Các bước này rất quan trọng khi bạn muốn “giã từ” đôi mắt cận thị đấy nhé!
Tìm hiểu về cận thị?
Cận thị là một dạng tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, trong đó, hình ảnh của vật hội tụ ở trước võng mạc và bị mờ, khiến chúng ta không thể nhìn rõ các vật ở xa mắt. Cận thị chiếm một vị trí đáng kể trong nhóm các bệnh tật về thị giác, nhất là ở học sinh, sinh viên và lao động trẻ.
Ngoài nguyên nhân bẩm sinh, chúng ta thường mắc phải cận thị do nhìn gần quá nhiều, chưa phân bổ được thời gian học tập, tiếp xúc với tivi, máy tính, các hoạt động nhìn gần với các hoạt động ngoài trời…
Cách phổ biến nhất để “đối phó” với tật cận thị chính là đeo kính. Bên cạnh đó, phẫu thuật cận thị cũng là một biện pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật cận thị, chúng mình cần hết sức lưu ý nhé!
Những lưu ý khi quyết định phẫu thuật cận thị
Vệ sinh trước khi phẫu thuật
Theo lời khuyên của các bác sĩ, các bạn nên vệ sinh thân thể và gội đầu sạch sẽ trước khi phẫu thuật. Đặc biệt, chúng mình cần tra thuốc kháng sinh trước hôm phẫu thuật để đề phòng nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh này sẽ được bác sĩ kê đơn từ trước.
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Đây là một phẫu thuật khá nhẹ nhàng và nhanh chóng vì thế chúng ta không cần phải lo lắng về cuộc phẫu thuật. Các bạn cần chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi phẫu thuật. Sự lo lắng thái quá có thể gây ảnh hưởng tới quá trình cũng như kết quả của cuộc phẫu thuật.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phẫu thuật cận thị, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và cần nhìn thẳng vào ánh đèn mổ, không đảo mắt quá nhiều. Việc lo lắng, sợ hãi của chúng ta có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình phẫu thuật.
Tuân thủ đầy đủ quy trình xét nghiệm trước phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật cận thị, chúng ta cần trải qua các xét nghiệm như đo khúc xạ, đo bản đồ giác mạc, chiều dày giác mạc, khám bằng đèn sinh hiển vi… Dựa trên kết quả của các xét nghiệm này, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nên phẫu thuật hay chưa, phẫu thuật vào thời điểm nào…
Vì vậy, các bạn cần tuân thủ đầy đủ các xét nghiệm này theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được những sai sót khi quyết định phẫu thuật, đồng thời đạt được kết quả tối ưu nhất khi phẫu thuật cận thị.
Những ai không nên phẫu thuật cận thị?
– Những người có bệnh cấp tính, mãn tính tại mắt như glaucoma, viêm màng bồ đào, viêm giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, bệnh giác mạc chóp, xuất huyết võng mạc…
– Người có độ cận chưa ổn định, đang dùng thuốc trị khô mắt, thuốc ngừa thai…
– Đặc biệt, những bạn có độ tuổi dưới 18 tuổi tuyệt đối không nên phẫu thuật cận thị nhé!
An An