Bé nổi nhiều vết ban đỏ sau uống thuốc có phải bị sởi?

0
1904

Thưa bác sĩ,

Cháu nhà em bị chảy nước mũi, sau đó ho. Em cho uống thuốc đờm, tiêu mũi cùng siro ho 2 ngày thì khỏi nhưng lại chuyển sang sốt. Đến ngày thứ 2 thì em cho cháu đi khám, BS bảo cháu bị Viêm A cấp và kê thuốc. Em cho cháu uống thuốc đến ngày thứ 2 thì không thấy sốt nữa nhưng thấy xuất hiện rất nhiều vết ban đỏ nổi lên rồi lan dần khắp người. Cháu không bị đỏ mắt hay sốt nữa. Em không biết là cháu có phải bị sởi không ạ? Xin BS tư vấn giúp! – (Hoài Thanh – lehoai…@yahoo.com)

Bạn Hoài Thanh thân mến,
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính. Nguyên nhân gây bệnh là virus sởi (loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae), đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát – sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.

Bệnh có các giai đoạn sau và triệu chứng sau:

Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài từ 10 đến 12 ngày (từ khi trẻ bị nhiễm virus sởi đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên), không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh.

Giai đoạn khởi phát (thời kỳ viêm long): kéo dài 3 đến 5 ngày có đặc trưng:

– Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC đến 40oC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp.

– “Viêm long” (giống như cảm cúm): thường xảy ra ở mắt và mũi, gây chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.

Giai đoạn toàn phát (thời kỳ phát ban): Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

Giai đoạn phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da loang lỗ như da cọp nên được gọi là “vết vằn da hổ”

Như vậy con bạn bị sốt phát ban nhưng không phải do sởi.

Bạn hãy lưu ý, sau những đợt  sốt phát ban (có thể do sởi hay không do sởi), sức đề kháng của cháu bị suy giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm vi trùng như hô hấp trên, hô hấp dưới, đường ruột, não… nên bé cần được giữ ấm, bồi dưỡng, ăn uống đầy đủ, luôn vệ sinh thân thể sạch sẽ (không được kiêng tắm nhé). Bạn nhớ cho cháu tiêm phòng theo lịch tiêm chủng và theo dõi sức khỏe định kỳ nhé!

Hồng Sơn