Mách mẹ bí kíp gối đầu giường trong chế biến món ăn hàng ngày để có bữa ăn hấp dẫn và đủ chất cho con.
Nhiều chị em thường xuyên phàn nàn vì sao con ăn khỏe mà vẫn không tăng cân. Đây là vấn đề gây “đau đầu” cho rất nhiều bà mẹ. Loại bỏ khả năng trẻ kém hấp thụ, mẹ có thể nghĩ đến những nguyên nhân tù chính cách chế biến và thiếu cân bằng dinh dưỡng của bản thân.
Để bé nhanh tăng cân, xin mách mẹ bí kíp gối đầu giường trong chế biến món ăn hàng ngày để có bữa ăn hấp dẫn và đủ chất cho con.
Gạo – nguyên liệu chính trong chế biến bữa ăn cho trẻ.
Đối với người Việt, từ xa xưa ông cha ta đã có câu: “Cơm tẻ là mẹ ruột”. Chính vì thế mà, từ khi bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm, các mẹ nên nghĩ ngay đến bột gạo. Ngày nay, một phần vì sự đa dạng của các loại thực phẩm dành cho trẻ em, một phần vì sự tiện lợi mà nhiều mẹ chọn cho con các loại bột ngũ cốc dinh dưỡng pha sẵn để thay thế, tuy nhiên nếu phụ thuộc vào thức ăn tiện dụng này, việc đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ là một điều rất khó.
Cung cấp nhiều trái cây tươi.
Không phải bé nào cũng thích ăn trái cây ngay từ đầu và không phải loại trái cây nào cũng phù hợp với khẩu vị của bé. Tuy nhiên trái cây là một loại thực phẩm bổ dưỡng và khá tiện dụng vì không phải chế biến. Các mẹ nên chọn các loại quả theo mùa; mềm, ngọt và hấp dẫn đối với trẻ. Một số loại quả như: na, chuối, bơ, dưa hấu, cam,… là những gợi ý hàng đầu các mẹ có thể chọn cho bé.
Giảm lượng đường.
Chế độ ăn uống của không ít trẻ nhỏ hiện nay có hàm lượng đường ở mức cao. Ngoài việc hạn chế cho trẻ ăn nhiều các loại bánh kẹo ngọt, các mẹ có thể tập cho trẻ ăn nhạt ngay từ lúc bé. Cách thức rất đơn giản, khi chế biến món ăn cho con, mẹ nên giảm lượng đường hay lượng gia vị chỉ bằng 50 đến 75% lượng thông thường. Cùng với nó là gia đình cũng tập thay đổi khẩu vị, bởi lẽ ăn nhiều đường hay nhiều muối thì đều không tốt. Như vậy, khẩu vị của trẻ hoàn toàn có thể do cha mẹ định hình thông qua việc chế biến món ăn cho trẻ ngay từ những bữa ăn đầu tiên.
Thêm các thực phẩm bổ sung.
Như vừa đề cập đến ở trên, để tăng cường thêm hàm lượng dinh dưỡng cho trẻ, ngoài việc chỉ sử dụng gạo, các mẹ nên bổ sung thêm các loại hạt hoặc ngũ cốc xay. Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ Việt, chị em thường không mua bột sẵn ở ngoài mà chọn loại gạo ngon, trộn thêm với đậu đen hoặc đậu xanh, có khi là hạt sen rồi mang ra hàng xay thành bột khi con mới tập ăn dặm và xay dập để chuẩn bị cho con vào giai đoạn ăn cháo hạt.
Tăng gấp đôi các loại rau.
Trẻ bắt đầu ăn dặm và trẻ mới biết đi thường rất khó tính trong việc ăn rau củ, trong khi nhiệm vụ của các mẹ là phải cung cấp đủ cho trẻ ít nhất hai loại rau trong một ngày. Chính vì thế mẹ đừng nên kết hợp chung nhiều loại rau củ trong một món ăn để tránh trường hợp bé đã ghét ăn rau lại càng ngán hơn vì không phân biệt rõ vị. Còn với trẻ đã qua giai đoạn ăn cháo, mẹ nên có phương pháp tập cho trẻ làm quen với đa dạng các loại rau củ quả để trẻ có thể ăn kết hợp chúng cùng với cơm.
Đẩy mạnh yếu tố màu sắc bắt mắt khi trình bày món ăn.
Trẻ sẽ vô cùng hào hứng với tất cả các món ăn của mẹ nếu như nó nhìn thật nhiều màu sắc và được trang trí ngộ nghĩnh. Mẹ nên chú ý đến phần chế biến món ăn cho con. Mỗi bữa mẹ có thể chuẩn bị nhiều loại rau nhất có thể và luôn kết hợp các loại rau củ có nhiều màu sắc khác nhau bày trong một đĩa như: cà rốt màu đỏ, củ cải màu trắng, súp lơ xanh và cả vài hạt ngô ngọt màu vàng. Ngày nào cầu kỳ, mẹ có thể tạo hình cho món ăn. Mỗi bữa như vậy, chắc chắn con sẽ đều sung sướng reo mừng và không cần ai nhắc nhở đều ăn hết phần cơm mẹ chuẩn bị cho.
Lựa chọn các loại thực phẩm ít nguy cơ nhiễm chất bảo quản và chất bảo vệ thực vật.
Đây cũng là một lưu ý quan trọng đối với các mẹ khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Hãy là người nội trợ thông minh và quan sát thật kỹ khi đi mua sắm để có thể chọn được các loại thực phẩm lành mạnh nhất và không gây hại cho sức khỏe. Đồng thời, các mẹ cũng nên áp dụng các biện pháp vệ sinh và sơ chế trước khi chế biến món ăn cho trẻ để loại bỏ đi các dư lượng chất bảo quản không nên có.
Tùng Long