Một máy bay quân sự Trung Quốc bay từ hướng đông bắc với độ cao 500 m và lượn hai vòng trên khu vực tây nam, cách giàn khoan khoảng 40 hải lý.
Trung Quốc duy trì gần 40 tàu hải cảnh; 30 tàu vận tải và tàu kéo; 6 tàu quân sự và 50 tàu cá. Lúc 8h25 – 9h07, lực lượng kiểm ngư thấy một máy bay quân sự bay từ hướng đông bắc ở độ cao 500-700 m trên khu vực tây nam cách giàn khoan khoảng 40 hải lý.
Tàu hải cảnh, tàu kéo của Trung Quốc chủ động ngăn cản các tàu của Việt Nam từ xa. Ngoài ra, các tàu Trung Quốc còn sử dụng tốc độ cao, bám sát các tàu của Việt Nam, có lúc khoảng cách chỉ còn từ 10 đến 30 m sẵn sàng đâm va tàu Việt Nam ở khu vực cách giàn khoan 8-10 hải lý.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa đâm va.
Ban đêm, hai tàu hải cảnh và một tàu vận tải của Trung Quốc rọi đèn pha, hú còi uy hiếp và yêu cầu tàu cá Việt Nam ra khỏi khu vực. Ban ngày, những tàu này ngăn cản, ép sát tàu cá của Việt Nam không cho các tàu của ngư dân hoạt động.
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, tại hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên UNCLOS, Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Với nhiều hành động gây hấn suốt hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn thực hiện chính sách bá quyền ở Biển Đông, tức là thời kỳ chiếm được chỗ nào thì chiếm, khẳng định chỗ nào là khẳng định và quyết liệt hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định tại buổi tọa đàm Minh triết Biển Đông ngày 14/6.
“Những hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng cho thấy họ không còn coi trọng ‘4 tốt và 16 chữ vàng’ trong quan hệ Việt – Trung nữa”, ông Trung nói.
Như Tâm