Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
– Hội chứng quá kích buồng trứng (HCQKBT) là biến chứng thường gặïp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích buồng trứng (KTBT). Hội chứng này chủ yếu gặp ở những bệnh nhân có sử dụng gonadotropins để KTBT, hiếm khi gặp trong những trường hợp sử dụng clomiphene citrate.
– Đa số các trường hợp buồng trứng đáp ứng tốt với các phác đồ KTBT đều ít nhiều có triệu chứng của HCQKBT, đặc biệt ở các chu kỳ điều trị với thụ tinh trong ống nghiệm.
Hình ảnh quá kích buồng trứng trên siêu âm
Các yếu tố nguy cơ
– Trẻ tuổi, nhẹ cân, loại phác đồ KTBT, nồng độ estradiol, kích thước và số lượng các nang noãn, hội chứng buồng trứng đa nang là các yếu tố nguy cơ của HCQKBT.
– Bệnh nhân trẻ tuổi thường đáp ứng tốt với các phác đồ KTBT, số nang noãn thường nhiều. Một số nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên quan rõ rệt giữa cân nặng và nguy cơ QKBT. Các phác đồ KTBT có sử dụng gonadotropins và hCG thường có nguy cơ QKBT tăng. Sử dụng hCG hỗ trợ giai đoạn hoàng thể cũng làm tăng nguy cơ QKBT.
– Nồng độ estradiol, kích thước và số lượng các nang noãn thể hiện mức độ đáp ứng của buồng trứng với các phác đồ KTBT. Buồng trứng đáp ứng càng tốt, nguy cơ QKBT càng cao.
Triệu chứng
– Các triệu chứng khởi đầu thường thấy là chướng bụng, nôn, tiêu chảy, chán ăn.
– Các triệu chứng khác cho thấy có tràn dịch và giảm thể tích nội mạch như: Khó thở, nước tiểu ít cũng hay gặp.
– Một số triệu chứng lâm sàng khác có thể có như: Tăng cân, cô đặc máu, tăng bạch cầu, giảm thể tích nội mạch, rối loạn điện giải (điển hình là giảm natri và tăng kali máu)… hội chứng suy hô hấp ở người lớn (ARDS), tăng đông… Một số trường hợp tử vong cũng được ghi nhận, tuy nhiên, rất hiếm gặp.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Diễn tiến bệnh
HCQKBT hầu hết tự khỏi. Các triệu chứng sẽ lui dần sau 10-14 ngày. Trong thời gian này, cần có những biện pháp điều trị triệu chứng và bảo tồn thích hợp để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Những trường hợp nặng, cần theo dõi sát và tích cực để duy trì chức năng các cơ quan quan trọng trong cơ thể và giảm tỉ lệ các biến chứng.
Điều trị
– Mặc dù cơ chế bệnh sinh của HCQKBT còn chưa được hiểu rõ, nhưng HCQKBT là một bệnh lý tự khỏi, không để lại di chứng. Nếu được xử trí thích hợp để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, bệnh có thể tự khỏi 10-14 ngày sau khi khởi bệnh. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng nếu bệnh nhân có thai các triệu chứng có thể nặng hơn và kéo dài hơn.
– Khi phát hiện có triệu chứng của HCQKBT, bác sĩ cần đánh giá để quyết định điều trị tại nhà hay cần phải nhập viện. Trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân chi biểu hiện triệu chứng mức độ nhẹ.
– Nếu bệnh nhân chỉ có chướng bụng, đau bụng, không nôn ói và tiêu chảy nhiều, bệnh thường nhẹ và có thể theo dõi tại nhà. Bệnh nhân cần được hướng dẫn tự bù nước và theo dõi các triệu chứng có thể có để báo cho nhân viên y tế và nhập viện khi cần thiết.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Trong trường hợp bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau nhiều, buồn nôn, không ăn được hoặc nôn nhiều, tiên chảy, đi tiểu ít, tình trạng bệnh lý thuộc mức độ vừa. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi.
– Bệnh nhân nhập viện cần được khám sơ bộ, siêu âm, làm xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng cô đặc máu (HCT), chức năng gan, thận… Kết quả khám, siêu âm, xét nghiệm… sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh nhân để quyết định nên điều trị tại nhà, theo dõi tại bệnh viện hay cần chăm sóc tích cực. Phác đồ xử trí và quyết định nhập viện để theo dõi còn tùy thuộc đánh giá tiên lượng của bác sĩ điều trị.
Dự phòng
– Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh rõ ràng của HCQKBT trong các chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Do đó việc dự phòng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tỉ suất và biến chứng của HCQKBT.
– Các bệnh nhân thuộc các nhóm nguy cơ cao cần được chú ý theo dõi trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chọc hút trứng để có sự điều chỉnh và các biện pháp xử trí phù hợp. Trong những trường hợp buồng trứng đáp ứng quá mức, có thể phải ngưng toàn bộ chu kỳ điều trị.
Hội chứng quá kích buồng trứng là một bệnh lý chưa rõ cơ chế sinh bệnh. Đây là một biến chứng thường gặp trong các chu kỳ hỗ trợ sinh sản có sử dụng thuốc KTBT. Đa số các trường hợp đều tự khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng, tuy nhiên một số trường hợp có thể diễn tiến nặng, dẫn đến tử vong nếu không can thiệp đúng mức ở cơ sở đầy đủ phương tiện.
Hội chứng quá kích buồng trứng do sử dụng thuốc kích trứng
Theo NTD