Triệu chứng bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậy trải qua 4 thời kỳ:
Thời kỳ ủ bệnh: trung bình từ 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu trẻ miễn dịch kém thì thời kỳ này có thể ngắn hơn.
Thời kỳ khởi phát (1-2 ngày): Trẻ sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu và phát ban (tiền thân của bóng nước) là những hồng ban nổi trên nền da bình thường.
Thời kỳ toàn phát: giảm sốt, nổi bóng nước trên da màu hồng trước đó, sau đó các nốt phỏng xuất hiện ở da đầu, mặt, lan xuống thân và tay chân với số lượng nhiều ít khác nhau tùy từng cơ thể.
Thời kỳ hồi phục: sau khoảng 1 tuần, hầu hết các bóng nước đóng vảy, đa số không để lại sẹo trừ các bóng nước bị bội nhiễm.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Sự lây nhiễm
Bệnh truyền nhiễm và lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của người nhiễm bệnh (khi ho, hắt hơi, nói chuyện…).
Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.
Bệnh thủy đậu có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết phồng nổi lên).
Biến chứng
Mặc dù đây là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất nghiêm trọng.
Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Biến chứng nặng như tổn thương thần kinh trung ương bao gồm: viêm não (nhức đầu, co giật, rối loạn ý thức), tổn thương thần kinh (liệt thần kinh) và Hội chứng Reye (kết hợp tổn thương gan và não), viêm phổi là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinhdưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra san thương của bệnh Zona, dân gian còn gọi là giời leo.
Điều trị
Làm sạch da và vệ sinh thân thể: tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng trung tính sẽ bớt ngứa. Ngoài ra, có thể bôi lên da các dung dịch làm dịu và làm ẩm như dung dịch calamine. Nên cắt sát móng tay cho trẻ để tránh tổn thương da do gãi và đề phòng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.
Điều trị triệu chứng: Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết trẻ bị thủy đậu. Thuốc có thể dùng là các thuốc kháng Histamin như: chlopheniramin, loratadine…. Ngoài ra dùng các thuốc bôi tại chỗ như hồ nước và xanh methylen cũng có hiệu quả. Khi trẻ đau và sốt cao, có thể dùng acetaminophen, không sử dụng aspirin vì có thể gây Hội chứng Reye.
Điều trị bằng thuốc kháng virut: Thuốc kháng virut chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng, phòng biến chứng viêm phổi thủy đậu, biến chứng nội tạng hoặc bệnh nhân có suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, sau phẫu thuật…
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Phòng bệnh
Vaccine chống thủy đậu có hiệu quả bảo vệ cao và lâu bền, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:
– Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
– Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
– Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường là không bị biến chứng.
Khi trong gia đình, trường lớp có người bị mắc bệnh thì cần cách ly bệnh nhên 7-10 ngày để tránh lây lan cho cộng đồng. Nếu trẻ ở độ tuổi đi học, khi mắc bệnh phải nghỉ học để tránh lây bệnh cho các trẻ cùng lớp
Thủy đậu là một bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh tương đối lành tính, tuy nhiên có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tiêm vaccin phòng thủy đậu ở trẻ nhỏ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và lâu bền nhất. Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh, cần đưa trẻ tới chuyên khoa Nhi hoặc chuyên khoa Da liễu để được điều trị và tránh biến chứng.
Theo NTD