Còn tới hơn tháng nữa mới đến “Tết ta”, nhưng vợ chồng chị Thu Thảo (Hà Đông, Hà Nội) đã lục đục, mâu thuẫn chỉ vì những bàn tính không hợp lòng nhau cho một cái Tết nữa lại đang đến.
– Rút kinh nghiệm, Tết năm nay anh đừng có tiêu tốn nhiều tiền như Tết năm ngoái nhé! Tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết dương lịch gần gũi, cả nhà vui vẻ, chị Thảo “đả thông tư tưởng” với chồng.
– Gì mà tiêu tốn? Năm ngoái anh có mua sắm gì quá đáng đâu mà em bảo là tiêu tốn. Chồng chị cự nự lại.
– Thì anh tính xem, một đống giò mang về sau khi em đã mua đầy tủ. Lại cả đùi thịt cừu Nga hun khói gì nữa. gần 20 triệu chỉ tính riêng cái đùi. Anh bảo thế là tốn kém chứ còn là gì nữa. Chị Thảo nêu dẫn chứng.
Vấn đề tài chính trong gia đình, kế hoạch chi tiêu luôn là vấn đề gây mâu thuẫn khi không nhận được sự đồng thuận của vợ chồng trong gia đình (Ảnh minh họa)
– Em thì lúc nào cũng nhớ nhớ quên quên. Cái đùi thịt cừu Nga năm ngoái là anh mua được rẻ. Ngoài thị trường người ta bán 20 triệu, anh mua được có hơn 10 triệu. Rẻ được hơn một nửa thì anh mới mua. Rồi chỗ giò đó là anh em người ta biếu thì anh mang về chứ mất đồng nào đâu mà em kêu.
– Hơn 10 triệu cái đùi thịt cừu vẫn là đắt rồi. 10 triệu ấy em sắm được cả Tết. Tóm lại năm nay anh đừng có mua sắm gì nữa. Anh mang tiền về cho em, quy một mối sắm Tết thôi cho đỡ hoang phí.
– Năm nào anh chả đưa riêng tiền cho em sắm Tết. Em cứ thoải mái chút cho các con vui chứ như em thì Tết chả có ý nghĩa gì.
– Thì đúng, Tết với em chả có ý nghĩa gì. Chỉ thấy tốn kém mà thôi. Bao việc phải làm mà Tết với chả nhất. Năm nay em yêu cầu anh cũng nên tuyệt đối tuân thủ những gì em nêu ra trong chi tiêu ngày Tết để mình đỡ đi các khoản không cần thiết.
– Em thì lúc nào tiêu đến tiền chả nói “không cần thiết”.
Chồng chị Thảo vùng vằng bỏ đi kết thúc cuộc nói chuyện chưa đến hồi kết. Và chỉ từ chuyện đó mà gia đình chị không vui mấy ngày nay dù Tết âm còn khá xa mới tới.
Tình cảnh nhà chị Thảo là “chuyện thường tình” trong các gia đình mỗi khi Tết âm đến gần. Vấn đề tài chính trong gia đình, kế hoạch chi tiêu luôn là vấn đề gây mâu thuẫn khi không nhận được sự đồng thuận của vợ chồng trong gia đình.
Theo các chuyên gia tài chính, trong những ngày Tết để tránh việc chi tiêu quá đà, vợ chồng cần dự trù ngân sách hợp lý cho các khoản quà cáp, tiền mừng tuổi, mua sắm đồ đạc, sửa nhà, thực phẩm, đi lại, du lịch,… Đồng thời, lập danh sách cụ thể những thứ cần mua và cân nhắc xem mình có thật sự cần mua món đồ này không, nếu thật sự cần thiết mới mua về nhà.
Tuyệt đối không để phát sinh những khoản chi khác khi thấy món đồ này “hay hay”, cái kia “đẹp đẹp” trong khi bạn thực sự không cần thiết đến nó. Trong quá trình mua sắm, vợ chồng có thể bổ sung thêm hoặc bớt những món đồ trong danh sách. Ngoài ra, vợ chồng cũng nên dựa trên thu nhập và túi tiền hiện có để điều chỉnh bảng danh sách chi tiêu Tết một cách hợp lý.
Về vấn đề tặng quà Tết quả nhiên không thể thiếu. Tết là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn, sự quan tâm đến gia đình, bạn bè, đối tác, đồng nghiệp,… Vì vậy chắc chắn quà Tết sẽ khiến vợ chồng bạn tiêu tốn một khoản không nhỏ. Tuy nhiên vợ chồng cần cân nhắc kĩ lưỡng sao cho phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Hãy chọn mua những món quà Tết sao cho ý nghĩa, hợp lý nhưng cũng không quá tốn kém để tiết kiệm chi tiêu ngày Tết, điều quan trọng nhất là nó phải thể hiện được tình cảm, thái độ trân trọng của bạn đối với người được nhận quà. Đôi khi chính những món quà bạn tự làm, nhưng món ăn ngon bạn tự tay chế biến,… cũng sẽ là những món quà Tết rất ý nghĩa và khiến người nhận vô cùng cảm kích.
Ngoài ra đối với riêng chị em phụ nữ, việc lập ra danh sách các thứ cần phải sắm, số tiền cần chi, thời gian đi mua… sẽ giúp cho đi chợ Tết của bạn trở nên thuận lợi và dễ kiểm soát hơn, tránh được việc “vung tay quá trán”, mua hàng theo ngẫu hứng khiến tiền trong túi bạn cứ “đội nón ra đi”.
Khi lập danh sách những thứ cần mua, bạn nên xác định rõ ràng giữa những thứ quan trọng cần phải có và những sản phẩm không có cũng chẳng sao để lược bớt những vật dụng, thực phẩm không thực sự cần thiết và hữu dụng.
Tuyệt đối tránh việc mua hàng theo ngẫu hứng hoặc “tiện tay” trong những ngày Tết bởi nó sẽ là thủ phạm vô hình làm tiền trong túi bay ra vèo vèo không kiểm soát được. Khi đi sắm Tết, bạn cần” bám chặt” cái danh sách đồ cần mua mà bạn đã lập từ trước, tuyệt đối không để những mặt hàng không nằm trong danh sách “quyến rũ” để rồi khi về đến nhà, bạn lại xót xa cho túi tiền của mình.
Nhiều phụ nữ có thói quen ham rẻ thấy khuyến mãi nhiều là mua, hoặc đồ nào thấy thích là mua, nhưng thực tế mua về không sử dụng được bao nhiêu.
Theo Phương Nghi (Gia đình & xã hội)