Nổi mẩn ngứa ở thai phụ được chia thành hai nhóm:
Nhóm bệnh về da thông thường
Thai phụ có thể nổi mề đay, mẩn ngứa do các tác nhân gây dị ứng như thời tiết thay đổi, thức ăn, nhiễm khuẩn, căng thẳng…
Các nốt mẩn ngứa xuất hiện trên da do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi thai phụ tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, lập tức cơ thể sẽ xảy ra phản ứng miễn dịch qua tế bào trung gian. Các chuỗi phản ứng này sẽ giải phóng histamine trong da khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy. Nổi mẩn ngứa trong trường hợp này thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Nhóm bệnh da liễu do thai kỳ
Bệnh do căng vùng da bụng: Vào ba tháng cuối thai kỳ, khi bụng căng lớn, mề đay, mẩn ngứa xuất hiện tại các vết rạn trên da bụng. Ban đầu, chỉ là các ban mề đay nhỏ, màu đỏ. Các ban này liên kết tạo thành đám mề đay lớn, đôi khi có mụn nước. Sau vài tuần, các đám ban có thể lan đến đùi, mông, ngực, cánh tay, lưng… và gây ngứa. Bệnh thường tự khỏi sau khi sinh.
Điều trị: Bôi thuốc mỡ hoặc kem steroide để hạn chế ngứa và ngăn thương tổn lan rộng.
Bệnh mẩn ngứa nang lông: Khởi phát vào ba tháng giữa thai kỳ, biểu hiện là các nốt màu đỏ nhỏ, không có mủ, thường nổi ở vai, nửa lưng trên, cánh tay, ngực, bụng,… Bệnh thường tự khỏi sau khi sinh khoảng 2-3 tuần.
Điều trị: Dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống để trị ngứa hiệu quả.
Bệnh Pemphigoide (PG): Có thể xuất hiện trong ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng ngứa dữ dội, sau đó hình thành những mảng đỏ và cứng ở vùng da quanh rốn. Sau 2-4 tuần, mảng đỏ lan rộng, xung quanh có các mụn nước và mủ. Các thương tổn sẽ lan rộng ra lưng, mông, cánh tay, bàn tay và bàn chân.
Bệnh có thể khiến trẻ sau khi sinh dễ mắc chứng phát ban. Tuy nhiên, các ban ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi.
Điều trị: Trường hợp nhẹ, bệnh có thể điều trị bằng cách bôi kem hoặc thuốc trị ngứa. Trường hợp nặng, thai phụ phải uống thuốc steroide mới kiểm soát được bệnh.
Tình trạng nổi mẩn, ngứa ở phụ nữ mang thai có nhiều nguyên nhân, rất khó xác định đúng bệnh nếu chỉ thông qua triệu chứng bên ngoài mà không đến khám tại chuyên khoa da liễu. Có những bệnh không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi nhưng có trường hợp gây nguy hiểm.
Việc sử dụng kem steroide và kháng histamin phải có ý kiến của bác sĩ. Một số loại kháng histamin chỉ sử dụng được trong một thời gian nhất định của thai kỳ, nếu dùng không đúng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Mề đay mẩn ngứa trong thai kỳ là bệnh da liễu khiến thai phụ rất khó chịu vì ngứa ngáy, mặc dù bệnh không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng lại làm thai phụ mất tự tin và mất thẩm mỹ khi thai phụ cứ liên tục gãi và những vết ngứa sẽ trầy xước, thâm đen rất mất thẩm mỹ. Người phụ nữ trong thai kỳ vẫn có thể bôi thuốc để giảm ngứa theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuy nhiên tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự bôi vì có thể khiến bệnh nặng thêm.
Nổi mề đay mẩn ngứa khi mang thai
Theo NTD