Sự nhẫn tâm của những bà mẹ dạy con bằng cách “bôi nhọ”

0
61

Không nóng nảy nhưng vì áp dụng sai phương pháp mà chị Hằng cũng bị con ghét, không có tình cảm với mẹ. Giờ bé Bí đã 8 tuổi nhưng dường như giữa mẹ và con gái không hề có tiếng nói chung. Bé Bí lúc nào cũng chỉ đòi bà nội, nhất quyết không theo mẹ…

Vì phương pháp dạy con sai, vì không tiết chế được cảm xúc của bản thân mà không ít cha mẹ bị con ghét bỏ.
 
“Bôi nhọ” có nghĩa là đang yêu thương con?

Chị Tâm (Quận 7, TP HCM) nhận thấy càng ngày bé Tít – 5 tuổi con chị càng thu mình, không vui vẻ, thể hiện tình cảm với ba mẹ như trước. Chị biết lỗi cũng ở chị một phần lớn.

Chị thở dài: “Cuộc sống nhiều lúc mệt mỏi, bực tức, không kìm chế được, mình lại trút cơn giận lên con”. Vợ chồng chị bằng tuổi nhau, lại nóng tính, vậy nên cứ khi nào hai anh chị to tiếng, quan điểm không thống nhất, chị lại đem con ra mắng chửi, thậm chí đánh đòn cho thỏa giận…

Có những lúc chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ như Tít uống nước làm rớt ra áo, ho bắn văng cơm ra bàn, sờ vào điện thoại… bé cũng bị mẹ quát tháo, mắng mỏ: “5 tuổi rồi mà cứ như thằng dở hơi ý”, “Mày bị đao à, uống nước cũng chẳng xong, đồ đần độn”, “Tọng đi, ngậm cơm tao tát cho vài cái bây giờ”. Thấy con lúng búng, mặt mếu trực khóc, chị cầm cái đũa cả đánh đen đét vào tay con.

Thời gian đầu, bé Tít mặt xanh đít nhái, sợ hãi lắm, cứ khi nào mẹ nói to là Tít sợ hãi, giật mình thon thót, có khi đang ngủ bé cũng nằm mơ nói: “Mẹ đừng đánh Tít”.

Sự nhẫn tâm của những bà mẹ dạy con bằng cách "bôi nhọ" 1
Vì phương pháp dạy con sai, vì không tiết chế được cảm xúc của bản thân mà không ít bậc phụ huynh bị con ghét bỏ (Ảnh minh họa)

Không nóng nảy nhưng vì áp dụng sai phương pháp mà chị Hằng (Bạch Đằng, Hà Nội) cũng bị con ghét, không có tình cảm với mẹ. Giờ bé Bí đã 8 tuổi nhưng dường như giữa mẹ và con gái không hề có tiếng nói chung. Bé Bí lúc nào cũng chỉ đòi bà nội, nhất quyết không theo mẹ.

Chị Hằng trước cũng rất yêu chiều Bí, nhưng khi con đến 3 tuổi – giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, bé có biểu hiện hay dằn dỗi, khóc lóc, quăng ném đồ đạc, chị nghe lời bạn bè rằng “thương cho roi cho vọt”, thế nhưng phương pháp này khi đã đi quá đà đã bị phản tác dụng.

Với bất cứ một hành động nào của con khiến chị “chướng mắt”, chị sẵn sàng lấy roi ra quất vào mông con. Khi thấy con ăn chậm, chị lại làm phép so sánh với các bạn hàng xóm; khi thấy con ho hắng, chị lại bảo con là “đồ mèo hen, bệnh tật”…

Cũng là tình huống đó, có lần Bí bị mẹ đánh cho một trận vì cái lý thuyết “yêu cho roi cho vọt”. “Học ngu như lợn”, “Sao tao lại có đứa con xấu xí như mày”… Đó là những hình thức trừng phạt thân thể và trứng phạt về tinh thần mà chị Hằng không biết rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần con.

Tất cả những lời yêu thương “roi vọt” này đã khiến Bí từ sợ hãi chuyển sang ghét bỏ mẹ. Ở độ tuổi lên 8, bé khác những bạn cùng lứa, bé không vui vẻ, bé hay buồn, hay tự cô lập mình với đám đông.

Sai lầm khi đánh mắng con

Chuyên gia tư vấn Hồng Hà khẳng định, nếu phụ huynh nào suy nghĩ càng đánh, càng bôi nhọ có nghĩa là càng yêu con thì điều này là hoàn toàn sai lầm.

Không ít người xem việc đánh mắng con là một cách để thỏa mãn cơn giận dữ, sự bực tức nhất thời của bản thân. Làm tư vấn viên, chuyên gia đã gặp không ít những trường hợp ông bố bà mẹ lo lắng khi con tỏ ra không theo thậm chí ghét bỏ bố mẹ.

Sự đánh mắng vô cớ, thường xuyên sẽ khiến bé hoảng sợ, chán nản, thất vọng và xa lánh cha mẹ. Bạo lực là cách dạy dỗ thể hiện sự sai lầm, bất lực của cha mẹ đến trẻ. Không ít đứa trẻ vì bố mẹ đánh mắng nhiều nên đã thay tâm đổi tính, ù lỳ, nhút nhát hoặc hung hăng thích gây gổ. Từ ngữ dùng để bôi nhọ, sỉ nhục hoặc làm trầm trọng hóa khuyết điểm của con khiến đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ đánh mắng con: do bé không nghe lời, do bực bội cáu gắt, cha mẹ giận cá chém thớt với con, do phương pháp dạy sai… Cách dạy con tốt nhất là hãy trò chuyện và lắng nghe con nói, quát mắng hay đòn roi chỉ khiến bé chai lỳ và không ít trẻ sa chân vào con đường hư hỏng, vướng vào những tệ nạn xã hội. Tôn trọng con là cách tốt nhất để khiến con coi cha mẹ như những người bạn lớn của mình.

Cha mẹ cần là tấm gương lớn để con soi mình vào đó. Khi cha mẹ nổi nóng, tức giận, cáu gắt, mắng nhiếc thì vô tình con sẽ bắt chước lại cha mẹ theo cách của trẻ. Việc cha mẹ thường xuyên quát mắng, đánh đập con sẽ khiến con bị tổn thương thể xác, tinh thần. Một khi tinh thần của bé bị ảnh hưởng, bé sẽ tự ti, nhút nhát, mặc cảm về bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống, người thân xung quanh.

Tóm lại, cha mẹ cần tiết chế cảm xúc của bản thân, tuyệt đối không được giận cá chém thớt. Nếu con sai, cha mẹ cần giúp con sửa bằng cách phân tích phải trái đúng mực.

Có không ít trẻ có biểu hiện rõ rệt khi bị cha mẹ đánh mắng như giật mình, ngủ mơ, nói mơ, tim đập mạnh, trầm cảm, lầm lỳ… Trong mọi hoàn cảnh, cha mẹ cần lắng nghe con, tiết chế cảm xúc bản thân. Điều này sẽ giúp cha mẹ và con hiểu nhau, phụ huynh không mắng nhầm con, mắng oan con. 

Trí Thức Trẻ

Sự nhẫn tâm của những bà mẹ dạy con bằng cách “bôi nhọ”