Viêm khớp mưng mủ ở trẻ nhỏ

0
37
Viêm khớp mưng mủ là một loại bệnh nhiễm khuẩn khớp với các căn nguyên vi sinh vật khác nhau. Theo thống kê người ta thấy mọi lứa tuổi có thể mắc bệnh này nhưng trẻ em (đặc biệt là trẻ đẻ non) và người cao tuổi thì dễ mắc bệnh hơn cả.

 

Viêm khớp mưng mủ thực chất là nhiễm khuẩn khớp do các loại vi sinh vật khác nhau gây nên, đặc biệt là do vi khuẩn.

 

Nguyên nhân

 

Do chấn thương làm tổn hại khớp, nhất là các chấn thương do ngã, do các vật sắc nhọn mà vết thương bị nhiễm bẩn do có kèm theo bùn, đất, cát, rác, chất thải của người và động vật.

 

Do tổn thương nhiễm khuẩn các vùng quanh khớp như mụn, nhọt, áp-xe

 

viêm khớp mưng mủ, nhiễm khuẩn khớp, kháng sinh, sưng đau, tổn thương, vận động, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bệnh viện

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm khuẩn khớp gối mưng mủ do vi khuẩn lậu có từ người mẹ bị bệnh lậu lây cho con. Ngoài loại vi khuẩn lậu gây ra cho trẻ sơ sinh thì còn có nhiều loại vi khuẩn khác cũng gây nên viêm mưng mủ khớp như tụ cầu vàng (S. aureus), tụ cầu da (S.epidermidis), tụ cầu hoại sinh (S.saprophiticus).

 

Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi còn có thể bị viêm khớp mưng mủ bởi một loài vi khuẩn mà trước đây người ta ít quan tâm đến nó, đó là vi khuẩn Hemophilus influenzae. Trẻ lớn và người trưởng thành còn có thể viêm khớp mưng mủ do một số liên cầu (Streptococcus), nhất là loại liên cầu nhóm A (S. pyogenes)

 

Biểu hiện của viêm khớp mủ

 

Vị trí tổn thương: 90% bệnh nhân có tổn thương một khớp, trong đó khớp gối hay gặp nhất, ít gặp hơn là các khớp háng, vai, cổ tay, cổ chân, khuỷu tay..

 

Triệu chứng tại khớp: Viêm khớp biểu hiện bởi các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau. Có thể tràn dịch khớp, co cơ, hạn chế vận động, đau, nhức. Tuy nhiên trong trường hợp khớp nằm ở vị trí sâu như khớp háng hoặc khớp cùng chậu thì khó phát hiện sưng khớp. Có thể gặp viêm mô tế bào, viêm bao thanh dịch, cốt tuỷ viêm cấp với các triệu chứng lâm sàng tương tự. Tuy nhiên các bệnh cảnh trên có thể phân biệt với viêm khớp nhiễm khuẩn ở đặc điểm thường bệnh nhân không hoặc ít hạn chế vận động khớp.

 

viêm khớp mưng mủ, nhiễm khuẩn khớp, kháng sinh, sưng đau, tổn thương, vận động, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bệnh viện

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Triệu chứng ngoài khớp: trẻ có sốt cao (39 – 40oC), mệt mỏi, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn, có dấu hiệu mất nước, trẻ thường xuyên quấy khóc.

 

Ảnh hưởng

 

Viêm khớp mưng mủ nếu phát hiện và điều trị kịp thời (chọc hút mủ và dùng kháng sinh thích hợp) thì bệnh sẽ chóng khỏi và có thể không để lại di chứng gì (khoảng 70%). Nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không đúng sẽ gây tổn thương lan rộng có thể dẫn đến viêm xương, trật khớp xương, viêm khớp mạn tính hoặc gây nên hiện tượng dính khớp. Nguy hiểm hơn nữa là có thể gây nên nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi gặp các loại vi khuẩn đa đề kháng với kháng sinh.

 

Nếu bị viêm khớp mưng mủ ở vùng cột sống thì có thể gây nên hiện tượng chèn ép tuỷ sống hoặc gây di chứng gù, vẹo cột sống… Ngoài ra nếu không dùng kháng sinh sớm, hợp lý để tiêu diệt mầm bệnh thì vi khuẩn, ngoài việc gây nhiễm trùng máu, chúng còn có thể lan đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây nên các ổ áp-xe nguy hiểm như áp-xe phổi, cơ hoành, gan, thận… hoặc gây nên hiện tượng sốc nhiễm khuẩn. 

 

viêm khớp mưng mủ, nhiễm khuẩn khớp, kháng sinh, sưng đau, tổn thương, vận động, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bệnh viện

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Điều trị

 

Người bệnh cần được chẩn đoán bệnh sớm, dùng ngay kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu mủ khớp khi cần thiết, bất động khớp tương đối có thể ngăn chặn được tình trạng huỷ hoại khớp. Thực hiện ngay việc cấy máu, lấy dịch khớp, làm xét nghiệm dịch khớp nhanh bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn. Căn cứ kết quả soi tươi nhuộm gram kết hợp với các yếu tố nguy cơ dự đoán chủng vi khuẩn, từ đó lựa chọn ngay kháng sinh thích hợp

 

Dự phòng

 

Khi có khớp bị sưng, nóng, đau, đỏ, nhất là có chấn thương do tai nạn đi kèm hoặc trong cơ thể đang bị mụn nhọt hoặc ổ áp-xe thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt. Người mẹ trước khi mang thai nếu mắc bệnh đường sinh dục – tiết niệu do lậu cầu cần được điều trị triệt để tránh lây bệnh cho con.

 

Trẻ nhỏ cần được người lớn theo dõi liên tục, tạo môi trường nhà ở an toàn, trường học an toàn, đảm bảo vệ sinh, hạn chế yếu tố nguy cơ gây ngã hoặc tổn thương ở trẻ em.

 

Tích cực phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện nhất là các khoa ngoại, sản, sơ sinh, trong đó khâu vô khuẩn, tiệt khuẩn tuyệt đối đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực hiện vô khuẩn tuyệt đối khi làm các thủ thuật, phẫu thuật tiến hành tại khớp. Điều trị tốt các nhiễm khuẩn tại các cơ quan khác, đặc biệt tại da, phần mềm và xương.

 

Viêm khớp mưng mủ là một bệnh nhiễm khuẩn tương đối nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ em và những người có sức đề kháng kém. Đây là bệnh có thể hoàn toàn phòng tránh được, vì vậy các bậc cha mẹ hãy chú ý tạo cho trẻ nhỏ môi trường sống an toàn. Khi trẻ có dấu hiệu sưng đau tại khớp thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

Theo NTD

Viêm khớp mưng mủ ở trẻ nhỏ

 

Theo NTD