Vào cuối tuần thứ 6 trong thời kỳ bào thai, tổ chức ngoại bì dày lên dọc theo hai đường đối xứng nhau chạy từ nách đến bẹn ở mặt trước bên của cơ thể và tạo thành hai “đường sữa”: các tế bào biểu mô của ngoại bì ở hai “đường sữa” này có thể đi sâu vào tổ chức trung mô nằm dưới nó để phát triển thành tuyến vú. Bình thường hiện tượng trên chỉ xảy ra ở một vị trí duy nhất trên mỗi “đường sữa” đó để tạo thành hai tuyến vú đối xứng nhau, phần còn lại của “đường sữa” sẽ thoái triển .
Trong một số trường hợp, hiện tượng trên xảy ra ở nhiều chỗ khác nhau trên “đường sữa” và do đó dẫn tới tật có nhiều tuyến vú: ngoài hai tuyến vú chính nằm ở vị trí thông thường, còn có nhiều tuyến vú phụ (thường nhỏ và phát triển không đầy đủ) nằm dọc theo các “đường sữa” ở hai mặt trước-bên của cơ thể.
– Tuyến vú phụ: là các tuyến vú nhỏ và thường phát triển không đầy đủ nằm dọc theo các “đường sữa”.
– Tuyến vú lạc chỗ: là các tuyến vú phát triển ở những vị trí khác trên cơ thể (lưng, đùi…).
Triệu chứng
Thường tình cờ phát hiện ra vì bệnh nhân ít chú ý tới.
+ Có thể có cảm giác đau, tức…(giống như ở tuyến vú chính) trước các kỳ kinh nguyệt. Khi đẻ và cho con bú có thể thấy các tuyến vú phụ cũng căng to, đau và tiết sữa.
+Triệu chứng cơ bản để xác định tuyến vú phụ là:
– Có núm vú: các tuyến vú phụ có thể to nhỏ khác nhau phụ thuộc vào số lượng tổ chức biểu mô tuyến có trong nó (có khi hầu như không xác định được tổ chức tuyến vú trên lâm sàng) nhưng thường phải có núm vú dưới dạng một đốm tròn nhỏ sẫm màu, nổi trên mặt da.
– Vị trí: nằm trên “đường sữa” và thường đối xứng nhau rất rõ ràng.
Điều trị:
Có chỉ định mổ cắt bỏ các tuyến vú phụ vì:
+ Có ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.
+ Gây những khó chịu nhất định cho bệnh nhân: đau theo kỳ kinh, có thể bị các bệnh lý khác giống như các tuyến vú thông thường (viêm, ung thư…).
+ Cắt bỏ tuyến vú phụ không hại gì đến sức khỏe nói chung.
Theo NTD