Hình thái vú thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt
Trước khi có kinh
– Dưới ảnh hưởng của FSH (hormon kích thích nang trứng) và LH (hormon kích thích thể vàng) trong pha nang noãn của chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen tăng lên do được tiết nhiều từ nang trứng sẽ kích thích biểu mô vú tăng sinh.
– Nồng độ estrogen nội sinh tăng có thể có tác dụng giống histamin trên vi tuần hoàn vú, hậu quả là làm tăng tối đa dòng máu từ 3-4 ngày trước khi có kinh, với sự tăng trung bình thể tích vú 15-30 cm3. Cảm giác đầy tức và đau vú trước khi có kinh là do tăng phù khoảng giữa các thuỳ và tăng sinh các ống- nang dưới tác dụng của estrogen và progesteron.
Ảnh minh họa: nguồn internet
Trong khi có kinh: Khi có kinh, có sự giảm đột ngột nồng độ estrogen, progesterone và hoạt động của biểu mô cũng giảm xuống.
Sau khi hết kinh
– Sau khi hết kinh, phù nhu mô giảm xuống, sự xẹp biểu mô ngừng lại và bắt đầu một chu kỳ mới với sự tăng nồng độ estrogen. Thể tích vú nhỏ nhất vào ngày thứ 5-7 sau khi hết kinh.
– Những thay đổi tốc độ phát triển mô vú có tính chất chu kỳ liên quan đến sự thay đổi hormon trong pha nang trứng và pha hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt.
Vai trò của estrogen và progesteron với tuyến vú
– Estrogen: Làm phát triển các ống dẫn ở tuyến vú và đây chính là tác nhân làm tuyến vú người phụ nữ nở to lúc dậy thì. Chúng được gọi là hormon tăng trưởng của tuyến vú và cũng làm quầng vú sậm màu lúc dậy thì.
– Progesteron: Làm phát triển các ống dẫn sữa, làm giảm phát triển các mô liên kết của vú.
Những thay đổi của vú trong khi có thai
Sự phát triển của các tuyến sữa
– Khi có thai tuyến vú đạt được sự phát triển hoàn chỉnh, nhu mô tuyến vú tăng sinh, các nụ biểu mô biến đổi thành các tiểu thuỳ, tế bào trụ chế tiết được bao quanh bởi lớp tế bào cơ- biểu mô. Các ống dẫn sữa dài và phân nhánh, các mạch máu tăng sinh.
– Hiện tượng chế tiết bắt đầu ngay từ tháng thứ 3, tạo ra sữa non. Sữa non tồn tại cho đến lúc xuống sữa, tức là sau đẻ vài ngày.
Ảnh minh họa: nguồn internet
– Cuối thời kỳ thai nghén, dưới ảnh hưởng của estrogen và progesteron, tuyến vú đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng hoạt động. Trong khi có thai, tuyến vú chưa thực sự hoạt động vì progesteron ức chế prolactin, sự ức chế này xảy ra ngay tại tuyến yên và tuyến vú.
Vai trò của prolactin trong việc sản xuất sữa
– Prolactin là một kích thích tố nội tiết do tuyến yên sản xuất. Prolactin có chức năng kích thích tuyến vú phát triển và bài tiết sữa. Lượng prolactin cao có thể gây chứng mất kinh, hiếm muộn và chảy dịch ở núm vú.
– Trong suốt giai đoạn người mẹ mang thai và cho con bú, lượng prolactin cao hơn bình thường từ 10 tới 20 lần.
Thay đổi của vú trong thời gian cho con bú
– Sự xuống sữa xuất hiện sau đẻ từ 3-4 ngày ở con so, 2-3 ngày ở con dạ. Hiện tượng xuống sữa là do nồng đồ prolactin trong máu tăng đột ngột và kéo theo tổng hợp nhiều sữa. Ban đầu, sự tiết sữa được duy trì bằng động tác mút vào núm vú. Sau này, sự tiết sữa được duy trì bằng hiện tượng hết sữa trong các tiểu thuỳ mỗi khi cho trẻ bú. Các tiểu thuỳ chỉ sản xuất sữa khi sữa trong tiểu thuỳ được lấy hết đi.
Ảnh minh họa: nguồn internet
– Khi cho con bú, sức mút của con tạo xung động cảm giác đi từ núm vú lên não tác động đến tuyến yên bài tiết ra hai kích thích tố là nội tiết tố của thuỳ trước tuyến yên (prolactin) kích thích tế bào tuyến tạo sữa tiết sữa (phản xạ tạo sữa) và nội tiết tố thuỳ sau tuyến yên (oxytocxin) có tác dụng làm co các cơ xung quanh tế bào tiết sữa đẩy sữa từ các nang và ống dẫn sữa đến các xoang sữa ở đầu núm vú (phản xạ phun sữa).
Sinh lý tiết sữa
– Sữa mẹ được tạo ra là do sinh lý tiết sữa (phản xạ Prolactin): khi một em bé mút, xung động hướng tâm từ núm vú kích thích bài tiết prolactin từ tuyến yên ở trên. Prolactin hoạt động trên các tế bào biểu mô của nang tạo sữa để kích thích tiết sữa.
– Prolactin càng hoạt động và sữa càng được sản sinh ra nhiều khi vú mẹ được bú kiệt sau mỗi lần bé bú, khi bé bú sớm, bú thường xuyên, khi mẹ vắt sữa hoặc cho bé bú đêm.
– Quá trình sản sinh ra prolactin sẽ bị hạn chế khi bé ăn các nguồn dinh dưỡng khác trước khi được bú sữa mẹ, khi bé được đặt bú sai vị trí, khi vú bị đau, khi mẹ bị mệt mỏi và căng thẳng.
Hoạt động của tuyến vú phụ thuộc nhiều và hệ nội tiết, vú thay đổi khi có sự thay đổi của nội tiết qua từng giai đoạn. Những sự thay đổi này khá quan trọng trong giai đoạn người phụ nữ mang thai và nuôi con. Khi có những sự trục trặc trong hoạt động của tuyến vú cũng có thể ảnh hưởng và làm giảm hoặcmất đi khả năng vốn có của nó là sự sản xuất sữa. Thế nên mới có những người phụ nữ có nhiều sữa hay ít sữa sau sinh. Người ta cũng dựa vào những hoạt động sinh lý này của tuyến vú mà tạo ra những loại thuốc để kích thích tuyến vú, tuyến sữa hoạt động và phát triển.
Theo NTD