Chăm sóc thai nhi 3 tháng cuối, điều quan trọng nhất là đi khám thai thường xuyên, khoảng mỗi tuần 1 lần.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Châu Quỳnh, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh lưu ý khi chăm sóc thai nhi 3 tháng cuối, các cơ quan quan trọng của em bé đã hình thành hoàn tất. Não còn đang phát triển nhanh chóng. Mô mỡ bắt đầu tích tụ dưới da. Thai nhi tăng cân nhanh trong những tháng cuối.
Thai nhi tăng cân nhanh trong những tháng cuối
Những thay đổi ở người mẹ trong giai đoạn này là khó thở khi nằm, tiểu lắt nhắt, giãn tĩnh mạch chân, phù chân, vọp bẻ, tê mỏi, đau khớp háng, khớp mu. Vọp bẻ có thể do mẹ thiếu canxi hoặc em bé quá to. Nếu đã bổ sung đủ canxi nên xoa bóp, massage cẳng chân nhẹ nhàng.
Một số biến chứng của thai kỳ giai đoạn này là tiền sản giật, tiều đường, đa ối, thiếu ối, nhau tiền đạo, nhau bong non, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai to, thai chết lưu.
Biến chứng của thai kỳ giai đoạn này là tiền sản giật, tiều đường, đa ối, …
Theo bác sĩ Quỳnh, lịch khám thai và các xét nghiệm cần làm:
– Khám thai mỗi 2 tuần một lần từ tuần thứ 30, mỗi tuần một lần từ tuần thứ 36.
– Cần phải cân, đo huyết áp, theo dõi phù chân mỗi lần khám thai, ghi nhận cử động thai.
– Bác sĩ sẽ đo bề cao tử cung, nghe tim thai, thăm khám cổ tử cung để đánh giá độ dài và độ mở của cổ tử cung để kịp thời chẩn đoán và điều trị sớm dọa sinh non.
– Thử nước tiểu mỗi lần khám thai để kịp thời phát hiện sớm bệnh lý tiền sản giật và những biến chứng.
– Siêu âm để đánh giá sự phát triển của thai, bất thường thai nhi, lượng nước ối, xác định vị trí bánh nhau, độ trưởng thành bánh nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm khi khám thai phát hiện bất thường.
Khám thai mỗi 2 tuần một lần từ tuần thứ 30
– Thai phụ sẽ được đo biểu đồ tim thai, cơn gò sau khi thai được 35 tuần trở đi, đặc biệt ở những thai kỳ nguy cơ cao như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, dọa sinh non hoặc chuyển dạ sinh non.
– Xét nghiệm máu tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai nếu chưa làm hoặc có nguy cơ cao.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, cần phải nhập viện khi thấy các dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ, đau thượng vị, đau bụng từng cơn, ra huyết âm đạo, thai máy yếu hoặc không máy.
Những việc cần làm trong những tháng cuối:
– Đếm cử động thai mỗi ngày 3 lần.
– Tiêm VAT ngừa uốn ván nếu chưa tiêm (tiêm mũi 2 trước sinh ít nhất một tháng).
– Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga.
– Chuẩn bị vật dụng cần thiết cho mẹ và bé sau sinh.
– Học những lớp chuẩn bị trước sinh.
– Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước tránh táo bón.
– Tiếp tục bổ sung canxi, viên sắt, viên đa sinh tố.
Nguyên Anh