Biến chứng của bệnh sởi

0
116
Sởi là một bệnh do nhiễm virut cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chan tay kèm theo sốt cao. Sự nguy hiểm của bệnh chính là những biến chứng do bệnh gây ra, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh.

 

Triệu chứng của bệnh sởi

 

– Trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao, kèm theo là chảy nước mắt, kết mạc đỏ, sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng, hắt hơi, sổ mũi, ho, khàn giọng.

 

– Sau đó hết sốt hoặc kèm theo đó là hiện tượng nổi ban theo trình tự từ sau tai sang hai má, xuống cổ ngực, toàn thân và chân tay. Ban có màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại, sau đó ban sẽ mất dần theo trình tự đã mọc, để lại vết thâm đen trên bề mặt da.

 

Nguồn ảnh: Internet.

 

Biến chứng của sởi

 

Biến chứng phổ biến của sởi

 

– Biến chứng thường gặp là viêm tai giữa cấp xảy ra 1/10 trẻ bị nhiễm sởi, trẻ có dấu hiệu sốt cao trở lại, đau tai, hoặc chảy dịch mủ từ tai trong trường hợp để lâu, viêm nặng. Viêm tai giữa có thể gây điếc vĩnh viễn nếu không được điều trị.

 

– Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 trường hợp trẻ mắc sởi, trẻ có ho nhiều, kèm theo là sốt cao. Hiện tại, đã có nhiều trẻ viêm phổi nặng phải thở máy, một số xuất hiện biểu hiện nặng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và tử vong.

 

– Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhất là trẻ nhũ nhi.

 

– Mờ hoặc loét giác mạc gây mù lòa, một biến chứng nguy hiểm của sởi.

 

– Viêm não xảy ra khoảng 1/1000 số người mắc sởi. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót.

 

Nguồn ảnh: Internet.

 

Biến chứng muộn của sởi

 

– Viêm phế quản- phổi- viêm thanh quản: là biến chứng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau nổi ban.

 

– Viêm tủy biểu hiện liệt hai chi dưới, rối loạn cơ vòng.

 

– Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: Là biến chứng ít gặp xảy ra muộn sau mắc bệnh từ vài tháng đến vài năm sau mắc sởi.

 

– Cam tẩu mã: Xuất hiện muộn, do bội nhiễm một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.

 

– Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

 

Nguồn ảnh: Internet.

Cách phòng ngừa bệnh sởi

 

– Trẻ từ 9 tháng tuổi nên cho đi tiêm vắc- xin phòng bệnh sởi.

 

– Trong giai đoạn đầu khi trẻ phát bệnh nên cách ly để tránh lây lan sang các trẻ khỏe mạnh khác.

 

– Trẻ còn nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường rất ít khi bị sởi. Tuy nhiên không nên chủ quan mà đưa bé đi khám để có hướng điều trị kịp thời.

 

Bệnh sởi có tính chất lây lan nhanh, dễ thành dịch. Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bị bệnh ở trẻ, kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị. Biến chứng của sởi gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của trẻ, vì vậy cách chăm sóc trẻ là điều rất quan trọng. Hiện nay, tiêm vắc- xin đủ hai mũi cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất.

Theo NTD

Biến chứng của bệnh sởi

 

Theo NTD