Vi chất dinh dưỡng là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu hụt sẽ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe. Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau bao gồm các vitamin, chất khoáng và các axit amin cần thiết cho cơ thể được tổng hợp từ các loại thực phẩm bổ sung vào cơ thể hàng ngày qua con đường ăn uống.
Hậu quả của sự thiếu hụt vi chất trong thai kỳ
Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Sắt có tác dụng tham gia tạo huyết cầu tố, oxy hemoglobin, tham gia tạo yếu tố miễn dịch, hô hấp tế bào và hỗ trợ khả năng nhận thức của con người.
Thiếu sắt gây thiếu máu làm chậm phát triển bào thai, dễ bị đẻ non hay đẻ con thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con. Những bà mẹ thiếu máu có nguy cơ đẻ con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản. Mẹ thiếu máu có nguy cơ sinh ra những đứa con có tình trạng dự trữ sắt thấp. Người ta coi thiếu máu dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai là một đe dọa sản khoa
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Thức ăn nguồn gốc động vật nói chung (thịt, trứng, gan…) giàu chất sắt và có tỉ lệ hấp thu cao(hấp thu 30%); các loại đậu đỗ có nhiều chất sắt và tỉ lệ hấp thu tương đối cao (hấp thu 20%);Các loại rau, quả chứa ít chất sắt nhưng rất giàu vitminC vừa giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vừa hỗ trợ hấp thu sắt tốt.
Để khắc phục thiếu máu do thiếu sắt, ngoài việc bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt các bà mẹ khi mang thai cần bổ sung 600 miligam sắt nguyên tố hằng ngày để đảm bảo lượng sắt cần thiết.
Lưu ý, khi uống viên sắt cần tránh uống các loại trà đặc hay cà phê ngay sau bữa ăn, vì chúng làm giảm sự hấp thu sắt trong thực phẩm. Cần chú ý bổ sung thêm vitamin C tăng để cường khả năng hấp thu sắt.
Dị tật ống thần kinh do thiếu hụt axit folic
Axit folic là vitamin rất cần thiết sự phát triển của bào thai. Ngoài vai trò là chất cần thiết trong quá trình tạo máu, acid folic còn giúp quá trình phân chia tế bào xảy ra bình thường, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thai nhi.
Thực phẩm thông thường trong chế độ hàng ngày không cung cấp đủ nhu cầu này. Nếu khẩu phần ăn của người mẹ trong giai đọan mang thai bị thiếu axit folic, đặc biệt trong giai đọan mới thụ thai sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và phát triển của thai nhi với các biểu hiện: cân nặng sơ sinh thấp, dị tật ống thần kinh, ống thần kinh đóng không kín hòan tòan dẫn đến nhiều bệnh lý của cơ thể như bại liệt, não úng thủy, thai chết lưu….
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Acid folic có nhiều trong các loại thực phẩm như: gan động vật, cà chua, các loại rau lá màu xanh thẫm: rau muống, mồng tơi, rau ngót, rau súp lơ xanh… Hàm lượng vi chất này trong cơ thể còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thu của cơ thể của mỗi người nên nếu chỉ ăn uống vẫn chưa thể đảm bảo đủ lượng cho cơ thể. Do đó, bổ sung acid folic bằng cách uống thuốc là rất cần thiết. Thông thường, mỗi phụ nữ mang thai cần bổ sung acid folic với hàm lượng 400 mcg mỗi ngày.
Ảnh hưởng đến xương và răng của trẻ sơ sinh và của bà mẹ do thiếu Canxi
Canxi có vai trò rất quan trọng để đáp ứng quá trình hình thành răng và xương thai nhi. Nếu việc cung cấp canxi trong thai kỳ không đầy đủ, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương và các mầm răng ngay từ trong giai đoạn bào thai, gây nên những khiếm khuyết về xương và răng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ sinh ra đã có dấu hiệu thiếu canxi như mềm hộp sọ, thóp trước và thóp sau rộng, trẻ có các cơn khóc tím tái do co thắt, thậm chí bị co giật do hạ canxi huyết. Đối với mẹ sẽ dẫn đến các triệu chứng chuột rút, đau mỏi cơ nhất là 3 tháng cuối, và dẫn đến tình trạng loãng xương, hư răng ở mẹ sau sinh (vì sẽ phải huy động canxi từ cơ thể mẹ)
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Canxi có thể được bổ sung bằng thực phẩm và bổ sung dưới dạng thuốc. Nhiều thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, rau cần, súp lơ xanh, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát. Chỉ bổ sung bằng thuốc khi nguồn thức ăn không cung cấp đủ. Việc bổ sung bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, để tránh dùng thừa vì thừa canxi cũng sẽ gây nguy hiểm.
Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ do thiếu I-ốt
Thiếu iốt dễ dẫn đến thiếu hoóc-môn gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu iốt. Phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ iốt sẽ làm giảm phát triển trí tuệ ở trẻ, tăng nguy cơ tai biến sản khoa. Đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị suy tuyến giáp bẩm sinh. Do đó, nên sử dụng muối iốt và sử dụng đúng cách trong nấu ăn hằng ngày để đảm bảo cung cấp đủ vi chất này khi mang thai.
Tai biến sản khoa và suy dinh dưỡng bào thai do thiếu Kẽm
Kẽm rất cần thiết trong việc tạo ra các enzym để chuyển hóa glucid, lipid, protein, acid nucléic. Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới hoóc môn tăng trưởng, gây chuyển dạ kéo dài hoặc chảy máu lúc sổ rau do có thể làm quá trình tổng hợp chất prostaglandins bị suy giảm. Thiếu kẽm cũng có thể gây sẩy thai tự nhiên do bong rau non, dị dạng bẩm sinh và suy dinh dưỡng bào thai, thai vô sọ, nứt đốt sống.
Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng phụ nữ mang thai cần phải chú ý đến việc đa dạng hóa bữa ăn trong gia đình, lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, Thực phẩm cần lựa chọn tươi, sạch, khi mua về cần chế biến ngay và thực hiện ăn ngay sau khi nấu để tránh hao hụt các thành phân trên, ăn đủ nhu cầu năng lượng, ăn đủ rau và trái cây tươi, tăng cường ăn rau xanh đậm và củ quả vàng đậm, thực phẩm nguồn gốc động vật và hải sản chứa nhiều sắt, kẽm, canxi, thường xuyên dùng muối iốt trong ăn uống và chế biến thức ăn.
Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai.
Theo NTD