Tinh hoàn là một bộ phận trong cơ thể người đàn ông có chức năng sản xuất và dự trữ tinh trùng. Ngoài ra tinh hoàn còn có chức năng sản xuất hóc môn nam (testosterone).
Tinh hoàn được một lớp da mỏng bao bọc bên ngoài gọi là bìu. Ung thư tinh hoàn xuất hiện khi những tế bào của tinh hoàn phát triển một cách không bình thường và không kiểm soát được.
Bệnh ung thư tinh hoàn phần lớn chỉ xảy ra đối với những người đàn ông da trắng và có rất ít trường hợp người châu Phi và châu Á bị mắc phải bệnh này. Bệnh này phổ biến ở những người đàn ông ở độ tuổi từ 20 đến 34 và được xem là một trong những loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm.
Hình ảnh tinh hoàn bị ung thư. Nguồn Internet
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư tinh hoàn, tuy nhiên có một vài trường hợp có thể gia tăng nguy cơ ung thư như là:
– Những người có tinh hoàn ẩn: Đây là tình trạng tình hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng (thông thường ở giai đoạn bào thai hay trong 3 tháng đầu sau khi sinh, tinh hoàn của các bé trai sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống bìu).
– Những người bị hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể giới tính: thông thường nam giới nhận 1 nhiễm sắc thể X từ người mẹ và 1 nhiễm sắc thể Y từ người cha, nhưng những người bị rối loạn nhiễm sắc thể giới tính thì lại có 1 nhiễm sắc thể Y và từ 2 nhiễm sắc thể X trở lên.
Triệu chứng:
Sự thay đổi đáng kể về kích thước và hình dạng của hai tinh hoàn, điều này có thể gây ra đau đớn nhưng cũng có thể không. Biểu hiện của ung thư tinh hoàn thường ít và mờ nhạt khiến nam giới dễ nhầm với những bệnh viêm tinh hoàn thông thường.
– Giai đoạn đầu của ung thư tinh hoàn thường không có dấu hiệu gì đặc biệt, chỉ thấy tinh hoàn to và rắn khi sờ nắn bằng mấy đầu ngón tay, cũng có thể không đau hoặc hơi đau.
– Đôi khi có thêm cảm giác nằng nặng ở bìu, gai sốt và hơi đau ở vú.
– Có thể gặp xuất tinh đau hoặc xuất tinh ra máu
– Sờ thấy tinh hoàn có khối bất thường
Biến chứng nếu không điều trị :
– Nếu ung thư tinh hoàn mà không được phát hiện và điều trị sớm thì những tế bào ung thư sẽ bắt đầu lan sang các cơ quan bộ phận xung quanh như: mào tinh hoàn, tiền liệt tuyến, bàng quang, niệu đạo, dương vật…… mà người ta gọi là ung thư di căn.
– Những người bị ung thư tinh hoàn thì khả năng sinh lý và sinh sản bao giờ cũng bị giảm sút vì các tế bào ung thư có thể làm hỏng bên tinh hoàn bị bệnh.
– Nếu ung thư tinh hoàn phát hiện ở những giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và hiệu quả điều trị không cao. Thậm chí có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh nếu ung thư đã di căn rộng sang các hạch bạch huyết và lan khắp cơ thể.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn
Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc):
Hóa trị liệu
– Hóa trị là phương pháp mang tính bổ trợ trong điều trị ung thư tinh hoàn, là phương pháp thường dùng sau khi làm phẫu thuật. Sử dụng thuốc chống ung thư để tiệu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau quá trình phẫu thuật. Nếu như ung thư tinh hoàn ở giai đoạn cuối, thì hóa trị cũng coi là phương pháp điều trị trước tiên.
– Do hóa trị là liệu pháp toàn thân, nên thuốc di chuyển theo mạch máu và có tác dụng đối với cả tế bào ung thư lẫn tế bào thường trên khắp cơ thể, nhưng tác dụng phụ của nó như thế nào còn phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng dùng.
Phẫu thuật
– Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ 1 phần của tinh hoàn thông qua đường rạch ở bẹn được gọi là phẫu thuật tinh hoàn cuối bẹn.
– Bệnh nhân khi điều trị bằng phương pháp này thường lo lắng sau khi cắt đi 1 bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lý và dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên nam giới chỉ có 1 bên tinh hoàn khỏe mạnh thì vẫn có thể cương và tạo ra tinh trùng như bình thường.
Xạ trị
– Xạ trị là phương pháp sử dụng những tia xạ năng lượng cao tiêu diệt tế bào ung thư, từ đó khiến cho khối u bị teo nhỏ lại. Xạ trị là liệu pháp điều trị cục bộ, nó chỉ ảnh hưởng đến những tế bào ung thư ở khu vực chịu xạ.
– Khi điều trị ung thư tinh hoàn, bác sỹ sử dụng máy gia tốc bên ngoài cơ thể bệnh nhân, phát ra năng lượng xạ cao tại chính tuyến hạch vùng bụng. Tế bào mầm tinh hoàn rất mẫn cảm với tia xạ.
– Nếu ung thư tinh hoàn không liên quan đến tế bào mầm tinh hoàn thì không nhạy với tia xạ. Vì vậy, bệnh nhân ung thư tinh hoàn mà không phải liên quan đến tế bào mầm tinh hoàn thường không sử dụng phương pháp xạ trị.
– Phương pháp xạ trị nên sử dụng sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u tinh hoàn.
Tinh hoàn bị ung thư. Nguồn Internet
Hiệu quả điều trị
Trường hợp phát hiện sớm
– Nếu được phát hiện sớm thì đối với thể ung thư tinh hoàn thường gặp nhất là ung thư tuyến tinh (Seminoma), lệ chữa khỏi có thể gần 100%.
Trường hợp phát hiện muộn
– Bệnh ung thư tinh hoàn là bệnh có thể chữa được dù là thể sớm hay thể muộn.
– Tuy nhiên nếu phát hiện ung thư ở thể muộn thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và khả năng hồi phục chậm hơn thậm chí tỉ lệ hồi phục cũng thấp hơn nhiều.
– Khi phát hiện muộn, các tế bào ung thư có thể lan theo hệ bạch huyết đến các hạch bạch huyết ở bụng, ngực, cổ và cuối cùng là phổi.( Do không có đường liên lạc trực tiếp về bạch huyết giữa 2 tinh hoàn cho nên khó có sự di căn ung thư từ tinh hoàn bệnh sang tinh hoàn lành)
Khám theo dõi định kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân ung thư tinh hoàn đã được điều trị. Giống như tất cả các loại ung thư, ung thư tinh hoàn có thể tái phát. Bệnh nhân ung thư tinh hoàn cần đến khám bác sĩ định kỳ và cần thông báo ngay các triệu chứng bất thường. Bệnh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm vì thế nên nam giới cần tự khám tinh hoàn cho mình để phát hiện những bất thường để đi khám kịp thời khi có những biểu hiện không bình thường
Theo NTD