Trị giun trong thời gian mang bầu là vấn đề vô cùng nan giải của chị em bởi thuốc giun thông thường có khả năng gây dị tật thai nhi rất cao.
Em vốn là một tín đồ quen thuộc của các món gỏi. Ngay cả khi mang bầu em cũng không kiềm chế được sở thích của mình, vì thế mà em lĩnh một hậu quả khá nặng đó là bị bệnh giun. Nếu bình thường em chỉ cần một viên thuốc giun là có thể yên tâm tẩy bay lũ giun ra khỏi cơ thể, nhưng với một bà bầu thì điều đó thực sự không dễ dàng bởi thuốc giun nào cũng ghi rõ dòng chữ “Không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi”.
Có lẽ đúng như các cụ nói “ở hiền gặp lành”, mẹ con em cũng may mắn tìm được đúng thầy, đúng thuốc. Chỉ với một bài thuốc dân gian đơn giản của bác hàng xóm mà em đã đánh bay được lũ giun. Có mẹ nào chẳng may bị lũ giun hoành hành như em thì cũng mau ghi lại bài thuốc này để lấy lại sự trong sạch, an toàn cho cái bụng các mẹ nhé!
Chuyện là, tháng trước khi đang mang bầu ở tháng thứ 5, em bị đau bụng ghê lắm! Lúc đầu em tá hoả vì sợ bụng bầu có vấn đề, nhưng những cơn đau quặn bụng quanh rốn, cái cảm giác đầy hơi cộng thêm cổ họng nôn nao là em biết ngay mình đang bị đau bụng giun (trước đây thỉnh thoảng em cũng bị như thế rồi mà). Ông xã sợ quá vội vàng chạy ra hiệu thuốc mua thuốc giun cho vợ nhưng không tìm được thuốc giun dành cho phụ nữ có thai. Trong lúc cả nhà em đang rối rít tìm cách chữa trị cho em thì may mắn thì bác hàng xóm sang chơi. Nghe chồng em kể sự tình, bác bảo cứ chuẩn bị một dúm lá mơ lông, một dúm hạt trâm bầu và 500g bột gạo nếp là yên tâm sẽ chữa khỏi bệnh mà an toàn cho cả hai mẹ con. May thay, ở quê nhà em thì mơ lông và trâm bầu không thiếu gì. Chồng em gọi điện về buổi tối hôm trước thì chiều hôm sau mẹ chồng em đã gửi cho cả bịch mơ lông, hạt trâm bầu và cả bột gạo nếp nữa.
Lá mơ lông, hạt trâm bầu và gạo nếp chính là bài thuốc của em đấy. (Hình minh họa)
Nói đến mơ lông và trâm bầu thì chắc các mẹ đều biết cả rồi chứ? Vì đây đều là những loài cây quen thuộc mọc ở nhiều vùng nông thôn mà. Nếu mẹ nào chưa biết về hai loại cây này thì em cũng tả sơ sơ nhé.
Mơ tam thể hay có nơi còn gọi là mơ lông, mơ tròn, ngưu bì đồng, đại chúng diệp. Cây thuộc loại dây leo, có nhiều lông, lá mọc đối hình trứng hay mũi mác dài, mặt lá thường lốm đốm vàng. Hoa mơ tam thể màu tím nhạt.
Cây trâm bầu hay còn gọi là chưng bầu, tim bầu, săng kê. Cây nhỡ hay cây to, có thể cao đến 12m. Cành non có 4 cạnh, mép có rìa mỏng. Lá mọc đối, hình trứng dài, chóp tù hay hơi nhọn, gốc thuôn; hai mặt lá đều có lông, nhất là ở mặt dưới. Cụm hoa hình bông mọc ở nách lá, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả có 4 cánh mỏng. Hạt hình thoi, có rìa.
Cả cây mơ và cây trâm bầu đều mọc hoang ở nhiều vùng quê nên rất quen thuộc với người dân quê. Nếu mẹ nào chưa quen với hai loại cây này thì hỏi một số người dân, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bằng thì họ sẽ chỉ cho các mẹ biết.
Có mơ lông và hạt trâm bầu, bác hàng xóm sang tận nhà tận tình chỉ dạy em cách chế biến thuốc giun. Thì ra cách chế biến cũng khá đơn giản. Các mẹ chỉ việc lấy một lượng khoảng 30 – 50 g lá mơ tam thể, 30 – 50 g hạt trâm bầu và 100g bột gạo nếp. Lá mơ rửa sạch, để khô ráo, nghiền nát. Hạt trâm bầu cũng nghiền nát. Sau đó các mẹ trộn hỗn hợp lá mơ, hạt trâm bầu với bột gạo nếp, nặn thành hình bánh rồi đem hấp chín. Buổi sáng ngủ dậy, khi đang đói các mẹ dùng bánh đó để ăn thay bữa sáng, không ăn thêm thứ gì khác cho đến trưa. Các mẹ cứ kiên trì ăn món bánh trên khoảng 3 đến 5 ngày thì đảm bảo sẽ sạch giun. Món bánh này em ăn thấy cũng bùi bùi, thơm thơm dễ ăn thôi nên các mẹ cứ yên tâm không sợ “khó nuốt” đâu.
Bây giờ, em cũng yên tâm chờ ngày bé Chuối chào đời mà không sợ lũ giun kia nữa. Nhưng cái món gỏi thân quen thì có lẽ em cũng phải tạm biệt lâu lâu các mẹ nhỉ?
TH