tôi mới thấy?
Ông Sáu đỡ lấy cái ấm trà. Rót từ từ vào mấy cái cốc, móm mém trả lời.
– Cháu tôi đấy, bà mới đến trong khi đó, nó lại đi làm suốt, không gặp là phải.
– Có vẻ hơi gầy, nhưng cái mặt cũng không đến nỗi nào. Thế nó bao nhiêu tuổi rồi hả ông?
– 16 bà à.
Mấy bà ngồi kế bên khóm tre lúc nãy chít khăn kín mít giờ cũng tháo khăn ra góp chuyện.
– Đấy, trông cu cậu hiền lành thế, chứ như mấy thằng hôm qua đấy, cũng chạc tuổi này này, thế mà nghiện cả lũ đấy.
– Tôi biết ngay con nhà ông Phất nó bị nghiện, cái hôm tôi đi làm về bắt gặp nó lén lút ở đầu ngõ, thấy tôi nó cứ lấm la lấm lét. Gớm, giờ thì sáng mắt ra chưa, suốt ngày khoe con giờ biết giấu mặt vào đâu.
– Bà nói tôi mới nhớ, cái hôm đàn gà nhà tôi mất đấy, tôi chửi ra chửi vào thế mà thằng con nhà ông Phất cười sặc sụa, không cái ngữ nó lấy thì tôi cũng bé lại.
– Mấy bà mất thế thì to tát gì, cái xe máy cũ rích của tôi kia kìa, tiền mua khoá còn đắt hơn cả tiền mua xe, mà rõ ràng đã khoá cẩn thận mà lúc ra cũng mất cái lốp. Mẹ chúng nó chứ, cái lốp nó cũng lấy.
– Cái ngữ nghiện thì chúng nó đốn bạt lắm, lần sau tôi với ông chờ khách thì để ý tới con xe vậy, cứ thế này thì có mà đói cả lũ.
Tô cứ đứng trơ người, nó nuốt trọn từng lời của từng người khách trước quán. Nó biết là nó không nên ở lại lâu, Tô đưa mắt chào ông Sáu thì thấy ông xua xua tay ý bảo cứ đi đi. Vậy là nó thủng thẳng đi.
Câu chuyện của những người buôn vừa rồi vẫn lởn vởn đâu đó trong tâm trí Tô. Có lẽ trong mắt họ- những người không nghiện – thì những thằng nghiện – như nó – là những kẻ khốn nạn nhất mà họ đã gặp.
Nghiện – còn khốn nạn hơn cả trộm cướp vì những thằng nghiện không những nghiện mà còn cướp giật. Nghiện còn khốn nạn hơn cả thằng giết người, vì có những thằng nghiện cầm dao giết người để lấy tiền mua thuốc.
Nghiện thuộc loại khốn nạn nhất trong những loại khốn nạn, nghiện người ta khinh, nghiện người ta xua đuổi, nghiện người ta dè bỉu… Chao ôi, nghiện thật đốn bạt.
Chưa bao giờ Tô thấy ghét cái quá khứ nghiện ngập của nó đến như thế. Nhưng nó cũng ngẩng mặt mà đi thẳng hơn bất cứ thằng nghiện nào. Ừ thì nó nghiện đấy, nhưng nó đâu có đi ăn cắp, đâu giết người, nó nghiện nhưng nó nào có lôi kéo đứa nào nghiện theo nó, nó nghiện nhưng…hơn hết nó đã muốn cai nghiện.
Tô nhặt một hòn đá ven đường ném mạnh xuống con sông, âm thanh hòn đá rơi xuống vọng lại nghe thật chua xót. Chua xót hệt như cái định kiến của những con người trong xóm chợ này, đã là nghiện thì đều là những kẻ đốn mạt, chẳng ngoại trừ thằng nào. Chẳng cần quan tâm mày là ai? Mày là đứa nào? Vì sao mày nghiện? Hoàn cảnh mày ra sao?. Nghiện là những đưa đốn bạt, chỉ vậy thôi.
Bất giác trong tâm trí Tô hiện lên nụ cười hiền hậu có chút tự hào của ông Sáu khi ông nói nó là cháu của mình với người đàn bà nọ. Trong đôi mắt hơi đục ấy, rõ ràng nó thấy ánh lên niềm hạnh phúc gia đình, cái mà nó đang nhớ nhung và chỉ một dấu hiệu nhỏ thôi là nó cũng có thể nhận ra. Ông Sáu đã coi nó là người thân? Cũng đúng thôi, không là người thân thì sao lại đối xử với nó như vậy, cho nó ăn, cho nó ở, giúp nó cai nghiện, cho nó việc làm…Làm gì có ai tốt với ta như thế mà không toan tính ngoại trừ gia đình của chúng ta? Tô nhớ đã có lần mẹ nó đã từng nói: Trên đời này chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả, người duy nhất mà con có thể lấy đi của họ mà họ không đòi lại chỉ có thể là gia đình của con mà thôi. Mẹ nói đúng, người duy nhất cho nó mà không toan tính chỉ có thể là gia đình của nó, và ông Sáu là gia đình duy nhất của nó ở cái xóm chợ này.
Đột nhiên nó thấy mắt mình ươn ướt, ông Sáu tốt với nó như vậy, tin tưởng nó là thế, vậy mà…Không, nhất định chiều nay khi đi làm về, Tô sẽ tới gặp bọn Phát Mặt Sẹo. Nó phải ra khỏi bang đảng của bọn thằng Phát, nó phải là một người không nghiện. Nhất định sẽ là như thế.
***
Mặt trời đỏ ngầu lừ đừ khuất sau luỹ tre cuối làng, những áng mây hồng vắt ngang qua sườn núi rồi đứt đoạn mờ dần đến cuối chân trời. Chiều dần buông xuống.
Tô lờ đờ ra về sau một ngày làm việc mệt nhọc. Hôm nay thằng phụ xây với nó nghỉ đâm ra một mình nó phải làm hai công. Tô lững thững như người hết hơi. Nó định bụng sẽ về thẳng nhà tắm rửa mát mẻ rồi đánh một bữa no nê, nhưng, trước đó Tô cần phải làm một việc quan trọng hơn cần làm: Nó phải gặp Phát Mặt Sẹo, nó phải ra khỏi băng nhóm.
….
Sào huyệt – nơi bọn Phát Mặt Sẹo tụ tập hút hít là căn nhà bỏ hoang nằm tít cuối con ngõ nhỏ gần như không ai lui tới. Một phần vì con ngõ này nồng nặc mùi nước cống, một phần vì người trong xóm coi đó như là nơi bị yểm bùa. Tô cũng không rõ lí do làm sao người trong làng lại sợ không dám vào, nó chỉ loáng thoáng thấy mấy bà bán thịt đầu chợ kể trước đó có người đã tự tử ở đây, hình như là một phụ nữ chưa chồng. Căn nhà hoang mà bọn thằng Phát tụ tập trước kia là nhà của cô gái đó. Chẳng hiểu sao từ ngày cô gái trẻ mất, đứa trẻ con nào trong xóm mà vào chơi trong ngõ này về y rằng cũng bị ốm. Ban đầu người ta nghi, sau rồi thành tin. Người lớn trong làng cấm tiệt trẻ con vào trong cái ngõ chỉ toàn tre là tre đấy. Thành thử thế lại hay, nơi đó thành bản doanh của những con nghiện trong làng, tha hồ hut hít chẳng lo phát hiện.
Mặt trời vẫn chưa tắt nắng, vậy mà cả con ngõ đã tối om, những rặng tre lờ đờ đưa đẩy che chắn hết ánh sáng. Tô hít một hơi thật sâu trước khi bước vào con ngõ ảm đạm. Con ngõ này trước đó Tô đã đi cả chục lần mà chẳng hiểu sao hôm nay tự nhiên thấy ớn lạnh. Nó băng qua những dãy tre nghiêng ngả một cách gấp gáp rồi bất ngờ khựng lại trước căn nhà đang lập loè ánh điện trước mặt.
Có ánh điện tức là có người, hôm nay bọn thằng Phát mặt Sẹo chắc tập chung hết ở đây vì bình thường ít người chúng nó chỉ thắp nến, khi có vụ gì to mới bật đèn, đó là tín hiệu riêng mà chỉ có những thằng nghiện như nó mới biết. Lẽ nào chúng nó đang bàn về vụ hôm qua ông Sáu kể – vụ thằng Kết bị bắt? Tô chắc mẩm như vậy.
Tô hít một hơi thật sâu trước cánh cửa gỗ xộc xệch. Nó đẩy khẽ.
Cánh cửa vừa mở cùng với tiếng kêu cọt kẹt thì ngay lập tức mùi thuốc quen thuộc sộc thẳng vào mũi.Cùng theo đó là khoảng hơn chục thằng nháo nhác quay ra, Tô hơi giật mình vì phản ứng thái quá của bọn đã từng một thời là chiến hữu đấy. Trong mắt chúng Tô chẳng khác gì một sinh vật lạ. Còn gì lạc lối hơn khi bước vào chỗ toàn lũ nghiện là một thằng đang cai nghiện? Tô đứng trôn chân một chỗ, cổ họng nó đã bắt đầu khô ráp ngay từ khi nó bước qua cái cửa kia rồi. Nhìn thấy Tô, thằng Phát từ trên cái bàn mé cử sổ nhảy phắt xuống, cái sẹo đỏ lại giần giật theo nhịp.
– Tô? Là thằng Tô này chúng mày.
Thằng Phát cố nói to cho cả lũ nghe thấy, hắn đập tay vào vai Tô nghe chừng thân mật lắm.
– Thế nào thằng em? Cái mồi hôm nọ thế nào? Phê chứ?
Tô ngước đôi mắt tối đen nhìn thằng Phát, nó mím môi, hít một hơi thật sâu, nói một lèo.
– Em đến đây hôm nay không phải xin thuốc. Em muốn ra khỏi băng nhóm.
Lời Tô vừa dứt, mấy chục ánh mắt của mấy con nghiện chiếu thẳng vào nó, Tô cảm giác như chúng muốn ăn tươi nuốt sống nó vậy. Tiếng thằng Cam như gọng kìm từ phía sau cửa vang lên.
– Mẹ kiếp thằng chó, trong lúc bang hội đang có nguy cơ gặp nạn, mày lại xin biến à?
– Đánh bỏ mẹ nó đi các anh em, cho nó nghỉ hơn tháng đi với lão Sáu tưởng nó tìm mối hàng ai dè nó đi cai nghiện với chuyển nghề phụ xây. Khốn nạn.
– Đại ca, để chúng em xử nó.
Cả lũ nghiện tay đứa nào cũng cầm sẵn thanh gỗ dài bằng sải tay người lớn nhao nhao tiến lại gần phía Tô, Tô không nói gì, nó ngước đôi mắt u ám nhìn thằng Phát đứng trước mặt, xem chừng đại ca Phát Mặt Sẹo của nó đang tĩnh tâm lắm.
– Chúng mày im đi!- Tiếng thằng Phát quát to làm cả lũ nghiện im phăng phắc, cái vẻ oai nghi của một thằng đại ca thể hiện ở đây.
Đoạn hắn quay sang Tô đổi giọng:
– Tô, người anh em, thú thật với chú là bang hội đang gặp khó khăn. Thằng Kết đầu dây bên kia đã bị lũ công an tóm. Mối hàng tháng này coi như đứt, mà nghe đâu lũ công an tuần tới sẽ rà soát khu vực này. Hôm nay anh em tụ tập để bàn việc đó, giờ chú lại bỏ nhóm e là khó…
Cái giọng trầm trầm như xoáy sâu vào tim gan người khác của Phát Mặt Sẹo khiến Tô có phần thấy việc mình làm là một điều ngu ngốc nhất vào lúc này. Giữa lúc chúng đang bị săn lùng mà lại xin rút chân ra thế này thì khác nào một thằng ăn trộm xong lại phủi đít đứng dậy mà hông hênh mình là thằng lương thiện?
Trong giây lát hình ảnh nụ cười ông Sáu sáng nay vụt trong tâm trí Tô, không, phải không nghiện, nhất định là thế. Tô thẳng thừng:
– Em suy nghĩ rồi, em muốn làm một thằng phụ xây.
Thằng Phát bỏ cánh tay trên vai Tô xuống, hắn nhìn Tô bằng con mắt long sòng sọc, cái nhìn của một thằng đại ca có tiếng trên giang hồ thật đáng sợ, nếu có thể dùng ánh mắt mà đánh vào mặt Tô thì có lẽ Tô nghĩ là mình đã chết ngay được từ giây phút này.
Đột nhiên hắn cười, cái tiếng cười sắc bén, kéo dài, như cứa vào da thịt người đối diện, những cái răng vàng két của hắn rung từng hồi. Thấy đại ca cười, cả lũ kia cũng đập bàn liên tục cười theo. Tô vẫn nhìn thẳng vào cái nụ cười ấy của Phát Mặt Sẹo, không do dự.
Trong giây lát tiếng cười đanh đúa ấy ngừng bặt, Phát ra hiệu cho cả đám im lặng. Cái vết nghiến hàm cộm lên thành một đường cong trên con mặt sẹo của thằng Phát thấy rõ sự tức giận của hắn. Tô nín thở, nó đứng im đợi chờ quyết định của thằng Phát.
– Thật ra là thế này Tô à .Việc chú ra khỏi bang vào lúc này cũng không phải chuyện quá khó, được, anh đồng ý. Nhưng có một việc mà chú phải làm trước khi đi.
Tô gần như không thể tin vào tai mình nữa, đại ca Phát Mặt Sẹo vẫn đứng trước mặt nó, lời nói của hắn vẫn nồng nặc mùi thuốc quanh đây. Không, đây không phải là mơ. Ánh mắt Tô rực sáng, nó cuống quýt.
– Vâng, anh cứ chỉ bảo, em sẽ hoàn thành hết mình. Em…
Tiếng của Tô bị áp đi bởi những tiếng phản đối của bọn nghiện xung quanh. Có đứa còn định nhảy hẳn vào phang vào Tô vài cú nếu như thằng Phát không ra dấu dừng lại.
– Các anh em bình tĩnh, nếu Tô đã có ý định ra khỏi nhóm thì chúng ta cũng phải cho chú ấy cơ hội chứ. Với lại chú ấy còn ở lại với chúng ta nốt hôm nay cơ mà.
Thế rồi thằng Phát Mặt Sẹo quay lại phía Tô, vẫn bằng cái giọng đều đều và những cái giật thót từ vết sẹo quen thuộc ấy.
– Tô à, có một việc mà chú phải làm là như thế này đây. Ở xóm chợ này có xuất hiện một tên tay sai cho bọn công an. Anh mới phát hiện ra từ hôm qua.Tên này tương lai sẽ là mầm mống gây hoạ cho băng nhóm, anh nghĩ …- Thằng Phát ném cái nhìn sắc bén về thằng Tô, nó đưa cái tay phải xoạch một đường ngang cổ.
Tô hiểu ám hiệu đó là gì, nó nuốt nước bọt, cái giọng đang đặc khản nay lại càng khó phát ra hơn.
– Ý anh là giết người? em em….
– Chú sao phải quan trọng hoá vấn đề nên thế, cái bàn tay bọn anh đã nhuốm hết rồi, muốn sạch tay một thời gian thôi. Còn chú, cái bàn tay này chỉ đưa thuốc, vẫn sạch sẽ lắm. Thế trước lúc ra đi không muốn giúp anh em một việc nhỏ nhoi thế sao?
– Đai ca, cái việc khử cái thằng định làm tay sai cho lũ công an ấy để chúng em, còn cái thằng chó Tô này. Hôm nay em sẽ xử nó thay đại ca.
– Đúng rồi đấy đại ca, mà nếu nó không làm thì mai anh em mình phá tan cái quán của lão Sáu, hết đường mà cai mới xây.
Tô quay sang chỗ hai thằng nghiện chạm trổ đầy mặt đang hùng hồn tuyên bố phá quán của ông Sáu, bàn tay nó nắm chặt, nó nghiến răng.
– Chúng mày dám?
– Việc đéo gì mà chúng tao không dám.
Tô tưởng như có thể lao vào hai thằng kia mà đấm vào mặt chúng nó ngay tức thì nếu như không có cái giọng của đại ca Phát vang lên.
– Hai thằng kia. Chỗ anh em bọn tao bàn việc mà dám nói trẽo vào à? Im mồm cho tao.
Rồi Phát Mặt Seọ quay sang phía Tô, dịu giọng.
– Thật ra thì bang hội cũng muốn dậy cho cái thằng đó một bài học thôi. Thằng đó mới xin một chân thông báo cho công an vào tối qua, thông tin của bang nhanh thế nào thì chú biết rồi đấy, nguy cơ là nhóm sẽ bị lộ. Nên chú muốn ra đi nhất định phải giúp nhóm việc này.
Tô nhìn chăm chăm vào cái môi đen sì của thằng Phát. Nó nhủ: Chỉ là dậy cho tên đó một bài học thôi, và rồi mình sẽ được tự do, cứ coi như là một trận đấm đá cuối vậy. Mà với cái lũ khốn nạn kia, nếu không làm lẽ nào chúng sẽ phá cái quán nước của ông Sáu?
– Vâng, em sẽ làm – Tô nhìn thẳng vào con mắt của thằng Phát.
Trông giây lát, mắt thằng Phát chợt sáng lên thấy lạ, hắn vỗ tay vào vai Tô.
– Khá lắm chú em. Thế này nhé, ngay tối hôm nay, lúc 11 giờ, chú em với thằng Cam, thằng Phước phục sẵn ở luỹ tre đầu ngõ. Chỉ cần có dấu hiệu 3 đứa sẽ tấn công ngay. Đấy, có phải chú em làm một mình đâu.
– Vậy em chỉ việc…- Tô thắc mắc.
– Đây, chú em cầm lấy con dao găm này. Hai thằng kia sẽ giữ tay, chú em đâm ở đâu là tuỳ ý, thằng đó sống chết là phụ thuộc vào tay chú em thôi.
Phát Mặt Sẹo rút trong túi quần một con dao găm. Chìa ra trước mặt Tô. Đôi bàn tay run run còn dính đầy cát và xi măng của nó đỡ lấy con dao từ tay thằng Phát.
– Vậy tốt rồi, thằng Cam với thằng Phước đâu, đi với thằng Tô. Tao nói rồi đấy, 3 đứa đứng canh ở cuối xóm, thấy đối tượng là sẽ hành xử ngay. Đi đi.
Thằng Phát vừa dứt lời, thằng Cam và thằng Phước nhảy xuống khỏi bậu cửa, chúng nó tiến tới chỗ Tô hất hàm.
– Đi thôi, điếc à?
Đại ca Phát Mặt Sẹo bên cạnh Tô nhếch môi, nó phẩy tay ra dấu Tô đi theo 2 đứa kia. Tô liếc đôi mắt như có ý tuân lệnh rồi theo dấu chân hai thằng trước đó đi ra ngoài.
***
Trong bóng tối nhập nhoạng, Tô lờ mờ thấy hai cái lưng chạm trổ xanh lét đi trước mặt, nó nắm chặt con dao trong tay, bám sát gót. Chỉ một nhát dao nhỏ thôi, chỉ là đâm một nhát dao, một nhát dao thật nhẹ . Nó không đâm vào tim, không vào cổ, không vào chỗ hiểm thì làm sao mà người ta chết được. Nó chỉ đâm sượt một phát vào tay thôi, nhẹ thôi, rồi nó sẽ được tự do, rồi nó sẽ sửa lại cái quán cho ông Sáu và rồi… nó sẽ đến gặp cái người hôm nay bị nó đâm và thành mong sự tha thứ. Nó phải là một người không nghiện. Phải như thế.
Tô giật thót quay lại căn nhà hoang vừa bước ra, nó hốt hoảng thăm dò động tĩnh trong căn nhà như tưởng rằng cái suy nghĩ táo tợn của nó bị đại ca Mặt Sẹo của nó phát hiện ra. Trong căn nhà u ám vẫn không có động tĩnh gì, Tô thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chợt nó thấy bóng dáng một bóng đen từ trong nhà lao thẳng ra ngoài, hình như là thằng Văn. Sao nó lại chạy về cuối khu xóm chợ?
– Đi nhanh lên thằng cù lơ này, mày định cố ý làm hỏng việc của đại ca à?
Tiếng thằng Cam làm Tô giật mình, nó vội ngoái lại rảo bước theo chân hai thằng trước mặt, trong lòng thấy nhấp nhổm không yên.
….
Thằng Tô, thằng Cam và thằng Phước đã đứng trong bụi cỏ lau đầu ngõ chừng 30 phút. Những con muỗi đang vo ve xung quanh không khỏi làm cho hai thằng kia cáu gắt. Bóng tối vẫn tĩnh mịch, cả không gian lặng như tờ. Tô chợt nghĩ tới ông Sáu, không biết ông đã ăn cơm chưa, có đợi cơm nó không? Thấy muộn mà nó chưa về chắc ông sẽ đi đi lại lại trước quán nước mà đợi nó như mấy lần Tô đi làm về muộn cho mà xem.
– Đến, đến rồi, chuẩn bị. Thằng Tô, mày tháo dao chưa, nhớ đâm cho trúng.
Cái đập mạnh vào lưng cùng với tiếng thì thầm của thằng Phước làm Tô giật mình, nó liếc nhìn hai thằng bên cạnh, cố thu mình như bọn chúng, tay Tô rút nhẹ con dao, nó cố căng mắt theo hướng chỉ tay của thằng Phước.
Ánh đen pin lập loè tiến lại dần, rất gần, rồi ” Phụt” Nhanh như cắt thằng Phước lao ra, nó chùm kín bao tải lên người cầm cái đèn pin chập choạng đi tới. Theo đó thằng Cam cũng lao tới. Nó dùng một tay rắn như gọng kìm bịt mồm thật chặt người trong bao taỉ, tay kia nhanh thoăn thoắt giữ chặt hai cánh tay của người kia không cho giãy giụa.
– Thằng Tô, mày muốn chết à, ra tay đi.- Tiếng thằng Phước nói như quát.
Tô lóng ngóng bước tới, toàn thân nó run cầm cập, người trong bao tải giãy giụa không ngớt, Tô nhắm mắt, đưa con dao lên cao và “phập”, một nhát dao đâm trúng bao tải. Người kia vẫn giẫy giụa, Tô thở phào, nó vứt con dao sang một bên.
– Về thôi, tao đâm rồi. Về.
Thằng Cam trong tư thế giữ tay người kia nhìn nó bằng cặp mắt lạnh sắc, tên Phước nghiến răng ken két:
– Đại ca tính đúng. Cái thằng chó má này thể nào cũng giở trò.
Nói đoạn tên Phước lôi trong người ra một con dao sáng loáng, Tô hốt hoảng chưa kịp định thần lại thì” Phập, phập” hai nhát dao rất mạnh liên tiếp đâm xuống. Máu từ trong bao tải tứa ra lênh láng, người trong bao bỗng ngừng giãy giụa hẳn. Mắt Tô như nứt ra, đôi môi mấp máy không phát ra thành lời.
– Chúng mày..mày…
Thằng Cam và thằng Phước phủi tay.
– Xong, về.
– Sao chúng mày bảo chỉ đâm, tao đâm, sao chúng mày giết..?- Tô lắp bắp.
– Sao? Lệnh đại ca như thế. Mày thích ý kiến à, hay tao cho mày chầu diêm vương với cái lão đó luôn một thể.
Thằng Phước mắt sáng quắc giơ con dao lên cao, Tô thất thần lùi lại. Bỗng từ đằng xa, thứ âm thanh ghê rợn vang lại – tiếng còi xe cảnh sát.
Thằng Cam mặt biến sắc.
– Phước, chạy. Công an. Có công an. Lão già…
Thằng Cam chưa nói hết câu thì đã bỏ chạy, theo chân nó thằng Phước cũng cuống cuồng chạy theo. Toàn thân Tô run lên bần bật, mồ hôi vã ra như tắm. Nó hết liếc nhìn cái bao đẫm máu lại nhìn về phía tiếng còi xe công an đang lao tới, Tô lùi lại, nó định lao xuống sông bơi tắt về nhà.
– Tô…Tô….
Tiếng gọi khàn khàn yếu ớt từ trong bao vọng ra làm Tô khựng lại, cái thứ tiếng khàn khàn quen thuộc như xé tan ruột gan Tô. Đầu óc nó quay cuồng, Tô điên loạn bò tới cái bao tải nhuốm đầy máu, bàn tay run run, lập cập xé toác cái bao tải.
Trời ơi. Sao ông trời có thể đùa ác với nó như thế. Người trong bao là ông Sáu.
Nước mắt nước mũi Tô thi nhau trào ra, cái môi cắn chặt bật máu, máu tứa ra khắp mồm mà chẳng còn cảm giác đau đớn. Bàn tay Tô run run đỡ đầu ông Sáu nhấc khỏi bao tải, vết thương chí mạng mà thằng Phát đâm không ngừng chảy máu. Môi ông Sáu trắng nhợt, hơi thở ông gấp gáp. Trái tim Tô đau buốt, cái mồm đẫm máu tanh túa của nó cất giọng yếu ớt.
– Ông Sáu. Ông Sáu ơi.
Ông Sáu he hé mắt nhìn Tô, những vết máu loang khắp ngực, những giọt nước mắt của thằng Tô rơi xuống không khỏi khiến ông chua xót. Ông gượng gọi.
– Tô…
– Sao ông lại tới đây? Ông tới cái ổ nghiện làm gì vậy ông?- Tô gào lên, bàn tay đẫm máu của nó nắm chặt lấy những ngón tay gầy gầy của người nằm xuống.
Ông Sáu khẽ ho, ông dồn hết hơi sức, thì thào:
-Tao nghe thằng Văn, thằng nghiện ở chỗ này nói mày đi hút lại, nên tao….Tao đi tìm mày…
Tô mếu máo, nó nấc lên từng tiếng.
– Con có hút đâu, con….
– Thế thì tốt, tao chỉ sợ mày nghiện lại…- giọng ông Sáu rất yếu – Tao biết thế nào cũng xảy ra chuyện nên có gọi công an tới, tao định làm người tình báo cho công an từ hôm qua đấy, phá triệt cái ổ nghiện đi, mày cũng thảnh thơi mà sống.
– Ông Sáu ông đừng nói nữa, ông mệt rồi, con đưa ông tới bệnh viện. Nhanh lắm, con cõng ông.
Tô cố dùng sức lực cuối cùng vực ông Sáu dậy, nhưng cánh tay ông Sáu kéo nhẹ Tô xuống.
– Chắc tao không qua nổi đâu….Mày nghe tao, về cái quán của tao đấy mà sống. Đừng đánh nhau với bọn thằng Phát, công an biết hết đâý. Nghe tao: Dù xã hội này có bất công với mày, có kì thị với những đứa đang muốn hoàn lương thì mày vẫn phải sống. Quá khứ của mày không quyết định tương lai của mày. Nghe tao…
Tiếng ông Sáu nhỏ dần, nhỏ dần và mất hẳn. Bàn tay lạnh cóng của ông nhẹ buông khỏi vai Tô. Tô vội lau giọt nước mắt đang trào ra từ khoé mắt của ông Sáu, nó lay ông.
– Ông Sáu ơi, ông ngủ à?
Ông Sáu vẫn nằm bất động, những vệt máu vẫn tứa ra từng dòng. Như chợt nhận ra điều gì, Tô gào lên.
– Ông ơi, ông ơi. Con có lỗi với ông, về với con đi….Ông ơi….
…
Tiếng kêu khóc não nề của một đứa trẻ nào đó khiến cả xóm tỉnh giấc. Những ánh đèn trong khu xóm trợ lác đác bật. Tiếng chó sủa gần xa khắp xóm. Chẳng hiểu sao hôm nay lắm đom đóm đến vậy, chúng bay đầy quanh con sông nhỏ, lấp lánh từng đàn.