Sau sinh, “xuống cấp” đủ bề

0
183

Sau sinh, nhiều sản phụ đã phải khóc thầm không chỉ do đau hậu sản, mà còn vì choáng váng bởi ngoại hình bị biến đổi quá mức… mong muốn.

Mang thai, sinh nở là giai đoạn cơ thể người phụ nữ phải chịu nhiều thay đổi lớn, từ việc tăng trọng để đảm bảosự phát triển của thai nhi, tích lũy mỡ chuẩn bị lượng sữa dồi dào mà bé sẽ bú sau này … cho đến các cơ, dây chằng trở nên lỏng và giãn ra để thai nhi dễ dàng chào đời qua đường âm đạo v.v…

Những biến đổi lớn của cơ thể trong suốt 9 tháng dài thai nghén sẽ không dễ gì khôi phục nhanh chóng “một sớm một chiều” ngay sau khi sinh bé. Thậm chí đến mấy năm sau, dấu tích của lần mang thai vẫn còn hiện diện qua chiếc bụng bị sổ, hay bầu ngực không còn săn chắc như thời con gái… Ngoài ra, sức khỏe cơ thể giảm sút không những ảnh hưởng xấu đến dáng vẻ bề ngoài, chúng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của những chị em vừa mới lên chức mẹ.

1. Khốn đốn với bệnh sau sinh

Sau sinh, "xuống cấp" đủ bề 1
  

Dù choáng ngợp với hạnh phúc được ôm ấp thiên thần nhỏ, các mẹ vẫn phải đối diện với hàng loạt vấn đề khó chịu nảy sinh do cơ quan trong cơ thể bị “xuống cấp” sau sinh (hình minh họa)

Sau khi sinh bé, cơ thể người mẹ bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục, đồng thời lượng nội tiết tố rất lớn lúc mang thai cũng sẽ bị mất đi trong thời gian ngắn. Điều này đồng nghĩa sức sống giảm đi, gây cho người mẹ tình trạng mệt mỏi kéo dài, cộng với các di chứng sau quá trình vượt cạn dài, vất vả có thể dẫn đến nhiều căn bệnh hậu sản.

Chân, tay … bị sưng tấy, phù nề

Bài liên quan:

Mẹ Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng không yên vì chỉ 3 ngày sau sinh, bàn chân chị bắt đầu ngứa ngáy và to dần lên. “Sáng vừa ngủ dậy, bước xuống giường là em choáng váng vì chân mình đã đồ sộ như bàn chân voi”, bà mẹ trẻ lo lắng chia sẻ trên 1 diễn đàn mẹ và bé. Tuy vậy, mẹ Mai và những sản phụ khác nên biết rằng, tình trạng sưng, phù nề này là hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại. Nguyên nhân là do các chất lỏng dư thừa trong cơ thể được sử dụng trong thai kỳ bị ứ lại sau khi sinh bé, chỉ có 1 phần nhỏ chất lỏng được chuyển ra ngoài trong quá trình vượt cạn. Các chất lỏng còn sót lại có khuynh hướng dồn ứ ở bàn chân, tay, mặt, bụng v.v… gây sưng tấy, ngứa ngáy và thậm chí 1 số sản phụ còn cảm nhận được mùi hôi phát ra ở khu vực sưng. Thêm vào đó, chế độ ăn quá nhiều muối, tinh bột, đường có thể làm cho tình trạng này thêm trầm trọng.

Thông thường, khoảng từ 7 – 10 ngày, các triệu chứng sưng tấy sẽ dần giảm bớt. Trong thời gian này, để tránh cảm giác ngứa ngáy, đau đớn, các mẹ nên mang giày rộng, thoải mái và thoáng khí. Đồng thời cắt giảm muối, tinh bột, đường trong khẩu phần ăn, uống nhiều nước , siêng vận động để ra mồ hôi giúp thải độc cũng như bài tiết các chất dịch ra khỏi cơ thể.

Ngực cứng như “đá”

Vài ngày sau sinh, hầu như mẹ nào cũng nhận ra bộ ngực của mình không chỉ to hơn mà còn có thể bị căng cứng như đá. Vú bị căng sữa khi sữa tiết ra kéo theo một lượng máu đáng kể cũng chảy đến khu vực này. Trong khi một số sản phụ chỉ thấy đôi chút khó chịu, thì nhiều chị em lại có thể bị căng tức, đau nhức ở 2 bên ngực. Tình trạng này thường giảm đi khi các mẹ cho bé bú. Tuy nhiên, nếu vú vẫn không hết căng cứng, sưng tấy sau khi bé tu ti, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ, vì đây là một trong những dấu hiệu cho thấy mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng vú.

Sau sinh, "xuống cấp" đủ bề 2
Cho bé bú làm giảm và ngăn ngừa tình trạng ứ đọng sữa gây sưng nhức, khó chịu (hình minh họa)

Táo bón và bệnh trĩ

Các mẹ đừng nghĩ rằng táo bón và bệnh trĩ chỉ có nguy cơ hành hạ mình trong giai đoạn bầu bí, vì trên thực tế, nhiều chị em đã phải khóc ròng vì mắc phải 2 căn bệnh khó chịu này sau khi sinh bé. Nguyên nhân gây nên táo bón sau sinh thường là do qua quá trình vượt cạn, các cơ bụng bị căng và giãn ra, làm cho sự co bóp của ruột cũng giảm đi. Vết cắt tầng sinh môn cũng là 1 trong những lý do gây nên tình trạng táo bón, bởi nhiều mẹ sẽ nín nhịn khi có cảm giác muốn đi toilet một cách có hoặc không có ý thức vì sợ đau. Để ngăn ngừa táo bón, nên bổ sung những loại thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây, uống nhiều nước và tăng cường vận động ngay khi có thể.

Không chỉ khốn khổ vì bị táo bón, nhiều mẹ còn mắc phải bệnh trĩ. Mẹ Linh (Gò Dầu, Tây Ninh) đã không may vướng vào căn bệnh gây đau đớn và khó chịu này từ khi sinh bé Bon. “Em rất sợ mỗi lần đi vệ sinh, vì vừa khổ do táo bón, các vết sưng phồng ở hậu môn còn làm em đau chết đi được. Nhưng do bệnh này khá tế nhị nên em ngại nói với mẹ chồng và anh xã, kết quả là bệnh tình ngày càng nặng, buộc phải lếch thếch cùng chồng đến bệnh viện”. Theo thống kê, có đến 50% sản phụ mắc bệnh trĩ sau sinh, do trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, các tĩnh mạch ở vùng đáy chậu bị căng kéo quá mức làm xuất hiện các vết sưng phồng ở hậu môn. Khi phát hiện tình trạng này, sản phụ nên đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn biến nặng hơn.

2. Vùng kín “xuống cấp”: Nỗi buồn khó kể cùng ai

Với các mẹ sinh thường, quá trình rặn đẻ có thể làm xây xước hoặc tổn thương vùng âm hộ, âm đạo, hoặc bé quá to làm cho vùng này bị nới rộng ra v.v…, từ đó dẫn đến hàng loạt rắc rối “khó nói” ở khu vực tế nhị này.

Chứng són tiểu sau sinh

Són tiểu, hay tiểu không tự chủ, đã gây không ít khó khăn cho hơn 30% chị em sản phụ. Chỉ cần 1 cái hắt xì, 1 cơn ho, hay 1 trận cười, các chị đã bị … tiểu ra quần, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Có mẹ đã phải mang tã khi ra đường vì không thể kiểm soát được tình trạng vệ sinh của mình. Són tiểu còn làm cho chị em luôn hoang mang, lo lắng, xấu hổ và mất tự tin, vì vậy căn bệnh cần được can thiệp nhanh chóng và kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu không tự chủ sau sinh thường do sau quá trình gắng sức để vượt cạn, các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo sản phụ trở nên yếu, từ đó khó kiểm soát được việc tiểu tiện. Triệu chứng này có thể khỏi sau 3 – 6 tháng, nhưng nhiều trường hợp đến hàng mấy năm sau người mẹ vẫn chưa kiểm soát được việc đi tiểu như trước khi sinh bé.

Sau sinh, "xuống cấp" đủ bề 3
Khoảng 50% chị em đã từng sinh nở sẽ phải đối diện với nguy cơ mắc phải triệu chứng sa sinh dục (hình minh họa)

Sa sinh dục (sa tử cung)

Không bị chứng són tiểu hành hạ như các mẹ khác, nhưng chị Hằng (Bình Tân, TP HCM) lại luôn cảm thấy hơi nặng và tức ở vùng bụng, kèm theo đó, chị hay bị mót tiểu, khó tiểu tiện và đau trong sinh hoạt vợ chồng từ sau khi sinh bé Tin. Đi khám tại bệnh viện, bà mẹ 1 con này ngỡ ngàng khi bác sĩ chuẩn đoán chị bị mắc chứng sa sinh dục, mà cụ thể là sa tử cung ở cấp độ nhẹ.

Sa sinh dục, chủ yếu là sa tử cung, là tình trạng “xuống cấp” vùng kín thường gặp ở khoảng 50% chị em đã sinh từ 1 con trở lên, được phân chia thành 3 mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, tử cung bị kéo giãn, chùng xuống thấp hơn một chút so với vị trí ban đầu nhưng vẫn nằm trong âm đạo. Nặng hơn là khi tử cung bị giãn, sệ xuống khe hở âm đạo, làm cho mỗi lần đi vệ sinh hoặc ngồi xổm, mang vác nặng, 1 phần tử cung sẽ bị đẩy ra ngoài. Mức độ nặng nhất của sa tử cung là toàn bộ tử cung sẽ “chảy” hết ra ngoài âm đạo, đến nỗi có thể nhìn, sờ thấy 1 khối thịt tròn cỡ nắm tay, và thường kèm theo viêm tấy ở vùng kín.

Nguyên nhân là do bầu bí sẽ làm cho các mô trong ổ bụng bị căng giãn, khi sinh nở, rặn đẻ để đẩy em bé ra ngoài, bụng phải co bóp, căng giãn làm tổn thương, gây rách v.v… một số bộ phận dẫn đến việc bị sa sinh dục, sa tử cung sau đó. Bệnh dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại làm phiền toái, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, nhất là vì tâm lý xấu hổ, ngại đi khám để khi bệnh nặng chị em mới đến bác sĩ nên việc điều trị vừa lâu lành vừa phải can thiệp mạnh hơn bằng phẫu thuật. Bệnh có thể ngăn ngừa được thông qua việc duy trì cân nặng hợp lý trước và trong thai kỳ, ăn nhiều rau quả, tránh bê vác nặng, thường xuyên thực hành các bài tập tăng sức bền cho cơ đáy chậu v.v….

Sau sinh, "xuống cấp" đủ bề 4
Nhiều chị em đã phải dùng đến thủ thuật thu nhỏ vùng kín để cải thiện chất lượng cuộc yêu sau sinh nở (hình minh họa)

Vùng kín bị giãn rộng

Kết cấu đặc thù giúp âm đạo có thể giãn nở như 1 sợi dây chun. Ở trạng thái bình thường, âm đạo chỉ khoảng 1,5cm, khi kích thích có thể giãn tới 3cm. Đến khi vượt cạn, để em bé dễ dàng chào đời, âm đạo có thể mở rộng lên đến 10cm. Do khi sinh bị giãn nở quá nhiều, nhất là trong trường hợp sinh khó, kéo dài, hay em bé quá to, nên sau đó âm đạo khó hồi phục lại trạng thái ban đầu. Có nhiều trường hợp âm đạo bị giãn nở quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ vợ chồng, làm chị em kém tự tin và lo lắng chồng sẽ chán mà “lập phòng nhì”. Vùng kín bị giãn rộng còn gây nguy cơ bị tiểu són hoặc tăng khả năng viêm nhiễm phụ khoa. Trong trường hợp này, chị em thường được khuyên nên tập các bài tập Kegel giúp tăng cường sự chắc khỏe của các cơ vùng đáy chậu, góp phần thu nhỏ âm đạo v.v… Nếu vẫn không phục hồi được trạng thái cũ, phẫu thuật thu hẹp vùng kín sẽ là lựa chọn chị em có thể cân nhắc thực hiện, vì tỷ lệ thành công cao trong khi thủ thuật lại đơn giản, ít biến chứng.

3. Khổ vì ngoại hình “xập xệ”

Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu phải tăng trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi, kéo theo số đo 3 vòng cũng không ngừng gia tăng: bầu ngực “đồ sộ” hơn nhằm chuẩn bị sữa cho bé bú sau này, vùng eo “biến mất” để nhường chỗ cho chiếc bụng bầu to kềnh v.v… Trải qua quá nhiều biến động suốt hơn 9 tháng dài bầu bí, nên dễ hiểu vì sao khi sinh bé xong, số đo cả 3 vòng trên cơ thể người phụ nữ khó có thể trở về hình dạng ban đầu. Và vì thế, thất vọng khi ngắm lại hình ảnh mình trong gương là điều hay gặp nhất ở hầu hết chị em sản phụ.

Vòng 1 “bèo nhèo”

Có đến 45% phụ nữ sau sinh ngực sẽ có xu hướng bị teo nhỏ, chùng nhão và chảy xệ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do ngực chỉ bao gồm các mô mỡ, không có các cơ bắp và dây chằng nên khi cho bé bú không đúng cách, do chế độ dinh dưỡng kém sau sinh, vú quá căng sau cai sữa bé làm cho toàn bộ bầu ngực bị biến dạng v.v…, từ đó ngực khó lấy lại hình dạng cũ. Để phần nào hạn chế tình trạng này, các mẹ nên cho bé bú đúng cách, chọn áo ngực phù hợp, có kế hoạch giảm cân từ từ, áp dụng chế độ ăn cung cấp nhiều estrogen như dùng sữa đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành, các loại thực phẩm giúp tăng độ đàn hồi cho da như ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, dầu ô liu, trái cây tươi v.v….

Sau sinh, "xuống cấp" đủ bề 5
Vòng 2, vòng 3 ngoại cỡ, chảy xệ là nỗi buồn của số đông chị em sản phụ (hình minh họa)

Vòng 2, vòng 3 quá cỡ, “sồ sề”

Khi mang thai, cơ thể chị em có xu hướng tích mỡ ở những vùng như bụng, đùi, eo, mông. Sau sinh, hay sau cai sữa, trong khi 1 số chị em nhanh chóng lấy lại vóc dáng cũ thì vẫn có không ít người vẫn phải khổ sở với vòng eo “bánh mì” cùng vòng 3 ngoại khổ. Nhiều chị em còn phiền lòng vì những đường chỉ đen giữa bụng, vết rạn da hay sẹo mổ vẫn không phai dù sinh bé đã lâu. Tuy vậy, các mẹ đừng quá nôn nóng áp dụng đủ mọi cách giảm cân để lấy lại vóc dáng như ý, vì giảm cân quá đột ngột, nhất là trong giai đoạn cho con bú không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến mẹ mà còn tác động xấu đến bé yêu của bạn. Thay vào đó, hãy cho bé bú nhiều hơn, ăn các thức ăn giàu chất xơ, ngũ cốc, các sản phẩm sữa ít béo, nhiều protein như thịt nạc, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc và siêng tập luyện, vận động …, bạn sẽ thấy số đo các vòng nhanh hồi phục hơn.
 

Khampha