Khóc cạn nước mắt ở nhà chồng trong Tết Dương lịch

0
103

Lập gia đình cách đây vài tháng nên Tết Dương lịch này là cái Tết đầu tiên tôi ở nhà chồng. Thú thực 3 ngày mà kéo dài như 30 ngày, bởi đêm nào tôi cũng khóc hết nước mắt.

Tôi năm nay 31 tuổi, mới lập gia đình cách đây vài tháng với một người vốn cũng chẳng yêu tôi lắm. Nhưng vì trót dại, “bác sỹ bảo cưới”, lại thêm ở cái tuổi cũng chẳng còn trẻ trung với ai, nên tôi quyết định “nhắm mắt đưa chân”.

Kỳ nghỉ lễ của Tết Dương lịch năm nay, như bao cặp vợ chồng khác, chúng tôi “khăn gói quả mướp” về nhà chồng. Ban đầu, tôi có rụt rè bảo chồng tôi về dự định đi hưởng tuần trăng mật, nhưng anh không đồng ý vì tôi đã bầu đến tháng thứ 4, đi lại bất tiện, nên ở nhà an dưỡng. Tôi cho cũng phải, vì giờ tôi mang thai, không thể đi khắp mọi nơi như tôi muốn.

Thế nhưng, về nhà chồng rồi, tôi mới hiểu thế nào là “an dưỡng”. Thậm chí, bà bầu 4 tháng còn đêm nào cũng khóc hết nước mắt, vì chồng, vì nhà chồng.

Khóc cạn nước mắt ở nhà chồng trong Tết Dương lịch - 1

Chồng thờ ơ, thậm chi đi nhậu nhẹt cùng đám bạn bỏ mặc tôi một mình. (Ảnh minh họa)

Chồng tôi vốn trẻ hơn tôi 4 tuổi, lại khá cao ráo,sáng sủa.  Bởi vậy, khi đám cưới chạy diễn ra, tôi đã nghe không ít lời nói không hay rằng tôi “lừa” anh ấy nên mới có đám cưới này. Đáng buồn thay, cho tới khi đã trở thành con cái trong nhà, điều tiếng ấy vẫn gán trên miệng những người thân trong gia đình anh.

Ngày đầu tiên, vừa xuống xe khách về tới nhà, anh đã bỏ mặc tôi ở nhà với mọi người để bù khú theo lũ bạn cho tới tận đêm khuya. 11h đêm, tôi gọi điện, giọng lè nhè, anh nói qua điện thoại: “Không phải gọi, tôi không về đâu”. Loáng thoáng kèm theo tiếng đám bạn anh: “Chị mày gọi về, sao không về đi”, “Thằng này thế mà sướng, có những hai… bà mẹ liền”…

Tôi ấm ức, nằm khóc thương cho phận “gái già” của mình. Chẳng có tuổi trẻ, chẳng có nhan sắc, tôi bị chính người chồng trẻ của mình hắt hủi.

Sớm hôm sau, ngày nghỉ thứ 2, tôi dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và nấu đồ ăn sáng cho bố mẹ chồng, 2 em chồng. Mâm cơm vừa dọn ra, mẹ chồng tôi hỏi: “Thằng Dương chưa dậy à?”. Tôi đáp: “Nhà con đi nhậu với đám bạn cùng làng từ đêm qua chưa về”.

Những tưởng, mẹ chồng tôi sẽ mắng mỏ con trai mình, nào ngờ bà vào hùa bảo: “Chắc nó chán vì lấy vợ, xóm này bao con bé chết mê chết mệt, mà chẳng hiểu sao…”. Bà bỏ lửng câu nói khiến tôi nghẹn đắng cổ họng.

Khóc cạn nước mắt ở nhà chồng trong Tết Dương lịch - 2

Mẹ chồng lúc nào cũng nhiếc móc tôi, cuộc sống ở nhà chồng khiến tôi nghẹt thở. (Ảnh minh họa)

Ăn sáng xong, tôi đi chợ định bụng nấu bữa trưa thịnh soạn cho cả nhà, vì dù sao, tôi cũng là dâu mới. Nói về khoản nấu ăn, tôi cũng tự tin chẳng thua kém ai vì là chị cả, nên tôi được rèn luyện từ bé. Đi cùng tôi là cô em chồng, con bé chỉ dán mặt vào điện thoại, tôi hỏi gì nó đáp nấy, thậm chí còn tỏ ra khó chịu.

Tôi khệ nệ mang một làn thức ăn, nặng đến trĩu cả tay, nó cũng chẳng thèm được một câu phụ giúp. Bầu bí nên tôi mệt, đi bộ 500 mét về nhà thở dốc muốn xỉu, lại thêm làn đồ ăn khiến tôi muốn đứt hơi. Về đến gần cổng, thấy tôi xách đồ, bố chồng lên tiếng: “Sao mày không xách để chị nó xách thế kia?”. Lập tức cô em chồng vùng vằng giật lấy cái làn mang thẳng vào nhà, vừa đi vừa lầm bầm: “Mua làm gì lắm thế không biết”.

Bữa trưa cũng chỉ có một mình tôi lúi húi chuẩn bị. Mẹ và các em chồng tôi đã đi chơi hàng xóm hết cả, nhà chỉ còn mình tôi. Biết thân, biết phận con dâu, tôi một mình làm tất cả. Bữa cơm gần được dọn lên, cũng là lúc chồng tôi đi về. Tôi thấy chồng có vẻ mệt mỏi, liền hỏi: “Em gọi anh mấy lần không được, sao anh về muộn thế?”. Chồng tôi chẳng đáp đi vào nhà tắm rửa.

Tới bữa ăn, tôi bày biện các món, bố chồng có vẻ hài lòng vì con dâu trổ tài nấu nướng. Ngược lại, mẹ chồng tôi chưa động đũa đã chép miệng: “Trông thế này không biết ăn thế nào”. Rồi cô em chồng tiếp lời: “Chẳng ra gì, không bằng con Hằng (cô thích chồng tôi ngày trước, cùng làng) nó sang nhà mình nấu dạo trước anh Dương nhỉ?”.

Chồng tôi chẳng bênh vợ câu nào, cắm mặt vào ăn. Tôi len lén kiềm chế những giọt nước mắt. Ăn xong, không một ai phụ tôi dọn dẹp, rửa bát. Cũng chỉ mình tôi và cái bụng bầu 4 tháng làm hết mọi việc nhà. Ngồi bên đống bát đũa, tôi òa khóc nức nở.

Chập tối, tôi bảo với chồng: “Sáng mai anh ở nhà, đừng về muộn nữa, mình sửa soạn xuống thành phố sớm chứ chiều đông lắm. Xe khách chen nhét, em thì bầu bí thế này”.

Chồng tôi nói: “Tôi chưa thích, cô muốn đi mà xuống trước, lâu lâu mới về nhà, chưa chi đã ngăn cấm thằng này đi bù khú với bạn bè. Cô là vợ, chứ cô không phải mẹ tôi”.

Những lời cay đắng ấy chồng tôi cũng chẳng ngần ngại thốt ra, huống hồ người ngoài. Vậy là đêm thứ 2, anh ấy cũng đi thâu đêm với đám bạn lâu ngày gặp mặt.

Không thể chịu đựng thêm sự cô độc ở nhà chồng, sớm hôm sau, sau khi gọi cả chục cuộc điện thoại cho chồng không được, tôi xin phép bố mẹ chồng có việc bận đột xuất ở công ty nên phải xuống trước.

Bố chồng tôi bảo: “Đi sớm cho đỡ đông cũng được”. Còn mẹ chồng tôi vẫn giọng đay nghiến: “Gớm, về nhà chồng có mấy hôm mà sợ rồi à? Chắc lại kiếm cớ xuống sớm thôi”.

Nếu không có bố chồng tôi ra vẻ mặt khó chịu, chắc bà còn nhiếc móc con dâu cả một tràng dài.

Tôi một mình mang chiếc ba lô quần áo ra đường quốc lộ bắt xe. Lúc nào cũng vậy, tôi cô đơn, lạc lõng và bị hắt hủi như khi mới đến. Vừa đi bộ, tôi vừa tủi thân bật khóc. Tôi có lỗi lầm gì để cả gia đình chồng đối xử với tôi như vậy? Hay lỗi lầm lớn nhất của tôi là gái già mà còn đi “chài” thanh niên trẻ?

Lại một cái Tết Dương lịch chẳng có ngày nào yên vui, tới đây, Tết Âm lịch sẽ thế nào?

Theo Thanh Bình (Dân Việt)