Chị em ở trong độ tuổi sinh sản thường bao giờ cũng quan tâm đến chu kỳ kinh nguyệt của mình. Vì thế những thay đổi bất thường về ngày kinh và lượng kinh nguyệt sẽ làm cho chị em lo lắng. Và có một số những trường hợp bất thường về ngày kinh và vòng kinh mà chị em cần lưu ý theo dõi và đi khám sớm để được điều trị tránh việc ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của mình.
Bất thường về ngày kinh
Kinh ngắn: là khi hành kinh dưới 2 ngày, biểu hiện sự hoạt động nội tiết liên quan đến tuyến yên, buồng trứng không phóng noãn hay hoàng thể kém.
Rong kinh: là hành kinh kéo dài trên 7 ngày. Nguyên nhân có thể là:
– Do các bệnh nội khoa làm suy giảm đến chức năng đông máu, chẩy máu như rối loạn chức năng gan, các yếu tố đông máu, bệnh về máu như suy tủy…
– Các bệnh phụ khoa như u xơ TC, viêm niêm mạc TC.
– Nguyên nhân do không phóng noãn kéo dài hàng tháng, hàng năm làm cho niêm mạc tử cung bong chậm và bong không đều.
Rong kinh thường gặp ở giai đoạn dậy thì (gọi là rong kinh tuổi trẻ) Và tiền mãn kinh (gọi là rong kinh tiền mãn kinh): Rong kinh tuổi trẻ hay còn gọi là rong kinh tuổi dậy thì là do sự chưa chín muồi của vùng dưới đồi – tuyến yên, hormon hướng sinh dục tiết không đầy đủ nên nang noãn không chín và không gây rụng trứng được sẽ gây khó có thai. Rong kinh tiền mãn kinh xẩy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh là do buồng trứng không đáp ứng tốt với hormon hướng sinh dục như trước nên các nang noãn không chín và không phóng noãn.
Bất thường về lượng máu kinh nguyệt
– Kinh nhiều: Là khi lượng huyết kinh mất hơn 200ml trong kỳ hành kinh.
– Băng kinh: là hiện tượng huyết kinh ra rất nhiều, mất khoảng trêm 300ml, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người PN gây hoa mắt, chóng mặt thiếu máu, nguyên nhân là do TC co bóp kém hay u xơ Tc đặc biệt là loại u xơ dưới niêm mạc gây cản trở co bóp nên mất máu nhiều.
– Kinh ít: là lượng kinh ra không đáng kể, có khi không cần phải dùng băng vệ sinh. Nguyên nhân là do niêm mạc TC không phát triển tốt gây khó khăn cho phôi làm tổ.
– Hội chứng tiền kinh (những triệu chứng có thể có trước khi thấy kinh): là tình trạng căng nặng bụng trước khi hành kinh như có cảm giác phù nề, căng nặng khó chịu ở bộ phận sinh dục và ở các cơ quan khác của cơ thể, tinh thần bức rứt, không thoải mái, nguyên nhân là do tăng nồng độ estrogen hay giảm tác dụng của progesteron.
– Thống kinh: là hiện tượng đau bụng trước, trong hoặc sau khi hành kinh. có những trường hợp không đau bụng mà lại có thể đau ở hai đùi hay ở ngực.
+ Thống kinh nguyên phát (xuất hiện đau bụng ngay từ lần có kinh đầu tiên) thường xẩy ra sớm 6 -7 tháng sau lần hành kinh đầu tiên. Nguyên nhân thường là tâm lý do quá sợ hãi, ngưỡng đau thấp. Điều trị chủ yếu là tâm lý liệu pháp, các thuốc giảm co bóp và giảm đau.
+ Thống kinh thứ phát (xuất hiện muộn sau 1 thòi gian kinh nguyệt bình thường): ít gặp hơn, có thể do thay đổi tư thế TC nhưng hay gặp là u xơ TC hay là lạc nội mạc TC. ĐIều trị phải theo nguyên nhân và kèm thuốc giảm đau như thống kinh nguyên phát.
Tóm lại: Tất cả những bất thường trên về ngày kinh và lượng kinh có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe sinh sản vì thế nên chị em cần chú ý và cần đi khám sớm. Từ đó bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị hiệu quả và kịp thời.
Những bất thường về ngày kinh và lượng máu kinh khiến chị em lo lắng
Theo NTD