Sau Tết, tôi có việc ra ngân hàng giao dịch, Khi đó, một phụ nữ gầy gò, ăn mặc tuềnh toàng đến đứng cạnh tôi và thì thào với nhân viên ngân hàng: “Cho em hỏi lãi suất để gửi 15 tỷ”. Mấy phụ nữ trong phòng đều sững sờ.
Lúc vào, người phụ nữ đó rụt rè nhìn quanh. Chị lí nhí hỏi lãi suất bao nhiêu để chị gửi tiền. Cô nhân viên ngân hàng hỏi nửa mặn nửa nhạt: “Chị gửi bao nhiêu?”. Người phụ nữ ấy nhìn quanh rồi thì thào: “Cho em gửi 15 tỷ”. Tôi nghe rõ nhưng cứ nghĩ mình nghe nhầm. Ngay cô nhân viên ngân hàng cũng phải hỏi lại: “Chị có bao nhiêu tiền?”. Dường như nhìn quanh chỉ có 3-4 người phụ nữ, chị ấy vượt qua được sự rụt rè, sợ hãi nên dõng dạc: “Em gửi 15 tỷ. Gửi 13 tháng luôn”.
20 năm coi chồng là trụ cột gia đình, đến ngày chị chua xót nhận ra, anh ta chỉ là cọng rơm mục (Ảnh minh họa IT)
Tôi giật mình nhìn lại. Người đàn bà đó chừng 40 tuổi, nhưng nét mặt khắc khổ, dáng người nhỏ thó trong bộ quần áo rộng thùng thình, cũ kỹ, mái tóc thẳng buộc vội bằng chiếc nịt buộc hàng. Thế nhưng chị ấy có tận 15 tỷ để gửi ngân hàng “cả cục”. Thật sự phải “lau mắt mà nhìn”.
Tôi cũng vui chuyện, nhắc chị nên chia nhỏ tiền thành nhiều sổ, sau này nhỡ có việc còn rút ra dùng. Chị bảo: “Không, đây là tiền để dành của em. Còn tiền tiêu em có đủ rồi”!. Cô nhân viên ngân hàng tính toán, nếu gửi 15 tỷ với lãi suất hiện hành, mỗi tháng chị cũng có hơn 100 triệu “đút túi”. Một số tiền trong mơ của rất nhiều người.
Dường như thấy xung quanh mình toàn phụ nữ, chị bèn rộng rãi tâm sự. Chị bảo:
– Em có 15 tỷ, bố mẹ bán đất, cho em. Chứ em chỉ làm buôn bán nhỏ, đủ tiền tiêu, nuôi con thôi. Nhưng mà các chị mách cho em cách gửi tiền cho riêng em thôi. Em lập sổ đứng tên bố em, rồi làm ủy quyền cho em chi tiêu được chứ?. Chồng em có bồ, chưa biết hôn nhân của em thế nào.
Có lẽ lâu lắm chẳng tâm sự với ai, người phụ nữ “tuôn” ào ào:
– Em không biết trang điểm, ăn mặc, không nịnh nọt, khéo léo nên chồng em chán, chê em, đi với đứa đẹp đẽ, phây phây hơn em. Hơn nữa, anh ta chê em nghèo, đi theo em lao động quá vất vả. Cái cô nạ dòng mà anh ta theo có cửa hàng buôn bán nên có thể cung phụng anh ta ăn ngon, mặc đẹp được. Nhưng mà nó chả đẹp hơn em hồi trẻ đâu. Tại em một mình bươn chải chạy chợ, nuôi 3 đứa con, chồng chẳng giúp gì thì sao mà trẻ đẹp được. Có tiền đều chi tiêu cho chồng cho con, mình đều chịu mặc đồ cũ, ăn thức thừa nên nhìn kham khổ. Mới lại chị bảo, chạy chợ tần tảo, ăn mặc đẹp thì lao động kiểu gì?.
Chị tính tiền chị sẽ giữ lại, không tính toán đưa chồng một xu. Chị cũng không tiêu đến mà dành để lo cho tương lai của các con. Bây giờ chị chẳng còn tin chồng nữa, anh ta không còn là chỗ dựa cho chị và các con nên chị chỉ có thể dựa vào chính mình thôi. Nhưng chị cũng rất sợ chồng chị biết chị có tiền lại tìm cách dằn vặt chị để moi cho bằng được. Vì thế, chị sẽ nghe theo lời từ vấn của nhân viên ngân hàng, lập sổ tiết kiệm đứng tên bố và ủy quyền cho chị sử dụng.
Rồi chị chua xót:
Dành toàn bộ 20 năm tuổi trẻ, sức lực để vun vén cho cuộc hôn nhân, coi chồng là trụ cột gia đình, bỗng nhiên đến ngày đối mặt với sự thật, chồng chỉ là cọng rơm, thậm chí là cọng rơm mục, chả trông mong được gì. Đau xót lắm chị ạ.
Đi ra khỏi ngân hàng, tôi cứ lẩn quẩn hình ảnh của người đàn bà lam lũ, kham khổ với số tiền khổng lồ gửi ngân hàng. Bởi vì tôi nhớ đến một câu chuyện của hàng xóm cũ, làm nghề buôn đồng nát. Hai vợ chồng hàng ngày xoay quanh đống phế liệu, vất vả, bẩn thỉu nhưng có vẻ tíu tít, hạnh phúc lắm. Thu nhập cũng đủ nuôi con ăn học, dựng được ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ. Nhưng đến ngày, hai vợ chồng bỗng cãi nhau tưng bừng. Qua câu chuyện người vợ khóc lóc, kể lể, hàng xóm đều phần nào hiểu chuyện. Hóa ra trong lần đi thu mua phế liệu, anh chồng làm quen được với bà chủ buôn sắt đã quá lứa, tuy xấu mà nhiều tiền. Thế là hai người cặp kè, gắn bó keo sơn. Anh chồng chê vợ hôi hám, chê việc vất vả, đòi bỏ.
Người vợ níu kéo không được cũng đành ly hôn, chấp nhận tiếp tục làm nghề buôn đồng nát, nuôi cả hai con. Nhưng đến ngày bỗng nhiên người ta thấy chị xây nhà 4 tầng, quần áo đẹp, điện thoại xịn. Nghe thiên hạ đồn là chị vớ được vàng từ đống phế liệu. Chị vẫn buôn đồng nát nhưng giờ chỉ ăn trắng mặc trơn, chỉ huy người làm. Cuộc sống sung sướng nhàn hạ nên chị ngày càng trẻ đẹp.
Lại một ngày hàng xóm thấy nhà chị ồn ào. Hóa ra người chồng sống già nhân ngãi với bà chủ buôn sắt giàu có nhưng tiền chẳng được giữ một xu. Hàng ngày anh ta phải cung phụng, nịnh nọt cô ta, cô ta vui thì mới cho ít tiền tiêu. Gần đây, cô ta kiếm được trai trẻ nên hất anh ta đi. Giờ anh ta lại quay về van xin vợ tha thứ. Nhưng người vợ chỉ đứng từ trên thềm nhà cao, nhìn người chồng đứng bên ngoài cổng sắt, cười khẩy.
Có lẽ, cũng đến ngày người chồng “tham vàng bỏ ngãi” của chị “15 tỷ” này phát hiện ra người vợ mình chê bôi nghèo hèn ấy có số tiền “trong mơ” gửi ngân hàng. Khi đó không biết anh ta sẽ hối hận biết chừng nào? Nhất là khi anh ta có thể bị cô bồ hắt hủi vì già yếu, bệnh tật, già nua. Lúc đó, anh ta muốn quay lại dựa vào vợ con, liệu có còn kịp không?
Theo Gia Linh (Dân Việt)