Nghén là chứng bệnh hầu hết bà bầu đều mắc phải. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để có cách đúng, hiệu quả trong trị ốm nghén và có một thai kỳ thoải mái.
Cách trị nghén tại nhà đơn giản
1. Ăn bánh quy thường xuyên
Mới đầu khi thấy các chị mách ăn những mẩu snack nhỏ để giảm bớt các triệu chứng buồn nôi, sôi bụng, em cứ thấy là lạ thế nào ý. Tuy nhiên khi thực hiện rồi mới thấy khá ổn các mẹ ạ. Mẹ nào không thích snack thì nhớ để hộp bánh quy ở đầu giường và ăn 1 – 2 chiếc trước khi ngồi dậy buổi sáng hoặc mang bánh tới văn phòng và ăn bất cứ lúc nào thấy muốn ói nhé.
Ảnh minh họa
2. Làm bạn với gừng
Các mẹ ạ, gừng có tác dụng trị chứng nôn mửa rất hiệu quả ở thời kỳ đầu thai nghén. Chính vì vậy mà sáng nào em cũng pha một tách trà gừng để uống. Cách làm của em cũng rất đơn giản thôi. Em đun sôi 30 gram củ gừng với 1 ly nước trong vòng 15 phút sau đó để nguội rồi thưởng thức. Ngoài ra các mẹ cũng có thể cho thêm một chút gừng vào các món ăn nhé.
3. Tránh xa mùi thức ăn
Lúc đầu em chả ăn uống được mấy vì cứ nấu ăn xong, ngửi mùi thức ăn đã thấy kinh lắm rồi các chị ạ. Thế là em đành nhờ bố Sóc nấu ăn hộ. Từ ngày tránh được vụ nấu nướng, em thấy ăn uống ngon miệng hơn hẳn. Mẹ nào chồng đi làm xa hay bận bịu thì khi nấu nướng nhớ mở cửa sổ ra để không khí thoáng mát tràn vào bếp nhé. Em thấy con bạn thân bảo làm thế đỡ bao nhiêu mùi thức ăn đấy.
4. Chia nhỏ bữa ăn
Khi mới có bé, em cứ chăm chăm tuân thủ nguyên tắc ăn đúng 3 bữa một ngày mẹ ạ. Sau này anh xã đọc báo chỉ cho em mới biết nên chia nhỏ bữa ăn để tránh dạ dày “nặng nề” khi ăn quá nhiều và giúp ổn định lượng đường trong máu. À mà ăn nhiều bữa nhỏ cũng giúp chị em mình tránh bị ợ nóng đấy. Tiện cả hai đường các chị nhỉ?
5. Uống nước đầy đủ
Trước và sau khi ăn, các mẹ nên tránh uống quá nhiều nước nhé. Bởi điều đó sẽ làm tăng nhanh cảm giác đầy bụng, khiến chị em cảm thấy buồn nôn và sau đó là tình trạng “ôm bồn cầu” thường xuyên đấy. Thay vì đó, các mẹ nên uống liên tục một ly nước trong mỗi tiếng hoặc nhâm nhi nước ép hoa quả tươi nhiều hơn nhé.
6. Bổ sung vitamin B6
Nếu các biện pháp trên chẳng có tác dụng tý nào với các mẹ, hãy bổ sung thêm vitamin B6. Loại vitamin này giúp giảm căng thẳng và cảm giác buồn nôn đấy các chị ạ. Song các chị nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé.
Ảnh minh họa
Một số hiểu lầm về ốm nghén
Ốm nghén luôn diễn ra vào buổi sáng
Sự thật: Mặc dù triệu chứng ốm nghén xảy ra phổ biến vào buổi sáng sau khi bạn vừa tỉnh giấc nhưng đó không phải là tất cả. Theo số liệu thống kế, 24% bà bầu có cảm giác ốm nghén vào bất cứ giờ nào trong ngày. Ốm nghén sẽ thuyên giảm sau 12-14 tuần trong thai kỳ. Tuy nhiên, có đến 11% chị em bị ốm nghén trong suốt 9 tháng mang thai.
Cứ buồn nôn là ốm nghén
Sự thật: Dấu hiệu chủ yếu của ốm nghén là buồn nôn, nôn ói. Tuy nhiên, không phải cứ bị nôn là các mẹ lại “đổ tội” hết cho ốm nghén đâu nhé. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị nôn trong thai kỳ. Khi bị nôn nhiều, bạn cần đi khám bác sĩ để biết được nguyên nhân.
Ngoài buồn nôn, ốm nghén còn khiến chị em mệt mỏi, kém ăn, chóng mặt và choáng váng. Chị em cũng sẽ thấy miệng tiết ra nhiều nước bọt hơn, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường nhé. Tuy nhiên, trong trường hợp nôn ói ở mức độ quá nặng khiến bạn không thể ăn uống được gì, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên gia.
Không ốm nghén con kém thông minh
Sự thật: Hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định mẹ bầu không ốm nghén con sẽ kém thông minh các mẹ nhé. Chị em không bị ốm nghén là may mắn vì bạn có thể bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho thai kỳ. Trên thực tế, chỉ có 60% mẹ bầu bị ốm nghén thôi mà.
Ốm nghén con sẽ không đủ chất
Sự thật: Nếu bạn đang chiến đấu với tình trạng ốm nghén thì đừng bận tâm đến việc con có đủ chất hay không để thêm mệt đầu nhé. Trên thực tế, các chuyên gia đều cho biết, 3 tháng đầu là thời gian thai nhì chưa cần dung nạp quá nhiều năng lượng. Vì vậy bạn hãy cố gắng ăn mức nhiều nhất có thể và ăn đầy đủ dưỡng chất thay vì ăn nhiều. Như thế em bé vẫn phát triển được bình thường.
TH