“Chửa trâu” – Lo lắm

0
33

Lo âu, căng thẳng, hoang mang … là tâm trạng thường gặp ở bà bầu khi quá 42 tuần thai mà bé vẫn chưa chịu ra đời.

Theo thống kê, có khoảng 7% trẻ sinh ra sau 2 tuần trở lên so với ngày dự sinh (vượt quá 42 tuần thai nghén). Việc chờ đợi cơn chuyển dạ để chào đón bé yêu càng kéo dài bao lâu, thai phụ càng cảm thấy khó mà bình tĩnh và thư giãn được, nhất là khi các chị em bầu cùng thời điểm đều đã lâm bồn.

Tuy nhiên, thay vì ngồi ở nhà và luôn băn khoăn với câu hỏi: Vì sao bé chưa chịu ra đời? Bé mình có bị sao không? Hay ngược lại bình thản cho rằng bé nhà mình “cứng đầu” hay “chửa trâu” theo quan niệm dân gian, mẹ bầu cần trao đổi kỹ với bác sĩ và tuân thủ lịch khám thai nghiêm ngặt vì quá ngày sinh, nhất là thai đã đến tuần 42, 43 sẽ kéo theo nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ lẫn thai nhi.

"Chửa trâu" - Lo lắm 1
  Cần phải theo dõi sát chuyển động của bé và tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai theo chỉ định của bác sĩ nếu bé nhà bạn đã quá 41 tuần thai (hình minh họa)

Thế nào là thai quá ngày sinh?

Xác định 1 thai nhi đã thực sự quá ngày sinh hay chưa thật sự khá khó khăn, ngay cả với những mẹ bầu có ngày kinh nguyệt tiêu chuẩn (28 ngày), vì phải căn cứ chính xác vào ngày thụ thai. Trong khi đó, ngày rụng trứng của chị em chỉ được biết 1 cách phỏng chừng, chưa kể tình trạng phát triển ở mỗi thai nhi đều khác nhau. Hơn nữa, vì các cơn chuyển dạ được khởi động do thai nhi sản sinh ra các nội tiết tố trong lúc bé tiến đến giai đoạn trưởng thành đầy đủ, kéo theo ngày sinh được mong đợi có thể bị thay đổi rất nhiều.

Dù vậy, thông thường 1 thai nhi được xác định đã quá ngày sinh khi thai kỳ của người mẹ kéo dài quá 42 tuần lễ, tức hơn 294 ngày so với một thai kỳ bình thường là từ 38 – 42 tuần. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định chính xác, tuy nhiên, những bà bầu nằm trong nhóm sau thường có nguy cơ sinh con già ngày hơn so với bình thường: tiền sử hộ sản gia đình có số thai kỳ dài hơn so với bình thường (43 – 44 tuần), mẹ béo phì, gặp 1 số vấn đề về nhau thai, mang thai lần đầu hoặc mang thai bé trai v.v…

Những nguy cơ ảnh hưởng đến bé và mẹ

Việc mang thai quá dài ngày thường gây nguy hiểm cho thai nhi nhiều hơn cho mẹ. Có 1 số rủi ro mà bé có thể gặp phải nếu thai kỳ của bạn kéo dài hơn 42 tuần lễ:

– Trưởng thành muộn. Thai nhi bị mất đi lớp mỡ khắp cơ thể do nằm trong nước ối quá lâu, nhất là từ bụng của bé. Vì vậy, làn da của bé trông có vẻ đo đỏ, nhăn nhúm như thể lớp da đó không vừa với cơ thể của bé và có thể dần bị tróc ra. Trưởng thành muộn sẽ làm cho việc chuyển dạ diễn ra lâu và khó khăn. Bé to và xương sọ cứng hơn làm việc di chuyển qua đường sinh gây tổn thương cả bé lẫn mẹ. Nguy hiểm hơn là tỷ lệ thai chết trong bụng mẹ cũng cao (tăng gấp 2 lần khoảng trong tuần thứ 43 và 3 lần trong tuần 44 của thai kỳ).

– Suy nhau thai. Nếu cơn chuyển dạ không khởi sự đúng thời gian, có khả năng lá nhau bắt đầu hoạt động kém hiệu quả, bị thoái hóa dần dẫn đến không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho bào thai. Hậu quả là thai nhi bị sụt cân, giảm khối lượng mỡ dưới da, khối lượng cơ. Khi sinh ra da bé bị nhăn nheo. Nghiêm trọng hơn, thai bị ngưng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, thường xảy ra sau các cơn gò tử cung làm thai chết trước và trong khi chuyển dạ. Các số liệu thống kê cho thấy mang thai quá ngày có tỷ lệ chết chu sinh cao gấp 3 lần mang thai thường.

"Chửa trâu" - Lo lắm 2
Bà bầu dễ bị sinh mổ nếu thai quá ngày sinh, vì bé quá to khó lọt qua xương chậu của mẹ (hình minh họa)

– Thai quá lớn. Do phát triển thêm 2 tuần lễ trong bụng mẹ nên bé có thể nặng trên 4kg, đặc biệt trong trường hợp mẹ bị béo phì hay bị tiểu đường thai kỳ. Hệ lụy của tình trạng này là việc chuyển dạ gặp trở ngại do thai to, dẫn đến phải sinh mổ, sinh khó. Vai bé to nên khi di chuyển qua đường sinh có thể làm gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay, thậm chí gây tử vong cho cả thai nhi.

– Tim thai gặp vấn đề. Càng quá ngày sinh, lượng nước ối càng có xu hướng giảm dần. Nước ối ít làm cho dây rốn chèn ép thai nhi, gây ảnh hưởng lên tim thai. Tai biến này thường xảy ra đột ngột, dù máy đo tim thai có thể phát hiện bất thường nhịp tim và siêu âm có thể phát hiện lượng nước ối ít.

– Giảm chức năng hô hấp do thai hít nước ối. Hội chứng hít nước ối có phân su (phân bé tạo ra lúc còn trong bụng mẹ) chiếm hơn 25% trường hợp sinh quá ngày. Nguyên nhân là do từ tuần 32 trở đi, lượng phân su tống ra nước ối tăng dần cho đến cuối thai kỳ. Nước ối ít làm phân su đặc sệt, thai nhi hít vào làm tắt nghẽn đường hô hấp, làm giảm sức căng bề mặt của các phế nang dẫn đến giảm chức năng hô hấp.

Ở người mẹ, việc mang thai quá dài ngày so với bình thường gây nên các căng thẳng và sức ép về tâm lý. Ngoài ra, do sinh bé quá to có thể làm người mẹ bị rách cổ tử cung, âm đạo, làm giãn sàn chậu, tiểu không tự chủ sau sinh và dễ bị suy yếu cổ tử cung gây sinh non ở các lần sinh tiếp theo.

Phải làm gì khi thai đã quá ngày sinh?

Dù sẽ khá lo âu và căng thẳng khi rơi vào trường hợp không mong muốn này, nhưng thay vì quá nôn nóng để rồi áp dụng đủ mọi kiểu chữa mẹo truyền miệng có thể gây hại cho 2 mẹ con, bạn nên tuân thủ nghiêm tất cả các chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả việc khám thai thường xuyên và theo dõi cử động của thai nhi. Dấu hiệu chính xác nhất cho biết tất cả đều ổn với thai nhi là có thể nhận ra các chuyển động đều đặn của bé, và bạn chính là người theo dõi tốt nhất. Ngoài việc theo dõi của mẹ, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng của thai nhi qua mỗi lần thăm khám, gồm đo nhịp tim thai qua máy điện tử và đánh giá lượng nước ối bằng siêu âm. Các can thiệp y khoa có thể bao gồm:

"Chửa trâu" - Lo lắm 3
  Siêu âm là phương pháp hiệu quả để xác định lượng nước ối trong tử cung và bác sĩ sẽ can thiệp bằng giục sinh hoặc sinh mổ nếu mẹ bị thiểu ối, có dấu hiệu thai suy. (hình minh họa)

– Nếu thai được 41 tuần lễ, các điều kiện sản khoa thuận lợi như cổ tử cung mở 2 – 3cm, mềm mại, dễ giãn, đầu thai nhi đã xuống khá sâu trong âm đạo v.v… bác sĩ sẽ khởi phát chuyển dạ. Khi điều kiện sản khoa không thuận lợi hay mẹ kèm các bệnh lý khác như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai quá to …, bác sĩ sẽ can thiệp để làm cho cổ tử cung mở lớn bằng thuốc biệt dược, sau đó mới khởi phát chuyển dạ.

Trong tình huống sản phụ không đồng ý khởi phát chuyển dạ, điều kiện sản khoa không thuận lợi nhưng không có vấn đề bất thường gì khác kèm theo thì có thể theo dõi sát cử động thai nhi 3 lần/ngày, siêu âm tuần 2 lần, thực hiện các xét nghiệm đánh giá nhịp tim thai, tình trạng thiểu ối, cử động hô hấp và trương lực cơ thai nhi. Nếu lượng nước ối thấp đến mức nguy hiểm thì sẽ được khởi phát chuyển dạ (giục sinh) hoặc chỉ định sinh mổ.

– Trong quá trình theo dõi, nếu tim thai bất thường hay nhịp tim thai không đáp ứng, xuất hiện thiểu ối, nước ối có màu, thai giảm cử động, bác sĩ cũng sẽ chỉ định sinh mổ, bởi càng kéo dài thời gian thì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở thai nhi càng cao, ngoài ra các rủi ro cho sản phụ cũng sẽ tăng.
 

KP

“Chửa trâu” – Lo lắm