Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo
Nguyên nhân: Vết khâu tầng sinh môn không vô trùng, khâu phục hồi tầng sinh môn không đúng kỹ thuật hoặc không khâu, sót gạc trong âm đạo.
Triệu chứng: Sốt nhẹ 38oC – 38o5 C. Vùng tầng sinh môn có biểu hiện viêm tấy, đỏ, đau, trường hợp nặng có mủ.
Hướng điều trị: Dùng kháng sinh đường uống hoặc đường toàn thân. Vệ sinh tại chỗ bằng các dung dịch sát trùng như rửa thuốc tím hoặc các dung dịch sát trùng khác… Nếu phù nề nhiều chỗ khâu nên cắt chỉ sớm.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Nhiễm trùng tử cung
Có nhiều mức độ như viêm niêm mạc tử cung, viêm cơ tư cung, viêm toàn bộ tử cung. Nguyên nhân do: Nhiễm khuẩn ối, sót rau màng rau. Chuyển dạ kéo dài, các thủ thuật bóc rau kiểm soát tử cung không vô khuẩn, mổ lấy thai không vô khuẩn, bế sản dịch, sót gạc sau khi mổ…
Với các triệu chứng: Sau đẻ 3-4 ngày sản phụ xanh xao, mệt mỏi sốt cao . Sản dịch hôi, đôi khi lẫn mủ. Tử cung co hồi chậm: nếu chỉ viêm niêm mạc tử cung nắn tử cung không đau, nếu đã viêm đến lớp cơ nắn đáy tử cung sản phụ thấy đau.
Hướng điều trị: Thuốc co hồi tử cung. Kháng sinh đường tiêm. Nong cổ tử cung trong trường hợp bế sản dịch. Cấy sản dịch tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Nếu sót rau phải đợi nhiệt độ giảm hoặc hết sốt mới nạo buồng tử cung (sau khi đã dùng kháng sinh 24h). Nếu viêm tử cung toàn bộ phải cắt tử cung bán phần và cấy máu để phát hiện sớm nhiễm khuẩn máu.
Viêm phúc mạc và dây chằng
Với triệu chứng: Sốt sau đẻ 8 – 10 ngày. Nắn tiểu khung thấy một khối mềm, đau, bờ không rõ, di động hạn chế. Sản dịch hôi và ra nhiều, cổ tử cung chậm đóng, tử cung co hồi chậm. Có thể khỏi nếu điều trị tích cực hoặc trở thành viêm phúc mạc tiểu khung.
Hướng điều trị: Kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ trong hai tuần hoặc cho đến khi khỏi. Thuốc co hồi tử cung. Nếu tạo thành túi mủ thì chọc dẫn lưu qua túi cùng âm đạo. Nếu nặng phải cắt tử cung bán phần.
Viêm phúc mạc tiểu khung
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Viêm phúc mạc tiểu khung là nhiễm khuẩn lan từ tử cung, dây chằng rộng, phần phụ, đáy chậu. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập từ vết thương tầng sinh môn trực tiếp vào tổ chức liên kết hoặc qua hệ thống bạch huyết. Có thể dẫn tới viêm phúc mạc toàn thể.
Triệu chứng: Thời gian xuất hiện 3 – 15 ngày sau đẻ. Sốt cao 39 – 40oC, rét run, mạch nhanh. Biểu hiện nhiễm trùng và nhiễm độc nặng, sốt dao động. Đau âm ỉ hạ vị. Tiểu buốt, tiểu rát, hội chứng giả lỵ Tử cung to, đau, di động kém. Đau túi cùng sau khi khám
Hướng điều trị: Điều trị kháng sinh đường tiêm liều cao, phổ rộng và phối hợp. Dẫn lưu mủ từ túi cùng sau qua âm đạo (tốt nhất dưới hướng dẫn siêu âm).
Viêm phúc mạc toàn bộ
Nguyên nhân do: Sau mổ lấy thai không vô khuẩn. Sau viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung toàn bộ không được điều trị tốt. Biến chứng viêm phúc mạc kèm nhiễm trùng máu, thường để lại di chứng dính và tắc ruột, có thể tử vong.
Triệu chứng: Sau đẻ 7 – 10 ngày, hoặc sau mổ đẻ 3 – 4 ngày, sốt cao 39 – 40oC, rét run, mạch nhanh và nhỏ. Nhiễm độc nhiễm trùng nặng, hơi thở hôi, thở nhanh – nông, ỉa chảy, phân thối khắm, bụng chướng, cảm ứng phúc mạc. Tử cung to, cổ tử cung chưa đóng kín ấn đau
Hướng điều trị: Kháng sinh toàn thân. Nâng cao thể trạng, bồi phụ nước, điện giải. Phẫu thuật để dẫn lưu ổ mủ, hoặc cắt tử cung. Trong khi phẫu thuật cần cấy dịch ổ bụng, làm kháng sinh đồ.
Nhiễm khuẩn huyết
Là hình thái nặng nhất của nhiễm khuẩn đường sinh dục sau sinh. Tỉ lệ tử vong cao, có thể để lại nhiều di chứng.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Triệu chứng: (xuất hiện sau can thiệp thủ thuật sớm nhất từ 24 – 48 giờ) Sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mặt hốc hác do mất nước và nhiễm độc, da xanh, hồng cầu và Hemoglobin giảm. Choáng nhiễm trùng như hôn mê, tụt huyết áp và rối loạn vận mạch. Tử cung to đau, sản dịch hôi thối. Trường hợp nặng còn xuất hiện các ổ nhiễm khuẩn thứ phát như ở gan, phổi thận. Chức năng gan thận suy giảm, rối loạn các yếu tố đông máu…
Hướng điều trị: Hồi sức chống choáng, truyền dịch, chống rối loạn nước, điện giải. Kháng sinh phổ rộng, liều cao, phối hợp, tốt nhất phải dựa theo kháng sinh đồ. Khi nhiệt độ trở lại bình thường hoặc giảm xuống: Cắt tử cung bán phần để loại trừ ổ nhiễm khuẩn tiên phát.
Khi có thai và sinh nở, người mẹ nên tới những bệnh viện uy tín để đảm bảo vệ sinh và an toàn. Sau khi sinh, nếu thấy có những dấu hiệu (sốt, mệt, sản dịch có mùi hôi…) thì người mẹ cần nhanh chóng tới bệnh viện để được xử lý kịp thời có như vậy sức khỏe mới được đảm bảo.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục sau sinh
Theo NTD