Thiếu gì bệnh viện sẵn sàng đón tiếp anh ta đưa bệnh nhân đến mổ, chẳng qua là anh ta tham lam, muốn “ăn” trọn.
Vụ việc bác sĩ Tường mổ thẩm mỹ dẫn đến cái chết của khách hàng (tôi không gọi là bệnh nhân vì không phải là bệnh), rồi ném xác xuống sông phi tang
đã làm dấy lên một làn sóng căm phẫn trong dư luận, đặc biệt là trong
giới bác sĩ. Có người bảo bác sĩ Tường ngu, có người bảo bác sĩ Tường
dốt…
Tôi không bàn đến chuyện anh ta ngu dốt hay không. Có người bảo anh ta
không ngu vì làm ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng theo tôi điều đó chẳng
chứng minh được gì cả. Mà tôi nghĩ có một điều chắc chắn là anh ta tham
và liều.
Nếu không tham thì làm sao phải mổ ở phòng khám, mà lại là một phòng khám chưa có phép hoạt động, một ca mổ lớn như vậy? Thiếu gì bệnh viện sẵn sàng đón tiếp anh ta đưa bệnh nhân đến mổ, chẳng qua là anh ta tham, muốn “ăn” trọn.
Cũng chỉ vì từ tham nên mới dẫn đến liều. Anh ta liều với sự nghiệp,
danh dự của mình và trên hết là anh ta liều trên tính mạng của khách
hàng, của người đã tin tưởng nằm lên bàn để cho anh ta mổ.
Tôi chưa bao giờ tham gia vào phẫu thuật thẩm mĩ nhưng tôi biết rất rõ
rằng việc hút và bơm mỡ rất dễ có biến chứng nhồi máu phổi, tắc mạch
vành hoặc mạch não hoặc các mạch máu khác, hậu quả thật là khủng khiếp.
Anh ta mổ cái đó thì chắc phải biết hơn tôi, nhưng vẫn liều, chỉ vì
tiền. Điều này thể hiện đạo đức con người cũng như y đức của anh ta đã
quá suy đồi, quá tệ hại.
Bác sĩ Tường làm phẫu thuật thẩm mỹ cho một khách hàng
Có người bảo anh ta quẫn quá nên không còn suy nghĩ mạch lạc, dẫn đến
việc ném xác phi tang. Cũng có thể đúng nhưng nói gì thì cũng phải suy
nghĩ đến căn bản đạo đức của anh ta rất tồi tệ. Khi người ta bị sốc hay
bị quẫn trí, người ta có xu hướng hành động theo bản chất tự nhiên. Việc
ném xác phi tang là hành động được tâm thức anh ta mách bảo.
Tâm thức của anh ta phải đen tối lắm thì mới nghĩ ra cái cách như vậy,
cái cách mà những con người bình thường, được giáo dục trong một môi
trường bình thường không thể nào nghĩ ra được, dù trong lúc quẫn trí
cùng cực đi chăng nữa.
Sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn đến qua câu chuyện này, từ việc quản lí
của cơ quan quản lí nhà nước đến việc giáo dục đạo đức của nhà trường,
giáo dục y đức của bệnh viện… Việc tìm ra những yếu tố cốt lõi dẫn đến
câu chuyện trên sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng nó giúp chúng ta tìm ra
cách ngăn chặn những câu chuyện kinh dị như thế này tái diễn.
Có người đổ lỗi cho khách hàng, bảo tại đi làm đẹp mới bị như vậy, có
bệnh gì đâu mà phải mổ xẻ. Có người bảo làm thẩm mỹ là kinh doanh, không
phải ngành y. Điều này không đúng. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người và một trong các nhiệm vụ cao quý của ngành y là đáp ứng nhu cầu đó.
Nếu cuộc mổ của bạn có thể cứu vớt hạnh phúc của một gia đình thì điều
đó có giá trị không? Nếu cuộc mổ của bạn làm cho một con người thấy rằng
mình có giá trị hơn để tiếp tục sống thì cuộc mổ đó có đáng giá không?
Tất nhiên là còn nhiều bất đồng trong quan điểm, nhưng đứng về mặt nhân
quyền thì làm đẹp cũng là một quyền và phục vụ cho quyền đó cũng là
trách nhiệm của ngành y.
Có người bảo nếu trả lương bác sĩ cao sẽ không có những chuyện như thế.
Tôi cho là sai. Vì bằng chứng là anh ta không nghèo, anh ta có xe hơi
riêng. Theo ý kiến cá nhân tôi, hầu hết các trường hợp chèn ép người
bệnh để vòi vĩnh tiền, các trường hợp lừa lọc người bệnh để kiếm tiền,
kê toa ăn hoa hồng, cán bộ ăn hối lộ… đều xảy ra ở người không nghèo.
Có người bảo đây là hậu quả của nửa công nửa tư, yêu cầu không cho bác
sĩ bệnh viện công làm tư. Tôi cho là không đúng. Vì với những kẻ tham và
liều như vậy, nếu cấm làm tư thì câu chuyện này sẽ xảy ra ở bệnh viện
công, và ở đó thì sự rũ bỏ trách nhiệm đôi khi lại dễ dàng hơn, không
làm bộc lộ cái tâm thức đen tối của anh ta.
Tóm lại, cũng vẫn là vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, xuống cấp hết mức
trầm trọng. Đây có phải mặt trái của kinh tế thị trường không? Có thể,
nhưng theo tôi thì kinh tế thị trường chỉ đóng góp một phần nhỏ. Điều
chính yếu là con người.
Những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt nam, những truyền
thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam nghìn năm văn hiến không được coi
trọng đúng mức. Một bộ phận rất lớn công dân chìm vào cuộc đua
thỏa mãn những tham vọng vật chất, bất chấp luân thường đạo lí. Một bộ
phận khác thì bất mãn, chìm vào rượu chè hoặc nhắm mắt đưa chân vào cuộc
đua vật chất.
Một nhóm nữa thì chui vào cái vỏ ốc của mình mà bịt tai, bịt mắt và bịt
miệng, nhân danh chữ nhẫn. Đến khi xã hội xảy ra nhiều vấn đề như ngày
nay thì chửi trời chửi đất, đòi thay này đổi nọ mà chẳng biết là thay
đổi cái gì, liệu có tốt hơn không hay là còn tệ hơn thế nữa. Chúng ta
lại sa vào một câu chuyện lớn, vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường và
còn lâu mới có lời giải.
Trở lại với câu chuyện của tay bác sĩ có căn bản đạo đức thấp kém kia.
Việc anh ta ném xác khách hàng của hắn xuống sông cũng đồng nghĩa với
việc hắn ném cái danh dự ngành y, ném cái sĩ diện của các bác sĩ chúng
ta xuống sông.
Một vết nhơ cho ngành y của chúng ta. Không biết sẽ có bao nhiêu kẻ lợi
dụng câu chuyện này mà thả sức mạt sát các bác sĩ, các nhân viên y tế.
Vẫn biết rằng con sâu làm rầu nồi canh nhưng con sâu này kinh khủng quá.
Hoài Vũ