Lồng ruột ở trẻ

0
42
Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ. Lồng ruột xảy ra có thể do giải phẫu ruột ở trẻ nhỏ. Ngày nay nhờ phương pháp bơm thông khí đại tràng tháo lồng ruột, phần lớn trẻ nhỏ phát hiện sớm không phải can thiệp bằng phẫu thuật

 

Tổng quan về lồng ruột

 

– Lồng ruột là hiện tượng đoạn ruột phía trên chui vào đoạn ruột phía dưới theo chiều của nhu động và ngược lại. Lồng ruột phân ra 3 loại: Lồng ruột cấp tính, lồng ruột bán cấp, lồng ruột mãn tính.

 

– Lồng ruột cấp tính thường gặp ở trẻ còn bú (dưới 24 tháng tuổi) thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái, lồng ruột bán cấp thường xảy ra ở trẻ lớn và lồng ruột mãn tính thường xảy ra ở người già.

 

Nguyên nhân lồng ruột

 

Nguyên nhân thực thể

 

 Chỉ có 2 – 8% lồng ruột cấp tìm được nguyên nhân khi mổ:

 

 – Manh tràng và đại tràng lên di động, không dính hoặc chỉ dính lỏng lẻo vào thành bụng sau.

 

– Một số trường hợp lồng ruột cấp có khởi điểm là túi thừa Meckel, polyp, u máu trong lòng ruột, ruột đôi hay búi giun.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 

Nguyên nhân chưa rõ ràng

 

– Rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến rối loạn nhu động ruột

 

-Do thay đổi giải phẫu: trẻ dưới 1 tuổi kích thước hồi tràng và manh tràng không khác nhau là mấy. Từ 4- 12 tháng, manh tràng phát triển to nhanh hơn dẫn đến sự khác nhau về vận động cơ ruột, dẫn đến lồng ruột

 

Phân loại lồng ruột

 

Lồng ruột cấp tính

Xảy ra chủ yếu ở trẻ bú mẹ. Bệnh có diễn tiến nhanh và đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, nhiễm độc. Đây cũng là một trong những cấp cứu bụng thường gặp ở lứa tuổi bú mẹ.

 
Lồng ruột bán cấp

Xảy ra ở lứa tuổi trẻ lớn (3-15 tuổi). Diễn tiến chậm, ít khi gây ra các biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột.

Lồng ruột mãn tính

Xảy ra ở người lớn hoặc người già. Tiến triển chậm, có khả năng tự khỏi và tái phát nhiều lần, thường do nguyên nhân các khối u của đại tràng. Ít có nguy cơ hoại tử ruột.

 

Triệu chứng lồng ruột

 

Triệu chứng cơ năng

 

– Trẻ khóc dữ dội, ưỡn người, bỏ bú, khóc từng cơn (mỗi cơn 10-15 phút) sau đó mệt thiếp đi, tỉnh dậy có thể bú sau đó cơn khóc lại tiếp diễn. Có biểu hiện nôn ói.

 

– Đại tiện ra máu: Trung bình 6 – 8h sau cơn khóc đầu tiên trẻ đi đại tiện kèm máu hồng lẫn nhầy, đỏ tươi hay nâu, có khi có cả cục máu đông.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 

– Để lâu thì cơn khóc của trẻ kéo dài nhưng ít dữ dội. Nôn ra nước mật, nước phân. Đi ngoài phân đen.

 

Triệu chứng toàn thân

 

– Ban đầu ít có thay đổi: không sốt, chưa có dấu hiệu mất nước.

 

– Để lâu cơ thể người bệnh bị mất nước, nhiếm trùng, nhiễm độc, người lờ đờ, hốc hác, sốt 39 – 40°C.

 

Triệu chứng thực thể

 

– Do bụng không chướng nên sờ nắn ngoài cơn đau thấy khối lồng hình quai ruột, chắc, mặt nhẵn nằm theo khung đai tràng (thường ở hố chậu phải ), ấn đau, có phản ứng thành bụng.

 

Để lâu bụng người bệnh chướng lên có thể sờ thấy búi lồng, thăm trực tràng có máu nâu đen.

 

Biến chứng

 

Khi xảy ra lồng ruột, đoạn ruột phía trên bị giãn to do ứ dịch, ứ hơi. Nếu búi lồng lớn khiến ruột bị tắc, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử đưa đến thủng ruột, xì dịch và phân vào trong ổ bụng, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nặng và có thể tử vong.

 

Hướng xử trí

 

– Khi trẻ có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh lồng ruột thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để việc xử trí được đơn giản và không để lại hậu quả nghiêm trọng.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 

– Nếu trẻ bị  được phát hiện sớm thì có thể áp dụng phương pháp tháo lồng: Bơm hơi qua hậu môn để đẩy chỗ ruột lồng ra.

 

– Nhiều trường hợp bơm hơi không kết quả thì phải phẫu thuật tháo búi lồng bằng tay do chỗ lồng quá chặt hoặc do trẻ đến viện muộn (quá 6 tiếng)

 

– Còn nếu sau 24 tiếng, khi khối ruột lồng đã bị hoại tử, thủng ruột, viêm phúc mạc, thì phải phẫu thuật cắt đại tràng ngoài ổ bụng hoặc cắt nửa đại tràng phải. Sau khi mổ, trẻ phải được chăm sóc và phụ hồi tốt, ủ ấm, truyền dịch.

 

Phòng bệnh

 

Hiện vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân lồng ruột ở trẻ, do vậy cũng chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này. Để ngăn chặn yếu tố nguy cơ bệnh lồng ruột khi cho trẻ ăn dặm lúc chuyển đổi sữa theo độ tuổi của trẻ, các bà mẹ nên cho trẻ ăn từ từ với liều lượng tăng dần.

 

 

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu phát hiện sớm trẻ sẽ được điều trị mà không để lại biến chứng. Hiện tại vẫn chưa có biện pháp để phòng ngừa bệnh, do vậy cha mẹ cần lưu ý trong cách chăm sóc con và theo dõi các triệu chứng nêu trên để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Theo NTD

Lồng ruột ở trẻ

 

Theo NTD