Nguyên nhân
– Do hoạt động của buồng trứng chưa đi vào ổn định. Bên cạnh đó còn do rối loạn điều hòa hoóc môn ở vùng dưới đồi – tuyến yên và từ đó ảnh hưởng đến hoóc môn của buồng trứng do cơ thể đang ở giai đoạn trưởng thành.
– Thường xảy ra ở các chu kỳ không có phóng noãn, không có hoàng thể và không chế tiết progesteron – một yếu tố cần thiết giúp nội mạc tử cung bong gọn và triệt để, không bị rong kinh.
Triệu chứng
Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh có thể nhiều hoặc ít. Bình thường trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt các bé gái bị mất 40 – 60ml máu nhưng khi bị rong kinh thì lượng máu mất đi có thể vượt quá 80ml.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Điều trị
Phương pháp điều trị bệnh rong kinh ở tuổi dậy thì chủ yếu là dùng thuốc co tử cung và hormon. Để lựa chọn cách điều trị bệnh rong kinh hiệu quả bệnh nhân cần đi khám để bác sĩ căn cứ vào mức độ bị rong kinh ở cấp độ nào.
– Nếu ở mức độ nhẹ và không thiếu máu thì không cần phải điều trị. Cơ thể người bệnh sẽ nhanh chóng trở về trạng thái cân bằng.
– Nếu máu ra ít nhưng thiếu máu: Uống viên ngừa thai để điều chỉnh hàm lượng estrogen và progesteron theo chỉ định của bác sĩ trong cơ thể để chúng trở về mức cân bằng. Bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị bệnh rong kinh này trong ít nhất 3 tháng trước khi chuyển sang các biện pháp điều trị khác.
– Nếu ra máu nhiều và thiếu máu: Uống thuốc ngừa thai nhưng với liều lượng gấp đôi, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Ngoài ra, các bạn gái nên có chế độ ăn uống với các thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc, gan, trái cây,… để khắc phục tình trạng thiếu máu những ngày hành kinh.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Nếu bệnh rong kinh ở mức độ nặng thì việc điều trị sẽ bao gồm thuốc tăng co tử cung và thuốc nội tiết như estrogen hoặc estradiol, loại thuốc này có tác dụng làm ngừng sự chảy máu cấp tính và cũng là góp phần điều trị rong kinh khá hiệu quả.
Lưu ý: Mọi việc sử dụng thuốc chữa bệnh rong kinh cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Phụ huynh nên khuyến khích hoặc đưa con đi khám phụ khoa định kỳ để theo theo dõi tình hình kinh nguyệt cũng như sức khỏe phụ khoa của con gái trong độ tuổi dậy thì.
Biến chứng
Rong kinh tuổi dậy thì ngoài gây ra những nỗi lo về mặt tâm lý mỗi khi đến kỳ kinh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị.
– Rong kinh kéo dài gây nên tình trạng thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, hoạt động thể lực kém, chóng mặt, nhức đầu,…
– Rong kinh còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục
Vì tâm lý e ngại nên nhiều bạn gái đã không nói tình trạng của mình cho người lớn biết. Việc điều trị rong kinh cần càng sớm càng tốt. Nếu để kéo dài nhiều tháng nhiều năm dẫn đến thiếu máu nặng mới đi khám thì kết quả điều trị rất thấp – vùng dưới đồi sẽ bị tổn thương khó hồi phục dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần, trong tương lai hay bị vô sinh do khó hoặc không phóng noãn.
Theo NTD