Các nhà khoa học đã đưa ra một vài lời giải cho câu hỏi, Trái đất của chúng ta sẽ biến đổi thế nào nếu người ngoài hành tinh tồn tại?
Không
thể phủ nhận rằng, nền công nghiệp khoa học vũ trụ của loài người đã có
những tiến bộ vượt bậc so với thủa sơ khai, nhưng cho đến nay, vẫn chưa
có phát hiện nào về một nền văn minh khác trong vũ trụ.
Mới đây, Seth Shostak – nhà thiên văn
học hàng đầu thuộc Viện SETI, California (Search for Extraterrestrial
Intelligence – Tìm kiếm Sinh vật Thông minh ngoài Trái đất) khẳng định
sẽ tìm ra bằng chứng về người ngoài hành tinh trước năm 2040, nhờ vào
các tín hiệu điện từ và vô tuyến trong không gian.
Không chắc tuyên bố của ông có thành
hiện thực, nhưng đã có câu hỏi đặt ra là: nếu có bằng chứng tuyệt đối về
sự sống bên ngoài Trái đất thì hành tinh của loài người sẽ thay đổi như
thế nào? Hãy cùng đến với lời giải đáp của một số nhà nghiên cứu.
Từ những giả thiết ban đầu
Các nhà nghiên cứu khi bước vào giải đáp
điều này đã đặt ra các giả định. Đầu tiên, phát hiện mang tầm vóc lịch
sử này sẽ được khám phá vào tương lai gần. Tiếp đó, loài người chỉ có
thể giao tiếp với các vị khách từ vũ trụ bằng những tín hiệu điện từ. Và
cuối cùng, nền văn minh ngoài Trái đất sẽ chỉ thấp hơn hoặc ngang ngửa,
hoặc không vượt quá xa so với loài người.
… đến những tác động lớn hơn…
Milan Cirkovic – một trợ lý nghiên cứu tại Đài quan sát Belgrade, đồng thời cũng là một chuyên gia tại viện SETI phát biểu: “Nhiều người cho rằng, những tín hiệu bên ngoài Trái đất sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến nhân loại”.
Nhưng theo ông, dựa trên lý thuyết của
nhà thiên văn học Carl Sagan (1934- 1996), việc phát hiện ra bằng chứng
về một giống loài khác trong vũ trụ sẽ có những tác động rất lớn đến
nhân loại.
Nó ảnh hưởng cụ thể trong nhiều lĩnh vực khoa học và cả thuyết “loài người là trung tâm”- anthropocentrism.
Carl Sagan từng đề cập, những tín hiệu về sự sống ngoài hành tinh sẽ là
một sự cổ vũ rất lớn dành cho ngành khoa học vũ trụ, cả trong nghiên
cứu lẫn các dự án cư trú ngoài không gian.
Tuy nhiên, giả thuyết này được Sagan đưa
ra vào thế kỷ trước không khiến nhiều người để tâm. Nhưng vào thời điểm
hiện nay, khi khoa học đã phát triển vượt bậc, các nhà nghiên cứu háo
hức tìm tòi và thấy phấn khích, mong muốn được khám phá vũ trụ để gặp
“vị hàng xóm” này.
Cirkovic dự đoán, nếu điều này thành
hiện thực, sẽ có khoảng một nửa số ngành khoa học hiện nay trở nên sai
lệch nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ý kiến phản bác lại rằng, loài
người nên cố thủ, tìm cách trốn chạy, thay vì ra sức đi tìm những mối
nguy hiểm tiềm năng bên ngoài vũ trụ. Thậm chí, một số còn nói, loài
người cần vũ khí để chống lại sự đe dọa từ người ngoài hành tinh.
Và những ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển của hành tinh
Vậy liệu việc tìm ra “sinh vật thông minh ngoài Trái đất”
sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của các nền văn minh? Ông
Cirkovic cho biết, nhà thiên văn học Sagan đã chỉ ra những tác nhân từ
bất kỳ nền văn minh nào trong thủa sơ khai.
Sagan cho rằng, bất kỳ nền văn minh nào
cũng có môi trường tương tác với vũ trụ (nhìn thấy sao trời, nhìn thấy
các vật thể trong vũ trụ), đều sẽ có ham muốn tìm hiểu, khám phá về nó.
Nhưng cũng có thể có ngoại lệ, nếu như một loài tiến hóa trong môi
trường hoàn toàn khác biệt – như Sao Mộc, với bầu khí quyển lớn nhất
trong Hệ Mặt trời nhưng mờ mịt, không thể thấy vũ trụ – thì sẽ ít hứng
thú với những thứ xung quanh hành tinh của họ.
Theo Milan Cirkovic, nếu giả thuyết của
Sagan đúng, việc phát hiện ra nền văn minh ngoài Trái đất vào giai đoạn
này sẽ là một điều tuyệt vời. Ngoài những tác động đến việc phát triển
khoa học, công nghệ vũ trụ, nó còn đem lại động lực cho các khoa học gia
trong việc khám phá và chinh phục không gian.
Và thậm chí, người ngoài hành tinh có
thể kích động những thay đổi về văn hóa và chính trị, thành lập các đảng
phái, hay cho ra đời một số tôn giáo mới, hoặc làm biến mất một số tôn
giáo hiện thời.
Cũng có một khả năng là sẽ chẳng có gì
thay đổi cả. Những tín hiệu bên ngoài Trái đất sẽ chẳng đem lại điều gì
khác biệt khi các nhà khoa học hay chính trị gia… giấu biệt nó khỏi
người dân.
Tuy nhiên, khả năng tồi tệ nhất xảy ra,
đó là có thể dẫn đến sự cuồng loạn và hoang tưởng trong xã hội. Hoặc trớ
trêu hơn, việc tìm thấy một nền văn minh tương đương với nhân loại có
thể trở thành nền tảng cho thuyết “đại chọn lọc” trong Nghịch lý Fermi
phát triển.
Nghịch lý này đề cập đến việc các nền
văn minh tự động tìm rồi tự diệt lẫn nhau, dẫn đến sự suy vong của toàn
vũ trụ. Và biết đâu, chính điều này có thể khiến các khoa học gia chùn
bước khi muốn hướng đến một tương lai xa hơn, nơi loài người chinh phục
khắp vũ trụ.
Bảo Nhiên