Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ đẻ là một quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của ngời mẹ.Một cuộc chuyển dạ đẻ xảy ra từ tuần lễ thứ 38 – 42 (trung bình là 40 tuần) gọi là đẻ đủ tháng. Khi đó thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập ngoài tử cung.
Cho tới nay người ta chưa biết rõ ràng và đầy đủ những nguyên nhân phát sinh những cơn co chuyển dạ. Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải trình, có một số giả thuyết được chấp nhận.
Các yếu tố gây nên cuộc chuyển dạ:
Prostaglandin (PG)
– Các Prostaglandin là những chất có thể làm thay đổi hoạt tính co bóp của cơ tử cung. Sự sản xuất PGF2 và PGE2 tăng dần trong quá trình thai nghén và đạt tới giá trị cao trong nước ối, màng rụng và trong cơ tử cung vào lúc bắt đầu cuộc chuyển dạ đẻ.
– Người ta có thể gây chuyển dạ bằng cách tiêm Prostaglandin dù thai ở bất kỳ tuổi nào.
– Sử dụng các thuốc đối kháng với prostaglandin có thể làm ngừng cuộc chuyển dạ.
Estrogen và Progesteron
– Trong quá trình thai nghén các chất estrogen tăng nhiều lần tăng tính kích thích các sợi cơ trơn của tử cung và tốc độ lan truyền của hoạt động điện, cơ tử cung trở nên mẫn cảm hơn với các tác nhân gây cơn co tử cung, đặc biệt với oxytocin.
– Estrogen làm tăng sự phát triển của lớp cơ tử cung và thuận lợi cho việc tổng hợp các prostaglandin từ màng rụng và màng ối.
– Progesteron có tác dụng ức chế với co bóp của cơ tử cung. Nồng độ progesteron giảm ở cuối thời kỳ thai nghén làm thay đổi tỷ lệ Estrogen/progesteron ( tăng )là tác nhân gây chuyển dạ.
Vai trò của oxytocin
– Có sự tăng tiết oxytocin ở thuỳ sau tuyến yên của mẹ trong chuyển dạ đẻ. Các đỉnh liên tiếp nhau của Oxytocin có tần số tăng lên trong quá trình chuyển dạ đẻ và đạt mức tối đa khi rặn đẻ.
– Tuy vậy oxytocin không đóng vai trò quan trọng để gây chuyển dạ đẻ mà chủ yếu làm tăng nhanh quá trình chuyển dạ đang diễn ra.
Các yếu tố khác
– Sự căng giãn từ từ và quá mức của cơ tử cung và sự tăng đáp ứng với các kích thích sẽ phát sinh ra chuyển dạ đẻ.
– Yếu tố thai nhi: Thai vô sọ hoặc thiểu năng thượng thận thì thai nghén thường kéo dài, ngược lại nếu cường thượng thận sẽ gây đẻ non.
Dựa vào những yếu tố này bác sĩ sẽ có những phác đồ kích đẻ cho những thai phụ không có dấu hiệu chuyển dạ khi quá ngày sinh. Và cũng nhờ những yếu tố này mà ngày ngay y học có nhiều những phương pháp giúp rút ngắn thời gian chuyển dạ giảm đau đớn cho sản phụ trong khi sinh thường.
Những yếu tố gây nên cuộc chuyển dạ khi thai đủ tháng.
Theo NTD