Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở có sự tham gia của nhiều loại tế bào viêm và các thành phần của tế bào: chủ yếu là tế bào mast, bạch cầu ái toan, lympho T, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và các tế bào biểu mô phế quản. Ở những cơ địa nhạy cảm, quá trình viêm này gây khó thở, thở rít, ho, đau tức ngực từng đợt tái diễn thường bị về đêm và sáng sớm. Những đợt này thường bị tắc nghẽn đường thở có thể tự hồi phục hoặc do điều trị. Quá trình viêm hay đi kèm với tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích khác nhau.
Tỷ lệ mắc hen ở trẻ em theo các nghiên cứu gần đây thì ở Australia và New Zealand có tỷ lệ cao nhất (29 – 30%), còn các quốc gia khác (trong đó có nước ta) tỷ lệ này dao động trong khoảng từ 10 – 15%.
Cơn thở rít ở trẻ em: cơn khó thở rít hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là khi có nhiễm virut đường hô hấp. 1/3 số bệnh nhân sau này có thể bị hen nhưng thường được chẩn đoán viêm phế quản co thắt. Chẩn đoán như thế dẫn đến điều trị không thích hợp (dùng kháng sinh phối hợp với giảm ho) bệnh nhân dễ chuyển thành thể hen nặng gây dị dạng lồng ngực, giảm phát triển cơ thể. Có 2 loại cơ địa kèm theo thở rít ở trẻ em:
– Không có cơ địa dị ứng, chỉ bị thở rít khi có nhiễm virut đường hô hấp, khi trẻ lớn hơn đường thở của trẻ phát triển thì tự khỏi.
– Có cơ địa dị ứng: cũng bị khó thở nặng hơn khi có nhiễm virut đường hô hấp nhưng sẽ bị hen phế quản ở suốt thời kỳ trẻ con (nhóm này thường bị kèm theo các bệnh dị ứng như: eczema, viêm mũi dị ứng, dị ứng với thức ăn hoặc các dấu hiệu khác của dị ứng).
Cả 2 nhóm trên cần điều trị tích cực như hen phế quản thì có hiệu quả tốt, vì vậy nhiều nước thống kê chung tỷ lệ trẻ em bị hen phế quản và trẻ thở rít.
Khi trẻ em có các triệu chứng sau phải nghĩ đến hen phế quản:
Trẻ bị thở khò khè trước 3 tuổi:
– Có một yếu tố nguy cơ chính là cha mẹ bị hen phế quản hoặc bị chàm.
– Có 2 yếu tố nguy cơ phụ: tăng bạch cầu ái toan trong máu, khò khè dù không bị cảm lạnh và viêm mũi dị ứng.
Những lưu ý khi điều trị
Có thể áp dụng điều trị thử theo hướng hen phế quản để hỗ trợ cho chẩn đoán, khi trẻ trên 5 tuổi mới áp dụng đo thông khí phổi để chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh.
Điều trị hen ở trẻ em cần chú ý điều trị dự phòng là quan trọng nhất, khi trẻ có cơn hen cấp cần xử trí nhanh chóng và theo dõi chặt chẽ.
Cần chú ý phát hiện dị nguyên của từng bệnh nhân và tránh tiếp xúc với các dị nguyên đó, ví dụ: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc… giảm phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ khi đã phát hiện được, tránh cho các cháu tiếp xúc với bụi khói, đặc biệt là khói thuốc lá.
Bệnh nhân cần được tiêm phòng cúm hằng năm vào mùa thu.
Điều trị dự phòng tốt nhất bằng thuốc nhóm corticoid dạng hít (pulmicort, flixotide) cho bệnh nhân hít qua buồng đệm (babyhaler) với liều ban đầu dùng liều thấp. Tăng tới liều trung bình nếu hen chưa kiểm soát được. Liều cao corticoid dạng hít là khi dùng ulmicort > 400 mcg/ngày, hoặc flixotide > 500 mcg/ngày.
Cần thận trọng khi hạ liều, cứ 3 tháng nếu bệnh được kiểm soát tốt mới hạ liều, nếu hen không được kiểm soát thì phải tăng liều. Khi điều trị 1 năm mà bệnh hen phế quản được kiểm soát hoàn toàn thì có thể ngừng điều trị dự phòng, tránh ngừng thuốc điều trị dự phòng đột ngột vì triệu chứng của bệnh có thể tái phát nặng.
– Thuốc nhóm chủ vận b2 tác dụng kéo dài chỉ nên dùng dưới dạng phối hợp với thuốc nhóm corticoid dạng hít như seretide, symbicort. Dùng dự phòng trong trường hợp hen phế quản trẻ em đã dùng liều trung bình corticoid dạng hít không kiểm soát được.
– Có thể dùng các thuốc nhóm kháng leucotriene ở những bệnh nhi mắc hen phế quản nặng khó kiểm soát khi đã hít liều cao corticoide (pulmicort > 400 mcg/ngày, hoặc flixotide > 500 mcg/ngày).
– Điều trị cắt cơn hen tốt nhất là dùng thuốc nhóm chủ vận b2 tác dụng nhanh (salbutamol, bricanyl dạng hộp xịt có liều định chuẩn, xịt mỗi lần 2 nhát qua buồng đệm). Cha mẹ của bệnh nhi bị hen phế quản cần thường xuyên có thuốc dự trữ để dùng cắt cơn hen cho trẻ khi cần. Tuy nhiên, nếu trẻ phải dùng thường xuyên các thuốc cắt cơn này thì phải chú ý tăng liều thuốc dự phòng. Chú ý khi thấy trẻ tím tái, thở rất nhanh (trên 70 lần/phút), khóc yếu ớt hoặc nói nhát ngừng, xịt thuốc cắt cơn không đỡ đưa trẻ đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
– Do có nhiều tác dụng phụ, nên các thuốc nhóm corticoid cần rất hạn chế khi dùng đường toàn thân (uống hoặc tiêm) chỉ dùng trong đợt kịch phát nặng. Thuốc cắt cơn nhóm xanthine không nên dùng cho trẻ em vì nhiều tác dụng phụ.
Những lưu ý khi điều trị hen phế quản cho trẻ
Theo NTD